Doanh nghiệp xâm lấn đất hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái): Sai phạm nối tiếp sai phạm?

(PLO) - Công ty Bảo Lai và công ty Hoàng Gia đang san lấp mặt bằng xây dựng dự án tại xã Thịnh Hưng (Yên Bình, Yên Bái) đã làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng xấu đến việc tích nước của hồ Thác Bà. 
Doanh nghiệp xâm lấn đất hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái): Sai phạm nối tiếp sai phạm?

Đáng bàn, sai phạm của công ty trước chưa xử lý dứt điểm thì Cty Hoàng Gia lại tiếp tục sai phạm và đã được cơ quan chức năng chỉ rõ nhưng việc khắc phục chỉ “giậm chân tại chỗ”, thậm chí diện tích san lấp còn được mở rộng, xây dựng hạng mục kiên cố hơn.

Nhiều người dân phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam việc Cty Bảo Lai và Cty Hoàng Gia đang san lấp trái phép diện tích hồ thủy điện Thác Bà thu hẹp diện tích mặt nước. Ngày 5/11, khi phóng viên đến quan sát tại khu vực công ty Hoàng Gia này đang san gạt mặt bằng, ẩn khuất sau hàng rào được che chắn kín bằng bạt là gần chục máy xúc, xe tải vẫn đang liên tục đổ đất, san gạt xuống hồ khiến nước hồ tại khu vực này đục ngầu, sủi đầy bọt bẩn.

Ngay trong lúc đang tác nghiệp, một đối tượng bặm trợn tự xưng là quản lý công trường của Công ty này đi tới quát tháo và nạt nộ phóng viên yêu cầu cấm quay phim, chụp ảnh. Đối tượng này dựng xe chặn phương tiện của các phóng viên không cho di chuyển. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của các phóng viên, đối tượng này mới chịu di chuyển xe ra chỗ khác để các phóng viên đi.

Công ty Hoàng gia đang đổ đất lấp diện tích mặt nước hồ. Ảnh: Xuân Hồng.
Công ty Hoàng gia đang đổ đất lấp diện tích mặt nước hồ. Ảnh: Xuân Hồng.

Được biết, đoàn kiểm tra liên ngành gồm UBND xã Thịnh Hưng, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Yên Bái) đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái, cụ thể, ngày 6/10/2017 đã lập biên bản vi phạm, xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái về việc san gạt mặt bằng đã lấp đất xuống hồ Thác Bà với khối lượng lớn.

Theo chức năng quản lý nhà nước, UBND huyện Yên Bình đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư số tiền 62 triệu đồng do vi phạm Luật Ðầu tư; yêu cầu dừng hoạt động san tạo mặt bằng, khắc phục hậu quả, hoàn thiện các thủ tục liên quan để đủ điều kiện hoạt động.

Dù vậy, trong quá trình san tạo mặt bằng, công ty này vẫn tiếp tục lấp xuống hồ một phần đất. Ngày 19/3/2018, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục lập biên bản vi phạm, yêu cầu công ty không tiếp tục san gạt đất xuống hồ và phải trả lại các diện tích san lấp và rơi xuống hồ. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu chấm dứt hành vi trên, Công ty này vẫn ngang nhiên tiếp tục san tạo mặt bằng và đổ đất trực tiếp xuống lòng hồ.

San gạt đất xuống lòng hồ của Cty Bảo Lai. Ảnh: Xuân Hồng.
San gạt đất xuống lòng hồ của Cty Bảo Lai. Ảnh: Xuân Hồng.

Trước đó, theo tài liệu PV điều tra được thì tháng 7/2015, UBND tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai (địa chỉ thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, Lục Yên) thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng trên địa bàn thôn Đào Kiều, xã Hưng Thịnh, huyện Yên Bình.

Trước khi triển khai dự án, Công ty Bảo Lai đã cam kết không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, dung tích của hồ Thác Bà. Tuy vậy, trong quá trình san lấp mặt bằng, Công ty Bảo Lai liên tục san lấp, đổ đất lấn chiếm lớn đến diện tích lòng hồ.

Trước sự việc này, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, với vai trò là đơn vị quản lý vận hành hồ chứa Thác Bà đã rất nhiều lần kiến nghị tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng đá trắng Bảo Lai chấm dứt việc san lấp, đổ đất xuống lòng hồ.

