'Đại gia' Bạc Liêu đem 52 ký tôm 'thế chấp' vay... hàng chục tỷ đồng

(PLO) -Vay nợ ngân hàng nhiều năm không trả, mới đây, Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu ở Bạc Liêu đã bị ngân hàng bao vây đòi xiết tài sản. Cũng từ đây, “bí mật” các khoản nợ của công ty này mới được tiết lộ. Số tiền mà doanh nghiệp thủy sản này không có khả năng thanh toán lên tới 128 tỷ.
Hơn 20 người bao vây công ty thủy sản Minh Hiếu ở Bạc Liêu
Hơn 20 người bao vây công ty thủy sản Minh Hiếu ở Bạc Liêu

Lừa đảo có hệ thống

Ngày 12/9, giới làm ăn thủy sản ở Bạc Liêu, Cà Mau xôn xao thông tin Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành bắt tạm giam ông Ngô Chí Dũng (56 tuổi) - Giám đốc Cty CP thủy sản Minh Hiếu. Ngoài ông Hiếu, công an còn bắt bà Nguyễn Thị Út (33 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty). 

Cả ông Hiếu, bà Út đều bị bắt để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bạc Liêu.

Ngày hôm sau, cảnh sát cũng đã bắt giữ Huỳnh Thanh Đoàn (39 tuổi) kế toán trưởng của Cty Minh Hiếu và ông Trần Út Mười, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp ngân hàng BIDV chi nhánh Bạc Liêu để điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo cơ quan điều tra, ông Dũng cùng vợ là Lê Thị Hạc (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Minh Hiếu) thành lập nhiều công ty con và hộ kinh doanh, thuê người đứng tên pháp lý.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Út được thuê làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu, ông Trần Đình Tiến giữ chức vụ tương tự tại Công ty CP dịch vụ thương mại thủy sản Bình Hưng ở TP.HCM.

Theo đó, từ cuối năm 2011, ông Dũng được cho là đã chỉ đạo những người đứng đầu các công ty con xuất hóa đơn khống, thể hiện hàng hóa từ không thành có, đem kho tôm đông lạnh thành phẩm trên 121 tấn (trị giá hơn 31 tỷ đồng) làm hồ sơ vay hơn 64 tỷ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bạc Liêu. 

Tuy nhiên, thực chất khi kiểm kê kho này chỉ có… 52kg tôm. Từ các hồ sơ và tài sản thế chấp, ngân hàng đã giải ngân cho công ty vay gần 37 tỷ đồng. Số nợ hiện nay của công ty lên đến 42 tỷ được xác định "không có khả năng chi trả".

Ngoài ra, ông Dũng bị cáo buộc thế chấp chính kho tôm đông lạnh trên cho nhiều ngân hàng khác, số nợ không có khả năng thanh toán đến nay đã hơn 128 tỷ đồng.

Chiếc ô tô bị nhân viên công ty Minh Hiếu ủi đi hàng chục mét

Chiếc ô tô bị nhân viên công ty Minh Hiếu ủi đi hàng chục mét

“Cuộc chiến” với ngân hàng

Chiều ngày 20/9, nhiều người dân chứng kiến trụ sở chính của Cty CP Thủy sản Minh Hiếu ở thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) bị một nhóm hơn 20 người mặc trang phục vệ sĩ đến bao vây và dán thông báo niêm phong tài sản. Đến sáng hôm sau, những người này tiếp tục túc trực tại cổng chính và cổng phụ của công ty, không cho bất cứ xe chở tôm nguyên liệu nào vào giao dịch.

Ở nhiều nơi trong công ty, những người này cũng đã dán nhiều thông báo với nội dung: “Toàn bộ nhà điều hành, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị của Cty Minh Hiếu là tài sản của Cty ABBA - Ngân hàng TMCP An Bình. Mọi hành vi chiếm hữu, sử dụng, cho thuê mà không được sự đồng ý của Ngân hàng An Bình là hành vi trái pháp luật”. 

