Đi du lịch thái Lan: Du khách bị bỏ rơi, hướng dẫn viên bị bắt giữ - nguyên nhân do đâu?

(PLO) - Bỏ tiền mua tour du lịch Thái Lan nhưng không may “lọt” vào “tour ảo”, 17 khách du lịch phải tự tìm cách về nước. Còn 2 hướng dẫn viên đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ do tình nghi tổ chức du lịch “chui”. 
Cảnh sát du lịch Thái Lan tăng cường kiểm soát việc du lịch “chui”
Cảnh sát du lịch Thái Lan tăng cường kiểm soát việc du lịch “chui”

Vì sao hướng dẫn viên bị bắt giữ

Báo PLVN nhận đơn phản ánh về việc Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC tổ chức du lịch “chui” khiến cho anh Ngô Thanh Đến và anh Dương Hoài Hận bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Đánh giá về chất lượng dịch vụ, nhiều hành khách cho rằng công ty này có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.

Theo phản ánh của chị Tiên (em ruột anh Đến), ngày 15/6/2017, anh Đến được Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC cho tham gia hỗ trợ trưởng đoàn dẫn khách sang Thái Lan từ ngày 15-19/6/2017. Khi đến Thái Lan, anh Đến vẫn lên mạng xã hội để liên lạc với gia đình, nhưng đến chiều ngày 18/6/2017 thì mọi liên lạc đều không được. Gia đình đã liên hệ với Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC để tìm hiểu thì được ông Trần Dương Xuân Vĩnh - Chủ tịch HĐQT cho biết, đã cử anh Đến và anh Hận ở lại Thái Lan mở rộng thị trường.

Đi Thái Lan với tư cách là trưởng đoàn dẫn khách du lịch cho Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC, nhưng anh Hận cũng “mất tích” một cách đột ngột. Gia đình anh Hận đến Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC hỏi nguyên nhân thì mới được “phanh phui” rằng, cả anh Hận và anh Đến đều bị tạm giữ ở Thái Lan. Còn ông Vĩnh thì không giải thích được nhiều chuyện “mập mờ”, thiếu minh bạch mà hai gia đình chất vấn.

Liên hệ với Lãnh sự quán Việt Nam tại Thái Lan, gia đình anh Đến, anh Hận được biết cụ thể hơn rằng, cảnh sát du lịch Thái Lan đã có thông báo đã bắt tạm giam anh Ngô Thanh Đến và Dương Hoài Hận do có hành vi “tổ chức đưa người sang Thái Lan du lịch trái phép”.

Trong khi đó, những hành khách trong chuyến đi du lịch Thái Lan do Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC tổ chức cũng tỏ ra phẫn nộ khi đã bỏ tiền đi du lịch nhưng lại bị “đem con bỏ chợ” họ bị bơ vơ nơi đất khách quê người.

Một nữ du khách (đề nghị được giấu tên) cho biết, mỗi người đã đưa cho Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC 6,5 triệu đồng, nhưng khi qua Thái Lan thì chỗ ăn, chỗ ở đều không có, cũng chẳng có ai đưa đón. Người hướng dẫn của Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC thì “mù tịt” ngoại ngữ nên việc giao tiếp phải nhờ hành khách biết ngoại ngữ trong đoàn. Từ bữa ăn cho đến giọt nước uống, nơi ở đều không được Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC hỗ trợ. Mọi người trong đoàn phải tự lo cho đến khi được cảnh sát Thái Lan hỗ trợ về nước. Hành động vô trách nhiệm trên của Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC chẳng khác nào lừa đảo khách hàng.

Du khách “khốn khổ” là do đối tác?

Trao đổi với phóng viên liên quan đến câu chuyện trên, ông Trần Dương Xuân Vĩnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC) thừa nhận anh Hận và anh Đến đã bị bắt giữ tại Thái Lan, nhưng lý do lại là “vi phạm giao thông”? Về việc 17 hành khách bị “bỏ rơi” trên đất Thái, ông Vĩnh giải thích: “Những đối tác (của ông Vĩnh ở Thái Lan) đều đồng loạt hủy hợp đồng nên mọi dịch vụ của chuyến đi đều bị cắt. Do đó, anh Hận, anh Đến tự ý thuê xe và các dịch vụ khác nên bị chính quyền Thái Lan cho là hoạt động du lịch “chui”.

 Khi chúng tôi đề nghị ông Vĩnh cho biết, thông tin về những đối tác bên Thái Lan đã hủy hợp đồng, thì ông Vĩnh lại trả lời là “không nhớ” và “mọi hợp đồng với các đối tác, thu nhận tiền đều do anh Hận ký và mang theo nên tại công ty không có bất cứ giấy tờ nào liên quan”?

Ông Nguyễn Thanh Hải - người đại diện ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC bức xúc nói: “Chúng tôi chất vấn ông Vĩnh về uy tín của công ty như thế nào mà các đối tác lại có những hành động như vậy thì ông này không trả lời. Với cương vị là người đứng đầu công ty, nhưng tại sao ông Vĩnh lại đổ mọi trách nhiệm cho anh Hận và nói mình không biết? Như vậy là có dấu hiệu lừa đảo và xem thường khách hàng. Gia đình chúng tôi và những hành khách khác may mắn được giúp đỡ về nước. Tôi muốn nhờ cơ quan chức năng làm rõ vấn đề để nhiều người khác biết mà tránh bị lừa đảo của công ty này”. 

Ông Hải cũng cho biết, ngay sau khi về nước, các ông đã gọi điện thoại cho ông Vĩnh, nhưng ông này không nghe máy. Chỉ sau khi phóng viên đến làm việc thì ông ấy mới chủ động liên hệ và đề nghị bồi thường cho chúng tôi. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm và bức xúc của mọi người hiện nay không phải là tiền mà là sự an toàn, được tôn trọng. “Nếu báo chí không đến làm việc thì sự việc sẽ bị bỏ mặc ra sao?”, ông Hải nói.

Khi tiếp xúc với phóng viên, ông Vĩnh đã tự giới thiệu mình là giảng viên Đại học Cần Thơ và công ty ông chuyên làm những chuyến du lịch mang tính chất giáo dục, giúp cho du khách vừa có thể đi du lịch vừa có thể học tập, trải nghiệm nhiều thứ. 

Phải chăng, việc bị “bỏ rơi” trên đây là bài học mà đoàn của ông Nguyễn Thanh Hải đã nhận được từ Công ty Cổ phần Giáo dục Ứng dụng EPAC?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

Đọc thêm