Các đơn vị chức năng tỉnh Yên Bái đã thanh tra, chấn chỉnh những sai phạm của Công ty Bảo Lai. Song đến nay, chỉ cần quan sát qua tại hiện trường cũng có thể nhận thấy diện tích hồ đã biến dạng. Qua đo vẽ, tính toán và đối chiếu với hồ sơ hoàn công cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa Thác Bà, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đã xác định chính xác được phần diện tích Công ty Bảo Lai san lấp dưới cao độ 59,65m là 4,71 ha, diện tích nước không lưu thoát với hồ là 2,38 ha, tổng diện tích ảnh hưởng nằm trong hành lang bảo vệ hồ chứa là 6,55 ha. Tới thời điểm hiện tại, theo tính toán, tổng diện tích hồ Thác Bà bị Công ty Bảo Lai san lấp khoảng 10 ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà cho biêt, hồ Thác Bà ngoài công năng phát điện còn điều tiết nước cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thi nhau tự ý san gạt mặt bằng, đổ đất lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn hồ Thác Bà, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng xấu đến việc tích nước; thay đổi dòng chảy, cảnh quan môi trường hệ sinh thái của của hồ Thác Bà.

Đặc biệt gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng vì các công ty san gạt mặt bằng lấn chiếm hồ để xây dựng với độ cao nền lớn, trong khi lượng thủy văn hàng năm được dự báo không thay đổi; việc này khiến nước bị dềnh, tràn khi mùa mưa đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân trong vùng, thậm chí sẽ gây ngập, úng cục bộ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác B. Ảnh: Xuân Hồng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác B. Ảnh: Xuân Hồng.

Nghiêm trọng hơn, thấy doanh nghiệp được làm, sai phạm không bị xứ lý, các hộ dân cũng dùng gầu xúc, ô tô đổ đất san lấp eo ngách hồ liền kề, gây khó khăn trong quản lý địa chính ở địa phương.

“Việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm về san lấp của Công ty Bảo Lai và Công ty Hoàng Gia không được làm nghiêm, dẫn đến đơn vị sau làm theo đơn vị trước; các hộ gia đình đua nhau san gạt, đổ đất xuống các ngách hồ. Khi phát hiện, chính quyền chỉ xử phạt hành chính, sẽ không có tính răn đe”, ông Cường nhấn mạnh.  

Ông Cường cũng khẳng định, là đơn vị quản lý vận hành hồ chứa Thác Bà nhưng công ty không được biết, được lấy ý kiến về việc công ty Bảo Lai và công ty Hoàng Gia đầu tư xây dựng dự án. Khi các đơn vị này triển khai xây dựng, công ty Thác Bà đã phát hiện, tiến hành kiểm tra, xác định mốc giới và làm nhiều văn bản đề nghị, báo cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền tỉnh Yên Bái vào cuộc kịp thời để xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm đến diện tích hành lang bảo vệ và lòng hồ Thác Bà. Nhưng thực tế, các vi phạm vẫn diễn ra, diện tích san lấp ảnh hưởng đến hồ lần sau kiểm tra còn nhiều hơn lần kiểm tra trước.

“Hiện chúng tôi rất mệt, chán, đến độ không buồn gửi đề nghị, báo cáo đến đâu vì gửi đi quá nhiều nhưng không nhận được phản hồi, kể cả của UBND tỉnh Yên Bái. Rõ ràng, tình trạng vi phạm san gạt, xâm chiếm lấp lòng hồ thủy điện Thác Bà từ chính quyền cấp xã đến các cơ quan chức năng của tỉnh đều biết nhưng chỉ đến khi các cấp chính quyền thật sự vào cuộc quyết liệt thì mới xử lý dứt điểm được vi phạm của các đơn vị”, ông Cười nói.

Việc quản lý, bảo vệ hồ Thác Bà đã được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, lòng hồ Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình bị xâm phạm nghiêm trọng bởi một số doanh nghiệp khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng đã tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ Thác Bà và vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa – hồ thủy điện Thác Bà. Đề nghị cơ quan chức năm vào cuộc kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn diện tích hồ thủy điện Thác Bà.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin bạn đọc.

Hồ Thác Bà là hồ nhân tạo lớn, được hình thành từ việc chặn dòng sông Chảy thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình của tỉnh Yên Bái phục vụ thủy điện Thác Bà, công trình thủy điện đầu tiên ở miền Bắc. Vùng hồ rộng 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.000 ha, mực nước dao động từ 46 - 58 m, chứa được 3 - 3,9 tỉ mét khối nước. Hồ Thác Bà còn có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

Ngoài công năng phát điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, hồ chứa thủy điện Thác Bà còn thực hiện điều tiết lũ, cung cấp nước và chống hạn cho vùng hạ du, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Đọc thêm