Điểm trông xe 'mọc như nấm' quanh bến Giáp Bát, giá 'bất tuân' quy định

(PLO) - Từ nhiều năm nay, các hộ dân khu vực xung quanh bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mở nhiều điểm trông xe máy, xe đạp trong khuôn viên gia đình. Giá trông giữ "bất tuân" quy định của thành phố, có điểm cho người xuống lòng đường vẫy khách vào gửi xe...
Điểm trông xe 'mọc như nấm' quanh bến Giáp Bát, giá 'bất tuân' quy định

Từ số nhà 881 đến 915 đường Giải Phóng, đầu ngõ Kim Đồng đến số nhà 80 có hơn 20 biển hiệu nhận trông giữ xe ngày đêm.

Các hộ dân kinh doanh trong khu vực gia đình
Các hộ dân kinh doanh trong khu vực gia đình 

Một số hộ kinh doanh đã cho nhân viên mời chào khách vào gửi xe tại cửa hàng. Hành khách gửi xe lại các điểm này để đón xe khách về quê, khách vào bến nhận, trả đồ. Trung bình hàng ngày có đến hàng ngàn lượt xe được gửi vào các hộ trông giữ xe khu vực bên ngoài bến xe.

Chủ các điểm giữ xe này thu tiền vé với nhiều mức giá khác nhau, từ 5.000 – 10.000 đồng/1 lượt vào ban ngày, gửi qua đêm 20.000 – 30.000 đồng/lượt. Vào những ngày cao điểm như dịp lễ, tết thì có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Trong khi đó, theo quy định của TP Hà Nội, phí trông giữ xe máy 3.000 đồng/lượt ban ngày, 5.000 đồng/lượt ban đêm, 7.000 đồng/lượt cả ngày và đêm và 70.000 đồng/xe theo tháng.

Anh Lê Bá Đông (Hà Nội) cho hay, anh và bạn mình từ ngoại thành ra bến xe Giáp Bát để bắt xe về Hải Phòng chơi. Gửi xe tại một hộ gia đình trông giữ xe khu vực sau bến, anh Đông bị chủ cơ sở "hét" 100.000 đồng cho 5 ngày gửi.

“Vào trong bến thì hết chỗ, gửi ở ngoài thì đắt đỏ nhưng mình vẫn phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Gửi ở ngoài mất vé xe thì đền 100.000 đồng, nhưng lỡ mất xe thì không biết kêu ai. Nhiều lúc đi lấy gì ở bến, phần vì an toàn, phần vì tiết kiệm mình nhờ người nhà chở đi” - chị Chu Phương (26 tuổi, quê Bắc Giang) giãi bày.

Nguy cơ mất an toàn

Ông Bùi Sơn Đông – Tổ trưởng tổ dân phố 58, Phường Giáp Bát cho biết: “Năm nay là năm đặc biệt về an toàn giao thông, tôi cũng quán triệt, nhắc nhở các hộ dân khu vực quanh bến xe hoạt động trông giữ xe thì phải đảm bảo trật tự đô thị. Đồng thời không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trang bị vật dụng, biện pháp phòng cháy chữa cháy tôi cũng nhắc nhở rất nhiều. Nhưng nhiệm vụ này thì phía công an phường phải kiểm tra, nếu cần thiết thì xử phạt theo quy định".

Theo thông tin từ ông Đông, tháng 11/2016, phía công an phường Giáp Bát có gọi riêng các hộ dân để làm việc về vấn đề trông giữ xe mà không có tổ dân phố tham dự. Sau đó thống nhất về những quy định đảm bảo an toàn trông giữ xe tại khu vực này, nhưng đến nay đâu vẫn vào đó.

Mỗi ngày, các điểm gửi xe có thể thu được nguồn thu lớn vì lượt người qua lại bến xe Giáp Bát không hề nhỏ. Vé xe của các điểm trông giữ này cũng là vé tự in, không có đảm bảo cho khách hàng nếu có sự cố.

