Diễn biến vụ “Dự án Trạm ép rác bị phản đối”: UBND quận Bình Tân nói gì?

(PLVN) - Sau khi PLVN có bài viết “Dự án Trạm ép rác bị phản đối vì nguy cơ gây ô nhiễm”, UBND quận Bình Tân (TP HCM) đã có buổi làm việc với PLVN và đưa những phản hồi, giải thích về dự án. 
Người dân treo băng rôn không đồng ý dự án
Người dân treo băng rôn không đồng ý dự án

Buổi làm việc do ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân chủ trì, cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận (BQLĐTXDCT), UBND phường An Lạc.

Trạm ép rác kín thay thế điểm tập kết rác lộ thiên 

Trước đó, người dân tại Khu dân cư Hương lộ 5 (KDC) thuộc khu phố 2, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM lo ngại việc đặt trạm ép rác gần khu dân cư, tại vùng trũng thường bị ngập khi có mưa lớn. Từ đó, người dân bày tỏ nhiều lo ngại vấn đề vệ sinh môi trường, nước rỉ rác, mùi hôi…

“Đúng là trước đây, người dân cũng có ý kiến như PLVN đăng tải. Nhưng để hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng này thì cần trao đổi thêm. Có cần thiết hay không, lý do vì sao cơ quan chính quyền phải làm việc này. Làm thì tốt hơn hay không làm thì tốt hơn… để cho khách quan. Những thứ quận đang làm phục vụ người dân thì lại dẫn đến việc người dân không hiểu nên cũng không hay”, ông Nhựt nói.

Theo ông Nhựt, Trạm ép rác kín ở phường An Lạc chỉ là một Trạm trung chuyển rác, không thực hiện các công đoạn như phân loại, xử lý rác. Hiện rác sinh hoạt thải ra, các xe thu gom đến một điểm hẹn, tập kết. Từ đây, xe lớn mới chuyển về khu xử lý.

Quy trình này gặp bất cập là những điểm tập kết, giao nhận rác là phần đất trống và nếu xe thu gom đến trễ giờ thì đổ bừa ra đất khiến người dân xung quanh, người đi đường phải gánh chịu mùi hôi, ruồi muỗi, ô nhiễm nên bị phản ứng gay gắt.

“Trước tình hình đó, quận phải tổ chức lại những “điểm hẹn” này. Rác được đưa đến nơi khép kín, đóng gói lại và vận chuyển đến nơi xử lý. Trong không gian khép kín mới xử lý cho sạch sẽ, ngăn mùi, nước thải… Mục đích của các trạm này chỉ thế thôi. Người dân cứ nghĩ đây là nơi xử lý rác nên phản ứng quyết liệt, thậm chí không nghe mình giải thích. Họ sợ mùi hôi, ô nhiễm này nọ”, ông Nhựt nói.

Trước mắt, quận Bình Tân sẽ thực hiện 5 Trạm ép rác kín. Sau này, mỗi phường có 1 trạm, thay thế cho các “điểm hẹn” đang tồn tại. Trạm ép rác ở phường nào thì nhận rác sinh hoạt ở phường đó, không nhận rác từ nơi khác.

“Trạm sẽ được thiết kế như sau: Xe thu gom rác vào được rửa sạch. Rác được đổ vào máy ép vào thùng kín. Quá trình đổ rác, ép sẽ phát sinh mùi và sẽ được máy hút vào hệ thống xử lý. Sau khi đổ rác, xe thu gom sẽ đi đường khác và trước khi ra khỏi Trạm sẽ được tẩy rửa thêm lần nữa.

Nước thải phát sinh được thu gom về bể chứa ngầm để xử lý đúng tiêu chuẩn và được đưa ra đường cống. Quá trình này khép kín, trong phòng kín nên mùi hôi không thoát ra”, lãnh đạo quận nói. Các thùng rác được ép kín sẽ được vận chuyển đến nơi xử lý như Đa Phước… 

Sai sót khi không xin ý kiến dân

Theo ông Nhựt, hiện chưa triển khai xây dựng Trạm ép rác kín tại phường An Lạc, dù dự án đã được chấp thuận chủ trương, đã được tư vấn, thiết kế. BQLĐTXDCT quận làm chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu công khai. Đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu sẽ là đơn vị xây dựng. Thông tin Samco là đơn vị xây dựng là không đúng. Do Samco có kinh nghiệm trong việc thiết kế Trạm ép rác kín nên quận Bình Tân có mời tham gia thiết kế.

