Đà Nẵng: Cán bộ “rút ruột”, dự án 5 sao “nằm treo”, chỉ người dân… chịu khổ

(PLO) - Từ 10 năm trước, Khu dân cư Dịch vụ- Du lịch (KDC DV – DL) Làng chài Điện Dương (xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bắt đầu đưa vào quy hoạch. Với vị trí trải dài theo bờ biển, dọc tuyến đường 5 sao Hội An- Đà Nẵng, nơi đây từng kỳ vọng trở thành khu nghĩ dưỡng, an sinh chuẩn quốc tế. 
Làng chài Điện Dương
Làng chài Điện Dương

Thế nhưng, ước mơ chưa hiện thực, nay dự án tiếp tục “treo” khi CQĐT phát hiện có sự móc nối, tư túi riêng đến hàng tỉ đồng của một bộ phận cán bộ kiểm kê, giải phóng mặt bằng…

Kê khống hàng tỉ đồng

Để hiện thực hóa giấc mơ, ngày 29/12/2010, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành trải thảm mời gọi đầu tư bằng Quyết định số 4465/QĐ-UBND. Khoảng 25ha được chuẩn bị cho công cuộc thay đổi da đổi thịt miền biển này. Dự án sau đó thuộc về tay của công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô. Tuy nhiên, qua thời gian khởi công rầm rộ, dự án “đắp chiếu”.

Hệ lụy kéo theo đẩy hàng trăm hộ dân bản địa nằm trong dự án sống cảnh “đi không được, ở chẳng xong” và mòn mỏi chờ đợi tiền đền bù để di dời. Mãi đến năm 2015, qua liên tiếp tới 2 nhà đầu tư, Dự án được bán cho Công ty Cổ phần Beton 6 Miền Trung. Doanh nghiệp này làm sống dậy những tia vọng về một làng chài lung linh bên bờ biển khi đầu tư gần 30 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói, khi doanh nghiệp làm đúng, làm đủ nhiệm vụ, các cơ quan chức năng lại mắc sai phạm và đẩy dự án tiếp tục “treo”.

Cụ thể, cuối năm 2015, sau khi công ty Cổ phần Beton 6 Miền Trung tiếp quản dự án, chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn (TTPTQĐ) và UBND phường Điện Dương tổ chức họp dân nhằm thông qua việc thu hồi đất. Tuy nhiên, 2 đơn vị này lại “bắt tay” thống nhất sử dụng hồ sơ kiểm kê đã được lập năm 2010 mà không có chủ trương của UBND thị xã Điện Bàn. 

Căn cứ vào loạt giấy tờ này, năm 2016, UBND thị xã Điện Bàn ban hành quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường giải phóng mặt bằng. Có tổng cộng 137 trường hợp nằm trong diện nhận tiền với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn đã giao tiền cho 123 trường hợp với số tiền gần 28 tỷ đồng, còn 14 trường hợp chưa chi trả.

Khu vực kê khống nhận tiền đền bù
Khu vực kê khống nhận tiền đền bù

Mầm mống sai phạm cũng hình thành từ đây và lớn dần. Chính sự bất hợp lý này khiến các hộ dân trong diện đền bù, giải tỏa “tố” lẫn nhau. Người vui mừng nhận tiền tỷ, người hậm hực vì sai sự thật. Hàng loạt đơn thư tố cáo gõ cửa ngành chức năng địa phương. UBND thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc xác minh.

Kết luận thanh tra thể hiện, công tác bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án xảy ra quá nhiều sai phạm làm thất thoát số tiền hơn 5,8 tỷ đồng. Trong đó, việc áp dụng mức bồi thường không đúng quy định làm tăng 4,7 tỷ đồng,  một số hạng mục không có trong biên bản kê thực tế làm tăng hơn 92 triệu đồng, áp giá không đúng quy định tăng hơn 211 triệu đồng, khối lượng thực tế giảm so với phương án bồi thường hơn 1.08 tỷ đồng, quy chủ tài sản sai 154 triệu đồng….

Đáng nói hơn, sự tắc trách của chính quyền địa phương còn thể hiện khi các cơ quan cấp cao đã tổ chức họp để thu hồi đất, nhưng UBND phường Điện Dương vẫn “chống lệnh” ký kết hợp đồng cho 14 hộ dân thuê đất trong dự án xây dựng trang trại. Việc này không chỉ khiến công tác đền bù bị ảnh hưởng, trương phình ngân sách mà còn kéo theo các hệ lụy tranh chấp, tố cáo giữa các hộ thuê đất. Thanh tra khẳng định, việc này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng luật Đất đai năm 2013.

