Điểm mờ của văn hóa báo chí

(PLO) - Chỉ trong một ngày, ở hai nơi khác nhau, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, có 2 phóng viên bị bắt quả tang với hành vi tương tự nhau là tống tiền. Đáng chú ý là vụ phóng viên nữ tống tiền doanh nghiệp ở Cần Thơ đã phơi bày cái tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ” từng đã bị phê phán, xuất hiện từ khi có báo mạng ra đời.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Còn đáng chú ý hơn là cách báo chí đưa tin về vụ này, hình ảnh của nữ nhà báo được chụp cận cảnh, rất rõ nét, không hề làm mờ và xuất hiện ở nhiều báo khác nhau. Ngay lập tức, một số tài khoản trên mạng xã hội “tát nước theo mưa” đã tìm ra tung tích và đời riêng của cô, thoải mái và sỉ vả một cách không thương tiếc. Dù có bắt quả tang về một hành vi phạm tội rõ ràng thì đây mới chỉ là nghi can thôi, có được phép sử dụng hình ảnh cô như một tội phạm đang bị truy nã không?

Tương tự, vụ một thầy giáo tiểu học bị bắt về hành vi xâm phạm tình dục trẻ em. Tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh của người này phơi bày tất tật lên báo. Báo chí đã tuyên án “tử” với người này, hết đường sống để về với xã hội và nhân thể lập một tường rào đạo đức quây lại và cô lập cuộc sống của vợ con và người thân của ông ta với mọi người chung quanh.

Tệ hại hơn, một cụ ông 85 tuổi bị bắt quả tang đang mua dâm. Nhiều báo chí tranh nhau đưa tin và hình ảnh, thỏa mãn sự hiếu kỳ của một bộ phận độc giả. Tuy đã làm mờ chút xíu khuôn mặt ông cụ nhưng tất cả vẫn rất rõ ràng, người quen vẫn có thể nhận dạng được cụ. Thiết nghĩ, một cụ già mua dâm thì có tội gì, cùng lắm là một sự phê phán nhẹ nhàng, phạt hành chính là xong. Việc người già cần thỏa mãn sinh lý khi bị đòi hỏi là tất yếu, là rất người, hà cớ gì phải bới móc như vậy khi họ không phạm pháp gì cả, đạo lý không vì thế mà suy đồi. Thật đáng xấu hổ thay cho những người đã thực hiện thành công việc vô đạo này. Đã nhiều ý kiến chỉ trích về văn hóa của những người làm báo về vụ việc này. Những đại gia già cả, chơi ngông, kết bạn với gái xinh, cưới vợ trẻ thì được báo chí tung hô như những người hùng giường chiếu, phong độ tuyệt đỉnh thì lấy cơ sở đạo lý nào để đưa tin, hình ảnh như một tội phạm đối với cụ già này?

Báo chí cần phải sạch, thể hiện cái tâm trong sáng của người làm báo, viết báo, không chỉ trên mặt báo mà còn ở cả những hành vi ứng xử đời thường. Tâm không trong, đạo không sáng thì ắt những vết nhơ sẽ hiện lên trang báo của mình, không giấu diếm được ai và đến lúc nào đó, nó sẽ lộ diện bởi những hành vi bị “bắt quả tang”, hệ quả tất yếu của việc không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, phản bội sứ mệnh cao cả của truyền thông là góp phần mang lại sự thật và công bằng xã hội!

Đọc thêm