Kế bên bản thông báo trên còn có một thông báo khác với nội dung: “Công ty ABBA sẽ tiến hành thu giữ tài sản, niêm phong nhà điều hành, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị vào ngày 23/9. Đề nghị Cty Minh Hiếu, công nhân và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan di chuyển tài sản, đồ đạc cá nhân ra khỏi Cty Minh Hiếu.

Sau 17h ngày 23/9, Cty ABBA sẽ không chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại liên quan đến tài sản. Mọi hành vi chống đối, cản trở việc thu giữ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Ở mỗi bản thông báo đều có đóng dấu mộc đỏ của Ngân hàng TMCP An Bình.

Sáng cùng ngày khi nhóm vệ sĩ cho ôtô loại 7 chỗ ngồi đậu chắn ngang cổng chính, một nhân viên của Cty Minh Hiếu đã dùng xe tải chạy ủi ôtô ra cách cổng hơn 3m, khiến ôtô bị hư hỏng bên hông. Không nhún nhường, sau khi chiếc ôtô bị đẩy lùi, nhóm người bao vây cương quyết dùng những cánh cửa sắt lớn tiếp tục chắn ngang cổng không cho phương tiện ra vào.

Bà Lê Thị Hạc - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Minh Hiếu cho biết, sự vụ xảy ra bà đã trình báo công an thị xã Giá Rai. “Họ ngang nhiên vào công ty tôi mà không xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào, rồi hành động như thế là trái với các quy định của pháp luật”, bà Hạc nói. 

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng An Bình cho biết Công ty Thủy sản Minh Hiếu có khoản vay tại ABBank (Ngân hàng An Bình). Tuy nhiên, nhiều năm nay công ty đã không trả nợ cho ngân hàng, vi phạm các hợp đồng đã ký với ngân hàng này nên dẫn tới việc sự việc ngày hôm nay.

Ngoài ra, theo phía Ngân hàng An Bình, Cty Minh Hiếu cố tình vi phạm, không bàn giao các tài sản đã thế chấp cho ngân hàng theo hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký. 

“Ngân hàng An Bình đang thực hiện theo đúng các điều khoản của hợp đồng và quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của ngân hàng”, đại diện ngân hàng này cho biết. 

Ông Mai Chí Tính - Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết đã chỉ đạo Công an thị xã đến hiện trường xử lý vụ việc. Đến trưa cùng ngày, lực lượng công an tỉnh Bạc Liêu đã có mặt để làm việc với bà Hạc, ghi biên bản, tuy nhiên tình hình Cty Minh Hiếu bị bao vây và chặn cổng vẫn không được cải thiện.

Đến hết ngày 23/9, nhóm người bao vây Cty Minh Hiếu đã rút về gần hết chỉ còn lại vài người túc trực ở đây. Trong thời gian bị ngân hàng bao vây, Cty Minh Hiếu cũng tạm ngưng nhiều hoạt động sản xuất khiến hàng trăm công nhân phải tạm nghỉ việc. Vụ việc hiện vẫn đang được ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ.

Chuyện các đại gia thủy sản ở miền Tây kẻ xuất ngoại trốn nợ, kẻ vào tù ra tội tới nay không còn hiếm nữa. Sự sụp đổ của những công ty này kéo theo sự thất nghiệp của hàng ngàn công nhân. Chưa dừng lại ở đó, các công ty này nếu ngưng sản xuất còn gây khó khăn cho hàng ngàn hộ nông dân nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển miền Tây.

Trao đổi với PV, một luật sư Đoàn luật sư TP.Cần Thơ cho biết: Theo quy định pháp luật hiện hành thì ngân hàng, cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án, đồng thời việc cưỡng chế kê biên tài sản chỉ được cơ quan thi hành án thực hiện sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật (quy định của luật thi hành án dân sự).

Việc tự ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc... nhằm thu hồi nợ thì có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS hoặc tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS. Hợp đồng thế chấp tài sản là một trong các hợp đồng dân sự. 

Theo đó, nếu hợp đồng không có tranh chấp thì các bên sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, trong đó có cả nghĩa vụ bàn giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để thực hiện thủ tục phát mại tài sản... Nhưng nếu có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản thì vụ việc phải được giải quyết tại tòa án thông qua thủ tục tố tụng dân sự.

Đọc thêm