Đá văng chết một phụ nữ: 'Mìn sắp nổ mới nghe cảnh báo, không chạy đi đâu kịp'

(PLO) - Mùa nấm tràm đang chính vụ nên bà Trần Thị Chín (SN 1964, ngụ xóm Mới, tổ dân phố Giáp Thượng 1, phường Hương Văm, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lên rừng đi hái. Không may, lúc này mỏ đá của Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng (phường Hương Vân) đang nổ mìn. Bị đá bắn vào người, người phụ nữ này tử vong. 
Mỏ đá Hương Bằng - nơi xảy ra vụ việc.
Mỏ đá Hương Bằng - nơi xảy ra vụ việc.

Cái chết “trên trời rơi xuống”

Khoảng 11h45’ ngày 21/9, bà Chín cùng hai người hàng xóm đang đi hái nấm ở khu vực thuộc mỏ đá Hương Bằng thì bất ngờ bị đá đè do hoạt động nổ mìn của mỏ đá này. Sau khi xảy ra vụ việc, nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bị thủng bụng, gãy chân. Đến khoảng 23h ngày 22/9, nạn nhân đã tử vong do đa chấn thương. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Bà Chín đột ngột qua đời khiến hàng xóm nơi đây vô cùng bất ngờ. Nạn nhân được biết đến là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn, đặc biệt bà có tài nấu ăn rất  giỏi, lại nhiệt tình. Đám giỗ cũng như cưới hỏi nơi xóm Mới này, mọi người đều nhờ bà giúp. Nhà nạn nhân cách mỏ đá Hương Bằng chừng 8km.

Bà Trịnh Thị Mai (56 tuổi, người đi hái nấm cùng nạn nhân) cho biết, bà là em chồng cũng là hàng xóm với nạn nhân. Nấm năm nay được mùa, giá bán lại cao (30 nghìn/1kg) nên từ 3h sáng hôm xảy ra sự việc, hai chị em cùng nhau lên rừng đi hái.

“Hái từ rạng sáng đến 8h sáng, chị em chúng tôi về nhà, bán được 450 nghìn rồi chia nhau, ai nấy đều phấn khởi. Chị tôi còn điện báo với cô con gái sống ở miền Nam kể hái nấm vui, lại có tiền, mới làm buổi sáng mà đã “đủ ngày công”. Thế là tầm 11h trưa chị em chúng tôi cùng với một người hàng xóm tên Long lên lại khu mỏ đá hái nấm tiếp”.

Nhân chứng Mai: “Mìn sắp nổ chúng tôi mới nghe cảnh báo, không chạy đi đâu kịp”.
Nhân chứng Mai: “Mìn sắp nổ chúng tôi mới nghe cảnh báo, không chạy đi đâu kịp”.

Cả ba người không hề biết đó là khu vực sắp nổ mìn. Mìn gần nổ mới nghe tiếng báo động. “Tôi đi đầu, giữa là chị Chín, đi cuối là Long. Chúng tôi đi cách nhau chừng 2m nhưng chỉ mình chị ấy gặp nạn, đến giờ tôi không thể quên được hình ảnh thảm khốc đó. Cũng may tôi với Long “số lớn” chứ cả ba cùng dính đá thì xóm sẽ có “đại tang” mất”, bà Mai òa khóc.

Chồng bà Mai cũng là công nhân nổ mìn ở một mỏ đá cạnh mỏ Hương Bằng nhưng bà không hề biết khu vực mình đi hái nấm lại nguy hiểm, không có người cảnh báo. Mìn sắp nổ, ba người mới nghe tiếng báo động, các nhân chứng nhấn mạnh.

Một phường, bốn mỏ đá

Chồng nạn nhân trước đây là cán bộ xã, giờ sức khỏe yếu chỉ ở nhà làm việc nhẹ ở nhà, còn bốn người con (hai trai, hai gái) đều đã lập gia đình, trong đó có hai người sống ở miền Nam.  

Chồng nạn nhân buồn rầu: “Dân gian có câu “ham như ham nấm” nên cứ đến đầu mùa mưa có nấm tràm, vợ tôi cũng như dân nơi đây lại đi nhổ, lấy niềm vui cũng như có thêm thu nhập. Vợ tôi qua đời là cái xui khi đáng lẽ hôm đó, cô ấy đi nấu ăn thuê tới 15 mâm ở trong làng.

Kế hoạch đã có nhưng đêm trước khi gặp nạn, chủ nhà hàng quên gọi điện thoại để “chốt”, đến 4h sáng mới liên lạc thì vợ tôi đã ở trên núi. Ngoài ra sau khi ăn cơm trưa xong, tôi bàn với vợ chiều đi trồng cau. Vợ chồng đã đồng ý nhưng không hiểu “trời xui đất khiến” thế nào đó mà cô ấy lại đi… Đi mãi mãi không về, nhiều dự định còn dở dang lắm”.

Chồng nạn nhân thuật lại sự việc.
Chồng nạn nhân thuật lại sự việc.

Sau vụ việc trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định 2100/QĐ/UBND tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ của Công ty CP Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương (Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà) thông tin, hiện trên địa bàn thị xã có 10 mỏ đá đang hoạt động và một mỏ đá đang chờ UBND tỉnh đánh giá lại để cấp phép. Trong đó, trên địa bàn phường Hương Vân có tới bốn mỏ là Hương Bằng, Trường Sơn, Thông Cùng và Khe Băng. 