Vị trí dự kiến đặt Trạm ép rác
Vị trí dự kiến đặt Trạm ép rác

Ông Nhựt nói: “Có một điều đáng tiếc là khi lựa chọn vị trí, quận không họp dân để lắng nghe ý kiến, để dân giới thiệu địa điểm, vị trí. Tuy nhiên, trên địa bàn phường An Lạc không còn địa điểm nào đáp ứng được yêu cầu. Ở vị trí đang tập kết rác lộ thiên hiện nay thì quá nhỏ, không đủ diện tích xây dựng. Quận đã tìm nhưng chỉ vị trí dự tính là phù hợp. Một vài lần họp dân, quận có đề nghị nếu có vị trí nào thích hợp, dân cứ giới thiệu, quận sẵn sàng lắng nghe”.

“Trước đây, vị trí này chưa có quy hoạch, TP mới chấp thuận. Được chấp thuận, quận nghiên cứu mô hình để làm. Hiện nay, chúng tôi đang thông tin, lấy ý kiến người dân, cán bộ viên chức ở khu phố thì mới có phản ứng. Do đó chúng tôi cho làm hoàn chỉnh mô hình, cho người dân đi tham quan một số nơi đã làm như Tân Bình, quận 2… để mọi người nắm rõ”.

“Chúng tôi đã đi một số nơi có mô hình này. Thậm chí là có Trạm còn nằm sát vách nhà dân nhưng dân vẫn chấp nhận vì không gây mùi hôi, không mất vệ sinh như trước đây là điểm hẹn lộ thiên”.

“Chúng tôi mong muốn người dân, báo chí nếu có mô hình nào tốt hơn thì giới thiệu, quận sẽ đến học tập. Mình đi sau nên cần cái tối ưu nhất. Nhưng hiện nay, gần như chỉ có ép rác kín là vệ sinh nhất, không gây ô nhiễm”.

“Sắp tới, giao về phường để tổ chức họp trong cán bộ viên chức phường. Bắt đầu tổ chức họp dân thông tin và giải đáp thắc mắc. Mình đang làm thì phải đối thoại với dân”.

Còn việc mời từng người hoặc vài người lên trao đổi mà người dân hiểu theo nghĩa “xé lẻ”, ông Nhựt nói rằng “nếu mời toàn bộ dân, ai cũng muốn nói thì ai nghe, rồi làm sao hiểu?

Dù mất công sức, thời gian nhưng quận vẫn tổ chức giải thích từng nhóm nhỏ, người nào khó quá thì mời một mình để tuyên truyền, vận động. Vì có người nói, có người nghe thì sẽ hiểu được ý nghĩa, mục đích của dự án. Hiểu được Trạm ép rác kín sẽ không phát tán mùi hôi, nước thải và sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Ông Nhựt nói, “tâm lý người dân nghe đến rác là không muốn cho đặt tại vị trí gần nơi mình ở. Người dân đòi hỏi cam kết, trách nhiệm”. Theo ông Nhựt nếu các Trạm ép rác kín có sự cố, không đáp ứng thì quận sẵn sàng dừng.

“Mong muốn của quận là Trạm ép rác này được thực hiện. Có thể trước mắt người dân chưa tin. Nhưng triển khai thực hiện thì nó tốt hơn cho người dân chứ không phải xấu hơn với tình trạng hiện nay để ở ngoài đường”, ông Nhựt nói.

Trước những thông tin mà ông Nhựt cung cấp, ý kiến phản hồi từ người dân ra sao? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh. 

Ngày 27/12/2017 UBND TP HCM ra Quyết định 6608/QĐ-UBND chấp thuận cho BQLĐTXDCT quận Bình Tân làm chủ đầu tư Trạm ép rác 02 (tại khu phố 2, phường An Lạc).

BQLĐTXDCT đã hoàn thành thiết kế, xây dựng quy trình xử lý và có văn bản gửi phường An Lạc, các cơ quan để lấy ý kiến. Trong thời gian tới sẽ phối hợp các cơ quan tổ chức phản biện xã hội và lấy ý kiến người dân.

Trạm ép rác kín phường An Lạc dự kiến có diện tích gần 5.000 m2, tổng mức đầu tư 98 tỷ từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn xổ số kiến thiết và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Công suất trạm mỗi ngày là 300 tấn.

Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 01: 2008/BXD của Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn và được Bộ Xây dựng ban hành thì Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt có khoảng cách an toàn môi trường (từ Trạm đến chân Khu dân cư) tối thiểu là 20m.

Đọc thêm