Dân kiện chính quyền - Nhiều điểm nghẽn vì “quan” tắc trách: Cần cơ chế đủ mạnh

(PLO) - Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhận thức, nhiều ý kiến đề nghị cần có chế tài xử lý trách nhiệm khi người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. Thậm chí, khi bình bầu thi đua, phải xếp là cán bộ, công chức và đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phải nhận thức lại

Theo một số ý kiến, việc Chủ tịch UBND hoặc đại diện UBND không tham dự phiên tòa có một phần đáng kể nguyên nhân xuất phát từ tâm lý không chấp nhận đối thoại ngang hàng với bên khiếu kiện - tức là người dân. Trong khi đó, theo luật định, khi có vấn đề và tòa án yêu cầu thì tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng như nhau.

Trong trường hợp này, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện phải làm việc ngang hàng với người dân chứ không thể làm việc với tư cách của một người lãnh đạo. Bên cạnh đó, hiện chúng ta chưa có chế tài nào bắt buộc bên bị kiện-tức Chủ tịch UBND, UBND phải tham gia đối thoại, phải ra tòa khi được triệu tập. Những vấn đề này khiến cho tỉ lệ Chủ tịch UBND hoặc người đại diện được ủy quyền không chịu đối thoại với dân, không chịu ra tòa ngày càng tăng. 

"Những việc qua giám sát đã chỉ rõ khuyết điểm như thế này mà chúng ta không chấn chỉnh, khắc phục được thì những cái úp mở, không rõ ràng, không chỉ rõ được thì làm thế nào khắc phục? Những vi phạm qua giám sát đã phát hiện thì Chính phủ phải chỉ đạo - cần thiết phải xử lý trách nhiệm" - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học.

Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đức Sáu, việc Chủ tịch UBND, UBND nhận được giấy mời ra tòa là “chuyện hết sức bình thường” nhưng “hình như lãnh đạo khối ủy ban các cấp chưa quen”. “Chưa biết đúng - sai thế nào, chỉ cần có giấy của tòa là khó chịu, thấy như bị xúc phạm, bị tổn thương, bị coi thường. Chỗ này phải nhận thức lại”, ông Sáu đề cập. Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng dường như trong nhận thức của những người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn “nặng” về “tôi có quyền, tôi là người đứng đầu ở địa phương”. Theo ông Sơn, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Sáu chỉ ra rằng, luật đã quy định Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền đến cấp phó và trên thực tế có những nơi đã thực hiện rất tốt nên lãnh đạo các địa phương cần phải chỉnh đốn lại, phải tính toán một cách khoa học để thực hiện đúng luật định. Ông Sáu cũng đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cần có những phản ánh để tạo cho Chủ tịch UBND có thói quen ra đối thoại với người dân, ra tòa theo đúng quy định… 

Là một người có liên quan trực tiếp đến vấn đề, ông Nguyễn Duy Hữu - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk – cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, ở tỉnh này đã có 158 vụ án hành chính và việc giải quyết án hành chính diễn ra bình thường, theo đúng quy định của pháp luật. “Chủ tịch không đi được thì cử Phó Chủ tịch. Chúng tôi vẫn giải quyết đối thoại, xét xử bình thường. Tôi nghĩ rằng vấn đề để giải quyết án này là ở nhận thức, phải tập trung vào yếu tố nhận thức của các cấp chứ không phải ở tòa hay cơ quan nào cả”, ông nói. 

Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhận thức, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đức Sáu cũng đề nghị cần có chế tài xử lý trách nhiệm khi người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. “Hiến pháp quy định bản án đã có hiệu lực thì cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể phải nghiêm chỉnh chấp hành. Công chức nhà nước người đứng đầu ủy ban càng phải là gương mẫu mực hơn trong vấn đề này”, ông nói. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Sơn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế để xử lý khi người đứng đầu các cấp hành chính không thực hiện các quyền hành chính hoặc trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. 

Đối với việc chấp hành án hành chính, một trong những nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc được Chính phủ chỉ ra là pháp luật hiện hành đã quy định các chế tài xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành (như xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, đăng tải công khai thông tin người không chấp hành án hành chính…) nhưng còn thiếu những biện pháp và cơ chế cụ thể, đủ mạnh để thực hiện những biện pháp cưỡng chế Thi hành án hành chính. Việc người có nghĩa vụ thi hành án hành chính cố tình không chấp hành án thì việc thi hành án rất khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vì vậy, chính phủ đề nghị Ủy ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng quy định cụ thể các giải pháp để bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hành chính trong trường hợp này.