Trong 10 mỏ thì chỉ có một mỏ của Công ty Trường Sơn sử dụng phương pháp nổ vi sai phi điện (là phương pháp nổ mìn rung chấn thấp, an toàn, là phương pháp tiên tiến bậc nhất trên cả nước – PV), các mỏ đá còn lại hầu hết đều sử dụng phương pháp nổ truyền thống là nổ vi sai dây nổ, kíp vi sai rải mặt hoặc nổ vi sai với kíp xuống lỗ.

“Sự việc xảy ra quá đáng tiếc, lãnh đạo thị xã cũng đã thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng nắm bắt tình hình về an toàn khi nổ mìn, thông tin thời gian tín hiệu, hiệu lệnh, khoảng cách an toàn. Đồng thời, thông báo cho người dân trong vùng được biết để phòng tránh tai nạn có thể xảy ra”, bà Hương nói.

24 lao động có nguy cơ thất nghiệp

Để nắm thêm thông tin, PLVN đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Công ty Hương Bằng về việc liệu quy trình nổ đã đảm bảo nghiêm ngặt, vì sao lại có người lọt vào vùng nguy hiểm, cảnh giới ở đâu?

Ông Hồ Phước Chê (40 tuổi, phụ trách điều hành mỏ của Công ty Hương Bằng) nói: “Chúng tôi thừa nhận có sai. Sự việc này phải chờ kết luận của công an điều tra mới biết cụ thể được”.

Ông Chê thông tin thêm, công ty có đầy đủ thủ tục pháp lý như giấy phép thành lập, giấy phép khai thác mỏ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận an ninh trật tự. Thành viên trong kíp nổ mìn đều có bằng cấp, chứng chỉ. Công ty phân công nhiệm vụ nghiêm ngặt, tuân thủ quy trình xuất, nạp thuốc.

Máy nghiền đá hiện tại đã phải ngừng hoạt động.
Máy nghiền đá hiện tại đã phải ngừng hoạt động. 

Thời gian nổ mìn vào buổi trưa là từ 11h30-12h30, buổi chiều từ 16h30-17h30.  Khi thực hiện vụ nổ, đơn vị đều có cảnh giới bốn phía (bốn người) cũng như có đánh kẻng báo động ba lần, sau mỗi lần đánh kẻng đều có đọc thông báo bằng lời.

“Tuyến đường đi vào mỏ đá (trên núi) nên vắng vẻ, ít người ở. Thời gian tới nếu được hoạt động trở lại, công ty sẽ tăng cường lắp thêm biển báo, biển cấm xung quanh mỏ, tăng cường phối hợp tuyên truyền cho người dân về những khu vực nguy hiểm tại mỏ đá”, ông Chê nói.

Theo lộ trình của tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến cuối năm 2018 các đơn vị có mỏ khai thác đá phải thuê dịch vụ nổ, tiến tới xóa bỏ các kho mìn nhỏ lẻ để đảm bảo an toàn. Đã cuối năm rồi, công ty này tính sao về điều này? Ông Chê giải thích, trước khi sự việc xảy ra 4 ngày, Công ty Hương Bằng đã liên lạc với một công ty chuyên nghiệp ở Đà Nẵng để thực hiện các vụ nổ mìn khai thác đá. Hai bên hẹn đầu tháng 10/2018 sẽ gặp nhau ở Huế để bàn bạc hợp đồng, tiến hành làm dịch vụ. Thế nhưng, sau sự cố mọi việc đã tạm dừng lại.

Còn ông Nguyễn Vinh (Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng) chia sẻ, sự việc quá đáng tiếc, đây là lần đầu tiên công ty bị đình chỉ sau nhiều năm hoạt động. “Sự việc trên rất nghiêm trọng, anh em trong công ty đều tới phục vụ đám tang, mong gia đình thông cảm”, ông Vinh nói.

Diện tích mỏ đá nơi xảy ra sự việc là 7,2ha, được cấp phép trong vòng 24 năm tính từ năm 2012. Mỗi năm được quyền khai thác 118 nghìn khối đá. Mỗi lần nổ mìn, công ty dùng tối đa 600kg thuốc nổ. Công ty này chỉ có một mỏ đá. Sau khi khai thác đá ở mỏ, đá sẽ được xay nhỏ rồi bán làm vật liệu xây dựng. 

Vị Giám đốc cho biết thêm: “Hiện tại chúng tôi không được nổ mìn để khai thác đá nữa. Không nổ mìn thì không có sản phẩm. Chúng tôi chỉ còn nhặt nhạnh ít đá đã được khai thác từ trước để bán, ít hôm nữa cũng hết. 24 con người làm việc ở công ty sắp phải thất nghiệp rồi. Nếu được cấp phép hoạt động trở lại, chúng tôi hứa sẽ chú ý đến đảm bảo công tác an toàn cũng như tuân thủ thời gian nổ một cách nghiêm ngặt hơn”.

Ông Trịnh Minh Dũng (62 tuổi, chồng nạn nhân) cho biết, sau sự việc, Công ty Hương Bằng đã gọi xe cấp cứu đưa vợ ông đi bệnh viện rồi có hỗ trợ cho gia đình tổng cộng 54 triệu đồng để lo viện phí cũng như hậu sự. Có lẽ cũng là một công nhân mỏ đá nên ông Dũng tỏ ra thông cảm: “Gia đình thông cảm cho công ty, đồng thời mong đơn vị này sớm hoạt động trở lại để giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân địa phương”.

Đọc thêm