Thất thoát dự án chưa dừng lại?

Văn bản kết luận của UBND thị xã Điện Bàn còn thể hiện, trong vụ việc này có dấu hiệu vi phạm hình sự 2 tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Xét tính chất nghiêm trọng, UBND thị xã Điện Bàn chuyển hồ sơ liên quan trực tiếp đến những cán bộ kiểm kê, áp giá, chi trả đền bù cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Điện Bàn điều tra, làm rõ. Cụ thể, Tổ giải phóng mặt bằng (GPMB) số 1 thuộc Chi nhánh TTPTQĐ Điện Bàn và các đơn vị, cá nhân liên quan...

Ông Lê Thương, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn cho biết, trước đây, đích thân ông cùng lãnh đạo UBND phường Điện Dương xuống cơ sở họp dân thông báo thu hồi đất và sau đó giao cho Tổ GPMB số 1 trực tiếp kiểm kê, đề xuất cho Hội đồng thẩm định của thị xã xem xét, quyết định. Đến khi vụ việc vỡ lở như đã nêu, ông mới biết và cho rằng, vì quá tin tưởng vào cấp dưới nên giao chứ không “nhận gì ở đây cả”. 

Ông Thương cũng chia sẻ, thời điểm xảy ra vụ việc, ông còn mấy tháng nữa nghỉ hưu nên có tin đồn ông “đánh cú chót”. Vì thế, ông cũng mong cơ quan điều tra sớm làm rõ vấn đề để ngoài xử lý những người cơ hội, còn minh oan ông.

Trong khi đó, để xảy ra sự vụ này, người trong cuộc là ông Lê Tự Trung, Tổ trưởng tổ GPMB số 1 giải trình: “Tôi làm tổ trưởng phụ trách chung của tổ, sau khi họp các thành viên của tổ và phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Đãi, phụ trách chính dự án. Việc kiểm kê, áp giá đền bù do đồng chí Đãi thực hiện và tôi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công việc của các thành viên.

Những hộ nâng khống để nhận tiền
Những hộ nâng khống để nhận tiền 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đãi có công tác lâu năm, nên tôi tin tưởng vào chuyên môn, không kiểm tra lại nội dung hợp đồng cho thuê đất của các trại tôm; dẫn đến sai lầm trong việc áp giá đền bù các trại tôm.... Việc này không có sự chỉ đạo của Giám đốc chi nhánh và tôi cũng không báo cáo việc này cho Ban giám đốc do vậy lãnh đạo chi nhánh hoàn toàn không hề hay biết”.

Ông Nguyễn Ngọc Đãi, thành viên Tổ GPMB số 1 cho rằng: “Việc áp giá bồi thường và lập phương án đã được Tổ trưởng thông qua, kiểm tra và lãnh đạo Chi nhánh không chỉ đạo việc áp giá bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt. Bản thân do không đọc kỹ hợp đồng thuê đất giữa UBND phường Điện Dương với các hộ nuôi tôm. Do trình độ hiểu biết về các văn bản có liên quan đến bồi thường còn yếu kém, do năng lực công việc còn thấp nên mới dẫn đến sai sót trên.”.

Là cán bộ tham mưu lãnh đạo ký tờ trình thu hồi đất và Báo cáo thẩm định trình UBND thị xã ban hành quyết định phê duyệt phương án, ông Trần Việt Hùng, cán bộ thẩm định Phòng TN&MT thị xã nêu, bản thân được giao khối lượng công việc nhiều nên không sao tránh khỏi những sai sót không mong muốn. Do chủ quan đã không báo cáo trực tiếp cho Trưởng phòng và Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng như không kèm theo các hợp đồng thuê đất và các hồ sơ liên quan khi trình ký Báo cáo thẩm định....

Đáng nói, theo ý kiến của người dân Làng chài Điện Dương, khoảng tiền bị thất thoát trong dự án trên không dừng lại ở con số hơn 6 tỷ đồng như phát hiện ban đầu mà có thể cao gần chục tỷ đồng. Bởi vì, hiện trường và phần lớn các vật chứng công trình sau khi nhận tiền đền bù đã bị đào xới, tháo dỡ và phá bỏ hoàn toàn, không còn cơ sở để đo kiểm, đối chiếu xác minh…

Đọc thêm