Dấu hiệu oan sai trong một vụ “Cố ý làm trái…”

(PLO) - Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26 - 27/9 của TAND TP HCM, ông Nguyễn Nhật (SN 1957, nguyên Giám đốc Cty Kinh doanh tổng hợp Vinacafe Quy Nhơn – Chi nhánh TCty Cà phê Việt Nam) kêu oan, cho rằng mình đã làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Công ty, nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua khủng hoảng lạm phát, không hề tư lợi, không gây thất thoát tài sản… Vì lý do này, cộng với nhiều tình tiết vụ án cần làm sáng tỏ, Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Dây chuyền sản xuất phân bón của liên doanh Biffa- Vinacafe Quy Nhơn (Ảnh minh họa)
Dây chuyền sản xuất phân bón của liên doanh Biffa- Vinacafe Quy Nhơn (Ảnh minh họa)

Giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bị buộc tội “Cố ý làm trái…”

Theo cáo trạng số 21 ngày 30/5/2017 của VKSNDTC, Tổng Cty Cà phê Việt Nam (sau đây gọi tắt là Vinacafe) là Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, có 16 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, trong đó có Cty Kinh doanh Tổng hợp Vinacafe Quy Nhơn (Vinacafe Quy Nhơn) và Trung tâm xuất nhập khẩu (XNK) Vinacafe (Trung tâm).  Các chi nhánh này do Nhà nước sở hữu 100% vốn, hoạt động theo quy chế quản lý tài chính, kinh doanh và ủy quyền của TCty. Theo quy định, việc huy động vốn của các chi nhánh phải bảo đảm khả năng thanh toán nợ và có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

Ngày 3/8/2010, ông Nguyễn Nhật- Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn và ông Nguyễn Công Hoàng (khi đó là Phó Tổng Giám đốc Vinacafe Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm đã ký Hợp đồng vay vốn số 01 (HĐ 01) với nội dung: Trung tâm XNK Vinacafe (bên A) vay của Vinacafe Quy Nhơn (bên B) vay số tiền 50 tỷ đồng mục đích để thu mua cà phê với lãi suất vay 13% năm, sẽ được trả sau khi thanh lý HĐ; thời hạn vay theo kế hoạch thu mua và xuất khẩu cà phê của bên A. Thực hiện HĐ này, trong thời gian từ 3/8/2010 đến 12/11/2010 Trung tâm XNK Vinacafe đã gửi cho Cty Vinacafe Quy Nhơn 9 giấy đề nghị chuyển tiền tổng giá trị 124 tỷ đồng và Vinacafe Quy Nhơn đã ký 21 ủy nhiệm chi chuyển cho Trung tâm tổng số tiền 116,8 tỷ đồng từ ngày 4/8/2010 đến 15/11/2010. Trung tâm đã chuyển trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn tổng cộng 19 lần với tổng số tiền 71,7 tỷ đồng tiền gốc, chưa trả lãi; còn nợ Vinacafe Quy Nhơn tiền gốc là 45 tỷ đồng. 

Cáo trạng cho rằng, việc các bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng đại diện cho Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm  ký HĐ 01 khi không có phương án vay vốn, không có văn bản báo cáo xin ý kiến TCty và không được TCty Vinacafe phê duyệt là trái với các quy định pháp luật, đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26- 27/9/2017, bị cáo Nguyễn Nhật kêu oan, khẳng định bản thân không tự ý ký kết HĐ với Trung tâm mà thực chất HĐ 01 được ký theo chỉ đạo của lãnh đạo TCty nhằm tháo gỡ khó khăn cho hai chi nhánh. Bị cáo Nhật khai: vào các ngày 27 và 28/7/2010 tại Văn phòng Tổng Cty, ông Đỗ Văn Nam - Tổng Giám đốc Vinacafe đã chủ trì cuộc họp để bàn biện pháp giải quyết công nợ và nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, thành phần tham dự gồm: ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch HĐTV TCty, ông Nguyễn Công Hoàng (Phó Tổng giám đốc Vinacafe kiêm Giám đốc Trung tâm); ông Nguyễn Văn Minh (Ban Tài chính kế toán); ông Nguyễn Đại Ngọc (Giám đốc Cty Cà phê Iagrai); ông Y’Hô Niê (Giám đốc Cty Cà phê EaTul) và Nguyễn Nhật. Tại cuộc họp, đánh giá tình hình thực tế do hiện tại các ngân hàng không có nguồn USD để bán cho các doanh nghiệp, trong đó có Vinacafe Quy Nhơn cần có USD để nhập khẩu phân bón, nên ông Đỗ Văn Nam chỉ đạo Vinacafe Quy Nhơn cho Trung tâm vay tiền để mua cà phê xuất khẩu. Xuất khẩu được cà phê, Trung tâm thu ngoại tệ về bán lại cho BIDV Bình Định, ngay sau đó BIDV Bình Định bán ngoại tệ lại cho Vinacafe Quy Nhơn để nhập khẩu phân bón. Chủ trương này là phù hợp với tình hình, không trái pháp luật nên ông  Thiêm cũng đã đồng ý và chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đến Vinacafe Quy Nhơn chuyển vốn cho Trung tâm. Bị cáo Nhật khẳng định: Nội dung cuộc họp của Ban lãnh đạo TCty về việc chỉ đạo phương án tháo gỡ khó khăn cho Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm đã thể hiện rõ nội hàm trong việc ký kết HĐ 01. Vậy nên Cáo trạng truy tố bị cáo về hành vi “Cố ý làm trái...” là không đúng với bản chất của sự việc. 

