'Đại dự án' Sơn Tiên hàng chục năm 'điểm nóng' khiếu kiện tập thể

(PLVN) - Dự án “Khu du lịch sinh thái – nuôi và bảo tồn động vật hoang dã phục vụ du lịch Sơn Tiên” với diện tích 373 ha từng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy du lịch của Đồng Nai, “góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu của tỉnh”, “giải quyết việc làm cho khoảng 4.100 lao động”... Để dễ hình dung về mức độ sử dụng nhiều đất của dự án này, có thể nêu một con số: Phải xây 8km tường rào bao quanh dự án...  
Sau 17 năm triển khai, phần lớn diện tích trong số hàng trăm ha đất dự án Sơn Tiên vẫn chỉ um tùm đủ loại cây.
Sau 17 năm triển khai, phần lớn diện tích trong số hàng trăm ha đất dự án Sơn Tiên vẫn chỉ um tùm đủ loại cây.

Thế nhưng từ khi triển khai chuẩn bị đầu tư năm 2002, đến nay 17 năm trôi qua, phần lớn diện tích trong số hàng trăm ha đất này vẫn chỉ um tùm đủ loại cây. Đây cũng là một trong những điểm nóng về đất đai, khi hàng chục năm nay những người dân bị cưỡng chế lấy đất liên tục đâm đơn  khiếu nại, thậm chí đã từng xảy ra vụ án “chống người thi hành công vụ” với bảy nông dân nhận án tù. Cơ quan trung ương như Quốc hội, Thanh tra Chính phủ… đã từng vào cuộc.

Dự án Sơn Tiên nằm tại khu vực xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sơn Tiên (trụ sở số 149 đường Nguyễn Duy Dương, phường 3, Quận 10, TP HCM). Dự án có tổng mức đầu tư 971 tỷ, theo thuyết trình sẽ đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, dịch vụ; khu vương quốc các trò chơi; khu quảng trường - biểu tượng; khu công viên cây xanh và trồng cây xen kẽ; khu mặt nước; khu nhà ở; khu tái định cư…

Tuy nhiên theo Kết luận thanh tra dự án số 1744/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành hồi giữa năm 2011, sau 8 năm dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; mới thực hiện được một số công việc như san lấp mặt bằng, làm đường giao thông nội bộ.

Dự án nhiều thiếu sót phát sinh nhiều đơn khiếu nại

Trước đó, cuối tháng 8/2002, UBND Đồng Nai có Quyết định số 3185/QĐ.CT.UBT giới thiệu địa điểm cho Sơn Tiên lập thủ tục đầu tư dự án với diện tích 250 ha. Hơn nửa năm sau, giữa tháng 5/2003, UBND Đồng Nai có Quyết định số 1413/QĐ.CT.UBT điều chỉnh diện tích dự án là 380 ha.

Ở thời điểm đó, Sơn Tiên thuộc dự án nhóm A, phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo quy định tại Nghị định số 07/2003/NĐ-CP. Tuy nhiên Đồng Nai không trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.

Đánh giá chung, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong dự án này như: Thời gian ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư chậm và kéo dài; quá trình thực hiện có một số lỗi kỹ thuật như sai sót về chủ sử dụng đất, số tờ, số thửa, diện tích… Thủ tục thu hồi và giao đất chậm, chưa hoàn thành hồ sơ hợp đồng thuê đất với dự án.

Thủ tục đầu tư thiếu sót, đáng chú ý là không báo cáo Thủ tướng cho phép đầu tư. Chủ đầu tư xây dựng một số hạng mục khi chưa được cấp phép xây dựng. Tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng quá chậm dẫn đến dự án không triển khai được trong nhiều năm…

Hiện vẫn còn nhiều hộ dân tại xã An Hòa đứng đơn khiếu nại dự án.
Hiện vẫn còn nhiều hộ dân tại xã An Hòa đứng đơn khiếu nại dự án.

Dự án nhiều hạn chế thiếu sót như trên và theo kết luận thanh tra “từ khi triển khai dự án đã phát sinh nhiều đơn khiếu nại của công dân”. Cơ quan Thanh tra chỉ rõ: “Nguyên nhân chủ yếu do thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi, đền bù và chuẩn bị đầu tư của dự án kéo dài; tổ chức triển khai còn một số sai sót… trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác đền bù, giải tỏa, bồi thường chưa đáp ứng được yêu cầu, để xảy ra khiếm khuyết về nghiệp vụ, kỹ thuật… Có thời điểm đã phát sinh đông người, cá biệt có vụ kích động thành đám đông chống đối…”.

Hàng chục, có thời điểm hàng trăm hộ dân phản đối và quá trình này diễn ra suốt hàng chục năm, nên liên quan dự án Sơn Tiên còn có những vụ kiện hành chính, những bản án hình sự. Có thể kể ra vụ kiện do ông Nguyễn Văn Toản (SN 1949) đứng đơn. Ông Toản có 2 ha đất bị địa phương ra quyết định thu hồi. Ban đầu ông chấp nhận giá 20 ngàn đồng/m2.

Thế nhưng khi mang sổ đỏ ra xã nộp, ông được cán bộ xã hướng dẫn “ra Công ty Sơn Tiên mà nộp”. Nhận ra nếu làm theo “quy trình” này, mình sẽ mang tiếng “thỏa thuận bán đất giá cực kỳ rẻ mạt với Sơn Tiên”, ông không nộp nữa. Đất của ông sau đó bị cưỡng chế, ông khởi kiện. Tại phiên tòa, địa phương liên tục nhận sai, tuy nhiên tòa vẫn tuyên ông thua kiện.

