“Điệp viên nằm vùng” 37 năm đòi được công nhận thân phận

(PLO) - Từng tham gia hoạt động cách mạng, bị thương tật… nhưng 40 năm qua,  cụ Thái Thêm (SN 1927, ngụ thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn chưa được xét chế độ người có công.
Vợ chồng cụ Thêm cho rằng theo đuổi vụ việc không chỉ đòi chế độ, mà còn vì lẽ phải, danh dự
Vợ chồng cụ Thêm cho rằng theo đuổi vụ việc không chỉ đòi chế độ, mà còn vì lẽ phải, danh dự
12 năm hoạt động trong lòng địch?
Căn nhà cũ kỹ của cụ Thêm nằm hun hút sâu trong xóm nhỏ. Hai vợ chồng già ngày ngày liên tục thay phiên ra vào đầu ngõ. Ngạc nhiên hỏi sao các cụ không vào nhà nằm nghỉ, cụ Thêm móm mém giải thích: “Làm thế để xóm làng, con cháu qua lại mỗi ngày còn trông chừng, biết được lá rụng hay chưa”. 
Cụ Thêm cho rằng năm 1963, được ông Trần Quang Đại (nguyên cán bộ an ninh chính quyền cách mạng Quảng Đà, nay đã mất) tin tưởng giao nhiệm vụ làm cơ sở bí mật tại khu vực Thượng Đức (tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ). Sau một năm, cụ chính thức đảm trách việc thu thập thông tin, các đợt hành quân của Mỹ và quân Sài Gòn cũng như những di biến động khác. 
Quá trình hoạt động của cụ Thêm được ông Đại và ông Đặng Chí Kinh (nguyên cán bộ Công an tỉnh Quảng Đà) giao, quản lý trực tiếp.
Cụ Thêm cho rằng, do việc làm có tính chất nguy hiểm và quan trọng nên được cấp trên yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật, nếu có bất trắc xảy ra, phải chấp nhận hi sinh bản thân chứ nhất quyết không khai gì khác. 
Do đó, đến bà Trần Thị Mười (SN 1927, vợ cụ) mãi sau ngày giải phóng mới biết việc chồng mình làm. Ông Đại sau này trước khi qua đời cũng đã xác nhận thông tin nêu trên. 
Hoạt động đến cuối năm 1964, cụ Thêm được ông Phạm Nhung (cán bộ cách mạng địa phương) giao nhiệm vụ đến huyện Quế Sơn(thuộc quận Đức Dục, nay là tỉnh Quảng Nam) để vận chuyển lương thực vào các căn cứ cách mạng. Sau ba tháng, cụ quay lại công việc cũ. 
Đến năm 1969, cụ và một số thanh niên khác bị quân Sài Gòn bắt đi lính, đưa ra Hòa Cầm (Đà Nẵng ngày nay) huấn luyện thời gian ngắn, rồi đưa về địa phương làm việc cho chính quyền Sài Gòn. 
Lợi dụng vị trí này, cụ thường xuyên mật báo nhiều thông tin quan trọng về cho cách mạng.  Một số cựu binh tại địa phương cũng cho rằng, nhờ những thông tin tình báo cụ Thêm cung cấp, đã góp công làm nên chiến thắng Thượng Đức năm 1975.
 Một ngày sau khi bộ đội cắm lá cờ ở Thượng Đức, cụ Thêm được điều động vận chuyển lương thực từ kho lương về các căn cứ trên thượng nguồn. Trong quá trình di chuyển, cụ Thêm bị trượt ngã gãy khớp xương, từ đó chịu cảnh “bước thấp bước cao”, chân phải ngắn hơn chân trái 3cm.
37 năm đòi công lý
Vết thương tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng phải nằm đau đớn hơn một ngày, cụ Thêm mới được tìm thấy. Bị thương tật, đi lại không nhanh nhẹn, cụ đành lui về sinh sống trên mảnh đất khai hoang, không nghề nghiệp ổn định. 
Giấy xác nhận cụ Thêm hoạt động cách mạng
 Giấy xác nhận cụ Thêm hoạt động cách mạng
Song cụ Thêm cho rằng điều buồn nhất là đến nay vẫn chưa được công nhận người có công. “Gần 40 năm qua, hồ sơ của tôi gửi đến đầu đều bị trả về. Tôi “kêu mãi không thấu trời”, nay tuổi “gần đất xa trời”, đành nhờ đến báo chí”, cụ nói.
Anh Thái Văn Hùng (SN 1969, người con thứ tám của cụ Thêm) nói thêm, năm 1978, cha anh bắt đầu đăng ký khai nhận thành tích nhưng cán bộ phụ trách người có công ở xã khi ấy không chịu làm. 
Đến năm 1995, qua nhiều lần tới lui, ông cụ mới được hướng dẫn làm hồ sơ xác nhận người có công, nhưng sau đó xã lại trả lời “hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết”. 
Nhiều năm liền, thấy cha buồn rầu, các con tiếp tục mang hồ sơ đi gửi nhưng đều không có kết quả. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, con trai ông nhiều lần nêu vấn đề, nhưng đều không được trả lời thỏa đáng, thậm chí còn bị đặt nghi vấn “hoạt động cách mạng sao không ai biết”. 
“Trong khi thực tế, hồ sơ cha tôi có đầy đủ các xác nhận thành tích cũng như chứng minh công việc ông đã từng làm. Ông Trần Quang Đại, sau năm 1975 làm Phó Công an huyện Đại Lộc (mất cuối năm 2014) xác nhận: “Ông Thêm làm cơ sở cách mạng do tôi tổ chức và giao nhiệm vụ. Nội dung công việc là theo dõi tình hình địch và báo cáo cho tôi. Ông Thêm làm tốt nhiệm vụ được giao”. 
Ông Kinh từ năm 1975 - 1978 làm Trưởng công an huyện Đại Lộc; từ năm 1978 - 1991 về công tác tại Công an tỉnh Quảng Nam, nay sống tại Đà Nẵng cũng hai lần nêu rõ: “Từ năm 1963- 1968, anh Thêm làm công tác nắm tình hình địch và xây dựng cơ sở tiếp tế lương thực, thực phẩm. Đến năm 1969, anh Thêm bị bắt đi lính nhưng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cơ sở cho tôi…””, 
Trả lời vụ việc của cụ Thêm, ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở cho biết, theo nguyên tắc, Sở chỉ làm chế độ người có công khi có công nhận của Ban Thi đua- Khen thưởng. 
Do đó cụ Thêm cần về lại huyện Đại Lộc gặp cán bộ chuyên trách để được hướng dẫn. Đáng nói, cơ quan Thi đua - Khen thưởng huyện đã hơn một lần trả lời với gia đình cụ Thêm là “việc xác nhận khen thưởng đã quá thời hạn, yêu cầu lên tỉnh giải quyết”. 
Điều này đồng nghĩa việc xét chế độ cho cụ Thêm còn phải tiếp tục chờ đợi, vì huyện và tỉnh cứ “đá qua đá lại” trách nhiệm như vậy./.

Đọc thêm