Mạnh tay hơn nữa

Rất trăn trở về những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật về TTHC trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính (QĐHC) đối với QĐHC, hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch UBND, UBND đã được đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh: việc Chủ tịch UBND, UBND là những người phải cung cấp chứng cứ thì lại không cung cấp cho tòa, thậm chí rất nhiều lần yêu cầu thì mới cung cấp.

“Anh là người điều hành chính quyền mà anh còn làm như thế thì ngược lại, nhân dân rất bức xúc vì trách nhiệm của chính quyền”, ông Hùng nói. Ông Hùng đề nghị phải công khai những bản án đã có hiệu lực pháp luật mà Chủ tịch UBND, UBND không tuân thủ, “chứ nếu rút kinh nghiệm như thế này mãi thì không ổn, năm 2018 số trường hợp không ra tòa còn cao hơn chứ không chỉ 31%... Bây giờ chúng ta quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thủ trưởng cơ quan nhưng chúng ta chưa xử lý ai nên chẳng ai làm cả. Tôi cho rằng chúng ta phải mạnh mẽ hơn, phải có giải pháp”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, Chủ tịch UBND không chấp hành bản án tức là không chấp hành các quy định của pháp luật. “Anh không chấp hành bản án có nghĩa là anh không chấp hành pháp luật. Mà không chấp hành pháp luật thì không thể được xếp là hoàn thành nhiệm vụ được, mà phải xếp là cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Phải nói chuyện như thế thì mới xử lý được chứ nếu chúng ta không có giải pháp mạnh thì không ổn”, ông Hùng quyết liệt.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Vũ Trọng Kim cũng cho biết, đoàn giám sát khi đi giám sát tại các tỉnh rất xúc động trước các vụ việc dân khiếu nại, khiếu kiện mà nhiều người ví von là “con kiến kiện củ khoai”, vậy nhưng lúc “con kiến” đi kiện thì “củ khoai” lại không chịu tham gia. “Như vậy là nhận thức pháp luật quá kém, trách nhiệm quá kém, vô cảm trước quần chúng. Nếu không xúc động trước những việc khó, việc khổ của dân thì tốt nhất là thôi- nghỉ đừng làm cán bộ cách mạng nữa. Làm chủ tịch, UBND thì quan hệ với người dân là số 1 chứ không phải là làm kinh tế”, ông Kim nói và đề nghị cần đưa vấn đề này lên, coi đó là trách nhiệm hàng đầu của Chủ tịch UBND và của UBND.

Có thể nói, chính quyền tích cực tham gia đối thoại với người dân sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho cả 2 bên. Với người dân, được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo chính quyền sẽ khiến họ cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe. Thông qua đối thoại, họ có thể giãi bày được những tâm tư, bức xúc của mình; người dân sẽ biết được đâu là điều đúng, đâu là điều sai để có bước đi phù hợp. Đối với chính quyền, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đã được quy định trong luật sẽ giúp họ nắm bắt được tâm tư, tình cảm của người dân để đưa ra được những chính sách trúng, đúng hoặc có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo các chủ trương, chính sách khi đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao. 

Như vậy, rõ ràng những tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật TTHC của Chủ tịch UBND, UBND cần phải sớm được loại bỏ để đảm bảo thượng tôn pháp luật, tạo niềm tin trong dân, để chính quyền thực sự không có khoảng cách với người dân và để án hành chính không còn bị mang tiếng là “dân kiện quan”, hay “con kiến kiện củ khoai” vì những số tồn tại đã và đang xảy ra ở một số nơi. 

Hãy đặt mình vào vị trí của người dân

“Khi đã bị công dân khởi kiện thì Chủ tịch UBND, UBND phải cầu thị, đối thoại. Còn khi đã thua rồi, tòa án đã ra phán quyết thì Chủ tịch UBND, UBND phải gương mẫu chấp hành. Chúng ta cũng thử đặt mình vào vị trí của người dân- bị tác động trực tiếp bởi QĐHC, HVHC- mà bị cơ quan nhà nước đối xử như vậy thì có chấp nhận được không? Chủ tịch UBND, UBND muốn không phải ra tòa thì phải làm sao để không bị kiện. Muốn không bị kiện thì ngay từ đầu phải ban hành QĐHC, có HVHC đúng. Trong trường hợp bị người dân kiện và đảm bảo rằng mình không sai; dám chắc rằng tất cả những căn cứ pháp lý, những căn cứ nội dung của mình là đúng thì lẽ ra rất muốn ra tòa để chứng minh rằng công dân kiện như vậy là sai. Nhưng chúng tôi ngờ rằng, trong nhiều trường hợp, Chủ tịch UBND, UBND không muốn ra tòa án là do không chắc lắm về QĐHC, HVHC của mình. Nếu là đúng thì có vấn đề gì đâu”. (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga)

Đọc thêm