Tại phiên tòa, lời khai của bị cáo Nguyễn Công Hoàng cũng khẳng định có  cuộc họp với nội dung trên và HĐ 01 giữa do ông Nhật và ông Hoàng đại diện ký kết được thực hiện theo sự chỉ đạo của cuộc họp này. Thực tế, HĐ 01 ngày 3/8/2010 ghi rõ căn cứ là theo chỉ đạo của Lãnh đạo TCty Vinacafe.

Không tư lợi, không thất thoát… vẫn có tội? 

Chứng minh việc mình đã bị truy tố oan, bị cáo Nhật trình bày: Thời điểm năm 2008 - 2010, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng thương mại không có ngoại tệ cho vay. Mặc dù thời điểm năm 2009 Vinacafe Quy Nhơn còn một lượng vốn tích lũy từ lợi nhuận các năm trước là 41,6 tỷ đồng nhưng nếu Vinacafe Quy Nhơn không có ngoại tệ thì sẽ không thực hiện được kế hoạch nhập khẩu phân bón theo kế hoạch của TCty đề ra hàng năm. HĐ 01 mà Vinacafe Quy Nhơn chuyển tiền cho Trung tâm vay thực chất hoàn toàn không mang tính chất vay mượn mà là việc luân chuyển đồng vốn, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông suốt trên cơ sở cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm cùng có lợi mà không trái quy định của pháp luật. 

Thực tế, thời điểm đó tình hình tài chính Trung tâm cũng vô cùng khó khăn, không có vốn để kinh doanh. Cà phê nằm trong kho của Trung tâm không thể xuất khẩu, vì đang là tài sản thế chấp để nhận nợ một số ngân hàng. Khi được Vinacafe Quy Nhơn chuyển tiền cho “vay”, Trung tâm đã trả nợ Agribank chi nhánh 3 gần 53 tỷ đồng để giải chấp gần 5.000 tấn cà phê là tài sản thế chấp bị giữ trong kho, xuất khẩu thu về tương đương 123 tỷ đồng; Trả nợ ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội 20,2 tỷ đồng để giải chấp trên 1000 tấn cà phê thế chấp, xuất khẩu thu về tương đương 58,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗi là do số tiền thu về, Trung tâm chỉ trả nợ một phần Vinacafe Quy Nhơn; còn lại sử dụng để quay vòng vốn, xử lý nợ vay và nợ cũ còn tồn đọng của khách hàng, trả lương cho cán bộ công nhân viên, trả chi phí xuất nhập khẩu cà phê…

Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Bích Lan (Văn phòng Luật sư số 5, Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật cũng khẳng định khoản tiền Trung tâm còn nợ Vinacafe Quy Nhơn hoàn toàn không bị thất thoát, không có khả năng thu hồi như Cáo trạng quy kết. Luật sư Lan chứng minh, thực tế sau khi khởi tố, ngày  28/04/2017 Trung tâm tiếp tục trả cho Vinacafe Quy Nhơn thêm 3 tỷ đồng; hiện số nợ chỉ còn 36,2 tỷ đồng. Số nợ sẽ tiếp tục giảm đi theo lộ trình với sự giám sát trực tiếp của TCty Vinacafe và Vinacafe Quy Nhơn. Vì vậy, không có căn cứ để khẳng định số tiền 39,2 tỷ đồng là không có khả năng thu hồi như Cáo trạng quy kết. Hiện Trung tâm vẫn hoạt động bình thường và kinh doanh có lãi, hoàn toàn có khả năng trả nợ. 

Luật sư Lan cho rằng, nếu Cáo trạng xác định số tiền Trung tâm còn nợ Vinacafe Quy Nhơn là tiền các bị cáo làm thất thoát của Nhà nước và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm thì đó là sự sai lầm nghiêm trọng, làm oan sai cho các bị cáo. Vì thực tế Kết quả xác minh của cơ quan điều tra tại Trung tâm đã khẳng định: số tiền này đã được Trung tâm dùng để trang trải nợ nần - nghĩa là khoản tiền đó dùng để đầu tư, chi phí, duy trì cho hoạt động kinh doanh của Trung tâm, giúp Trung tâm thu về lợi nhuận. “Như vậy số tiền đó hoàn toàn không bị thất thoát, thế mà Cáo trạng vẫn cho rằng các bị cáo gây thiệt hại và buộc họ phải liên đới bồi thường là vô hình trung một khoản nợ được thanh toán hai lần. Rõ ràng ở đây có việc áp dụng sai pháp luật, nghiêm trọng hơn có dấu hiệu truy tố oan sai các bị cáo”- Luật sư Lan nhấn mạnh.  

Đọc thêm