Ngoài ra, các bãi trông xe cạnh tường rào quanh bến Giáp Bát cũng được đóng cọc rồi chăng dây phân chia diện tích, lấn chiếm khu vực vỉa hè. Tại những điểm này, các phương tiện để phục vụ phòng cháy chữa cháy đều không có. Hàng ngày, mỗi điểm nhận trông giữ hàng trăm phương tiện với số tiền thu về bạc triệu mỗi ngày.

Tại khu vực này, Thanh tra giao thông Quận Hoàng Mai đã nhiều lần xử lý vi phạm của các cá nhân, tập thể do lấn chiếm hành lang vỉa hè, quá thời hạn hợp đồng nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn.
Tại khu vực này, Thanh tra giao thông Quận Hoàng Mai đã nhiều lần xử lý vi phạm của các cá nhân, tập thể do lấn chiếm hành lang vỉa hè, quá thời hạn hợp đồng nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn.

Ngày 14/2, Thanh tra giao thông (TTGT) Quận Hoàng Mai đã xử phạt ông Hoàng Vũ do lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực này với số tiền 12,5 triệu đồng. Thế nhưng ngay sau đó, tình trạng này lại tái diễn khi không có cán bộ TTGT. Trước đó, đơn vị này cũng xử phạt Công ty TNHH du lịch Đại Phát do hết hạn hợp đồng nhưng vẫn khai thác sử dụng thu lợi bất chính.

Ông Trần Văn Nam - Phó trưởng công an phường Giáp Bát cho biết, các hộ dân kinh doanh trông giữ xe trong khuôn viên gia đình theo Nghị định 39 (Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh) trong đó có các dịch vụ như: Đánh giày, bán vé số, chữa khóa, trông giữ xe, rửa xe..., sẽ không phải đăng ký kinh doanh.

Cũng theo ông Nam, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở về những quy định đảm bảo an toàn nhưng do đây là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Các hộ kinh doanh theo thỏa thuận dân sự với khách hàng nên cũng gặp không ít khó khăn trong việc quản lý.

Theo Luật sư Hà Đăng - Giám đốc công ty luật Hà Đăng (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng những dịch vụ như của các hộ dân trông giữ xe tại nhà là thỏa thuận dân sự pháp luật không cấm, nhưng không được vượt quá quy định của pháp luật, quy định của chính quyền, ví dụ như về giá. Tuy nhiên, tùy theo mức độ kinh doanh, thu nhập lớn hay nhỏ mà phải kê khai với cơ quan chính quyền. Nếu ở mức độ thu nhập lớn thì cần đăng ký kinh doanh, nộp thuế thu nhập, còn nếu ở mức độ nhỏ thì cần kê khai và có sự kiểm tra giám sát từ cơ quan chức năng.

Liên quan về giá vé giữ xe thu vượt quy định, luật sư Đăng chia sẻ, nếu TP, tỉnh hoặc cơ quan chính quyền có quy định giá trên toàn địa bàn, nếu không chấp hành có thể bị xử phạt hành chính. Ở mức độ lớn hơn, đó là lợi dụng nhu cầu của người khác để cưỡng đoạt thì có thể xử phạt hình sự.

Lãnh đạo bến xe Giáp Bát cho biết, năng lực tiếp nhận của nhà để xe chỉ chứa được khoảng 500 xe máy. Trong số đó, tầng 1 là khoảng gần 200 xe của cán bộ, nhân viên, tầng 2 có sức chứa khoảng 250 xe máy và ở trạng thái tĩnh vì người dân gửi qua đêm nên lượng xe thường cố định chứ không luân chuyển. Mỗi ngày bến xe Giáp Bát tiếp nhận khoảng 15.000 lượt khách, để đáp ứng hết toàn bộ nhu cầu gửi xe của hành khách trong và ngoài bến xe là điều bất khả thi.

Đọc thêm