Còn có những phiên tòa hình sự kết án những nông dân bị mất đất, như vụ “Phạm Chí Thanh cùng đồng bọn chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 17/3/2010. Theo cáo trạng, ông Thanh đã phát tờ rơi khẩu hiệu nội dung “Đả đảo một số bọn quan tham cướp đất của dân”, ngăn cản không cho lực lượng cưỡng chế cưa cây tràm trên đất ông…

Ông Thanh và sáu người dân sau đó bị bắt, bị tuyên án tù. Phía sau những bản án với những nông dân mất đất còn là những hệ lụy cả cuộc đời, như bị khai trừ và xóa tên khỏi Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Có đơn khiếu nại bị địa phương “làm ngơ”

Trong phần kiến nghị Kết luận thanh tra hồi năm 2011, Thanh tra Chính phủ nêu rõ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Đồng Nai “tập trung giải quyết tình hình khiếu nại tố cáo của công dân theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chú ý xem xét hỗ trợ những hộ gia đình quá khó khăn, nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống của họ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, không để xảy ra tình trạng khiếu nại phức tạp”.

Một người dân bên chồng giấy thông báo gửi đơn kiện dự án Sơn Tiên.
Một người dân bên chồng giấy thông báo gửi đơn kiện dự án Sơn Tiên.

Kiến nghị trên đã được Đồng Nai thực hiện ra sao? Theo Báo cáo số 237/BC-BDN của ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/6/2012 về giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại đông người liên quan Sơn Tiên: “Qua giám sát cho thấy, sau thời điểm Thanh tra Chính phủ kết thúc thanh tra, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2012, hơn 30 công dân ra Hà Nội, tập trung khiếu nại dài ngày tại Trụ sở tiếp công dân, cổng cơ quan Văn phòng Quốc hội; ngày 4/5/2012, khi UBND tỉnh tổ chức tiếp, giải thích về việc thu hồi đất đã bảo đảm đúng theo quy định pháp luật nhưng công dân vẫn cho rằng dự án không có quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự án thuộc phạm vi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế nhưng người có đất bị thu hồi không được thoả thuận với Nhà đầu tư về mức bồi thường, hỗ trợ; không ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng cá nhân theo quy định của Luật Đất đai 2003 nhưng vẫn tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất”.

Ban Dân nguyện Quốc hội đánh giá: “Nhìn chung, việc thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật như: UBND tỉnh báo cáo còn 190 hộ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ, nhưng lại không thấy báo cáo đã thụ lý và giải quyết khiếu nại của các hộ này như thế nào?

Qua kiểm tra danh sách các hộ chưa nhận tiền (theo báo cáo là 190 hộ, nhưng theo danh sách là 217 hộ) thì có đến 72 hộ không thấy ghi họ tên người có đất bị thu hồi mà ghi là vắng chủ; đáng lưu ý là có 15 trường hợp ghi vắng chủ nhưng lại thể hiện đã nhận một phần tiền bồi thường, hỗ trợ gần 2,6 tỷ đồng. Qua kiểm tra, rà soát sanh sách các hộ chưa nhận tiền, trừ các trường hợp ghi trong danh sách là vắng chủ thì có đến 145 trường hợp chưa nhận tiền, thể hiện còn đang khiếu nại”. 

Khu vực dự án Sơn Tiên nhìn từ bản đồ vệ tinh.
Khu vực dự án Sơn Tiên nhìn từ bản đồ vệ tinh.    

Chưa hết: “Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong danh sách 32 công dân ra Hà Nội khiếu nại với Quốc hội, có 8 trường hợp không có trong hồ sơ thụ lý, giải quyết khiếu nại của cơ quan liên quan đến thu hồi giao đất cho dự án. Điều đó cho thấy, mặc dù công dân đã có đơn khiếu nại nhưng chưa có cơ quan nào của địa phương thụ lý giải quyết”. 

Ban Dân nguyện Quốc hội chỉ rõ: “Qua nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, việc phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến dự án này chưa được cụ thể rõ ràng”.

Những ngày đầu tháng 4/2019, trở lại Sơn Tiên, vẫn thấy phần lớn diện tích trong số hàng trăm ha đất sau nhiều năm bị thu hồi vẫn chỉ um tùm đủ loại cây. Xấp đơn của những người dân bị mất đất ngày càng dày thêm. Nghe câu chuyện của những nông dân về hành trình hàng chục năm theo kiện dự án, mới nhận ra dự án có nhiều điều cần phải làm rõ hơn, xử lý minh bạch hơn, để Sơn Tiên hết là “điểm nóng” đất đai.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.   

Một hộ gia đình, kiểm kê thiếu gần 1000m2

Theo Ban Dân nguyện của Quốc hội, trong số những người khiếu nại Sơn Tiên, đáng lưu ý là trường hợp ông Đỗ Trung Hưng mua đất, lập trang trại tại khu vực có đất thu hồi. Sau khi nhận được Thông báo số 1149/TP-HDBT ngày 12/12/2008 của Hội đồng Bồi thường thuộc UBND huyện Long Thành về việc thu hồi 20.578m2 đất, ông không đồng ý cho rằng không có quyết định thu hồi đất của ông theo Luật Đất đai năm 2003, việc kiểm kê còn thiếu tới… 965m2 đất.  

Đọc thêm