Đánh chết người, chỉ bị phạt hơn 2 năm tù

(PLO) - Đánh chết người, hung thủ bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” với khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù. Thế nhưng qua 2 cấp tòa ở Quảng Ngãi, bị cáo chỉ bị kết án dưới khung hình phạt khiến gia đình bị hại và dư luận vô cùng bức xúc, sững sờ. 
Càng xử càng nhẹ
Theo hồ sơ vụ án, trưa ngày 19/9/2014, ông Phạm Kim Bá (Phó quản đốc phân xưởng) cùng một số công nhân phân xưởng đá ốp lát thuộc Cty liên doanh đá Quảng Ngãi (trụ sở tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) mua bia về uống. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, xưởng bắt đầu làm việc. 
Khi thấy Tổ trưởng Trịnh Ngọc Thu (SN 1982, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ) đi qua, ông Bá cũng gọi vào uống khoảng 3 lon bia rồi Thu đi làm. Đến khoảng 15 giờ, thấy một số công nhân ngồi nghỉ, ông Bá từ bàn nhậu đi ra, lấy điện thoại quay video. Thu đi lấy nước uống ngang qua thấy thế đã yêu cầu ông Bá ngừng việc quay phim nhưng ông Bá vẫn tiếp tục quay và hướng về phía Thu. 
Thấy vậy, Thu lấy hai cục đá ném vào đống đá gần chỗ ông Bá đứng với mục đích để ông Bá không quay phim nữa. Tuy nhiên, ông Bá vẫn tiếp tục quay nên Thu tiến về phía ông Bá giật lấy điện thoại, nhưng ông này đã giật lại bỏ vào túi quần và đi đến dùng cùi chỏ huých trúng vào mặt Thu 1 cái. Bực tức, Thu dùng tay trái đánh trúng vào mặt ông Bá làm ông này ngã ngửa xuống đất, đầu trúng vào đá dưới nền bị thương và bất tỉnh. 
Công nhân tại đây đã sơ cứu tại chỗ rồi gọi taxi đưa ông Bá đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu, sau đó gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị, đến ngày 26/9/2014 ông Bá chết. Theo biên bản khám nghiệm tử thi và kết luận giám định pháp y, ông Bá chết do: “Chấn thương sọ não kín gây tụ máu nội sọ”. Với hành vi phạm tội của mình, ngày 14/1/2015 Trịnh Ngọc Thu đã bị VKSND huyện Sơn Tịnh truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 BLHS (có khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù).
Ngày 5/02/2015, TAND huyện Sơn Tịnh đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng do bị cáo quanh co chối tội, khai báo mâu thuẫn nên HĐXX đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng sau đó, VKSND huyện Sơn Tịnh vẫn giữ nguyên quan điểm. Ngày 29/6/2015, TAND huyện Sơn Tịnh xét xử và ra Bản án số 21/2015/HSST tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Thu 3 năm 9 tháng tù; bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại hơn 135 triệu đồng. Sau đó, cả gia đình bị hại và bị cáo đều có đơn kháng cáo, bên thì yêu cầu tăng nặng hình phạt, bên thì xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 23/9/2015, TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tại Bản án số 151/2015/HSPT, HĐXX đã tiếp tục áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trước đó tòa sơ thẩm đã áp dụng để giảm án cho bị cáo xuống còn 2 năm 9 tháng tù.
Áp dụng tình tiết giảm nhẹ có đúng luật?
Lý do để hai cấp tòa ở Quảng Ngãi giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị hại có một phần lỗi; bị cáo cùng gia đình đã khắc phục một phần thiệt hại cho gia đình bị hại; gia đình bị cáo nhân thân tốt…
Bà Lê Thị Xuân Hương (vợ nạn nhân) cho biết, việc 2 cấp tòa cho rằng bị cáo “thành khẩn khai báo” là không chính xác vì ngay tại phiên tòa đầu tiên (ngày 5/02/2015) bị cáo vẫn ngoan cố không nhận tội, khai báo không đúng với diễn biến  nên tòa phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong phiên sơ thẩm lần hai ngày 29/6/2015, bị cáo vẫn quanh co không chịu nhận tội, mãi đến cuối phiên tòa, khi vị đại diện VKS “năn nỉ” thì bị cáo mới chịu cúi đầu nhận tội. Đến nay bị cáo cùng gia đình vẫn chưa bồi thường khắc phục hậu quả đủ cho gia đình…Và điều lạ là không biết vì sao HĐXX lại tỏ ra rất thông cảm và tường tận gia cảnh của bị cáo?
Bà Hương trao đổi với phóng viên
Bà Hương trao đổi với phóng viên 
Bức xúc, bà Hương làm đơn gửi TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao đề nghị xem xét Bản án phúc thẩm số 151/2015/HSPT ngày 23/9/2015 của TAND tỉnh Quảng Ngãi theo thủ tục giám đốc thẩm. Văn bản của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành xem xét theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Đức Nhân, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Anh: Điều 47 BLHS quy định: Phải có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 BLHS “thì mới có thể xem xét” để quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Trong vụ án này, tuy bị cáo Trịnh Ngọc Thu được hưởng 2 tình tiết giảm nhẹ nhưng việc thành khẩn khai báo không ngay từ đầu theo hướng dẫn của TANDTC tại Văn bản số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002
Vì vậy, không được áp dụng Điều 47 BLHS để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Về án phúc thẩm, Tòa tiếp tục áp dụng lại tình tiết giảm nhẹ mà tòa sơ thẩm đã áp dụng để giảm nhẹ thêm hình phạt cho bị cáo cũng chưa chuẩn xác vì một tình tiết giảm nhẹ không được áp dụng hai lần trong cùng một vụ án.

Đọc thêm