Đông Anh (Hà Nội): Đất dự án “hóa ra” đất ở?

(PLO) - Lãnh đạo xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) thừa nhận, sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong 50 năm để làm nhà xưởng gia công, chế tác gỗ thủ công mỹ nghệ, các chủ đầu tư đã đua nhau chia ô xây dựng sai phép, sử dụng đất sai quy hoạch. Đất dự án đã “hóa” thành đất ở…
Đông Anh (Hà Nội): Đất dự án “hóa ra” đất ở?
Phó Chủ tịch xã thừa nhận sai phạm
Tháng 2/2008, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Vân Hà với tổng diện tích 101.187m2 đất; trong đó hơn 80.000m2  là đất cụm sản xuất tập trung làng nghề và tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và vốn huy động. 
Mục tiêu dự án là xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đồng bộ cụm làng nghề tập trung tại xã Vân Hà, phát triển khu sản xuất tập trung tách khỏi khu dân cư, tập hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã cũng như các vùng lân cận… nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Năm 2014 UBND huyện Đông Anh mở 2 đợt đấu giá quyền sử dụng đất 50 năm để làm nhà xưởng sản xuất, gia công, chế tác gỗ thủ công mỹ nghệ tại các ô đất XN-02 và XN-04 trong Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà. Có 17 hộ trúng đấu giá, sau đó được UBND huyện Đông Anh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) và giấy phép xây dựng. “Nhưng do các hộ dân không tìm hiểu kỹ quy hoạch của dự án nên sau khi trúng thầu, thấy mật độ xây dựng không được như mong muốn nên họ đua nhau xây dựng sai mật độ và sai phép” - ông Đào Trọng Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho hay.
Dùng để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ, theo quy hoạch các công trình xây dựng cao tối đa chỉ 3 tầng; nhà sản xuất, kho cao từ 1 đến 2 tầng; nhà văn phòng giao dịch, hành chính cao từ 2 đến 3 tầng; mật độ xây dựng tối đa 50% và hệ số sử dụng đất tối đa là một lần. Nhưng hiện tại, trên khu đất XN-02 và XN-04 có khoảng gần 20 công trình cao từ 2 đến 3 tầng, được xây theo kiểu nhà để ở chứ không phải “phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ” như mục tiêu ban đầu; thậm chí có cả biệt thự, dãy nhà liền kề cao 3 tầng đã xây xong và đưa vào sử dụng. Ông Khánh thừa nhận: “Tất cả các công trình này đều xây dựng sai phép, xã đã lập hồ sơ và báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý. Sau khi trúng đấu giá, các hộ này tự chia nhỏ lô đất ấy thành nhiều mảnh để xây dựng”.
Chính quyền bất lực?
Theo báo cáo, đến ngày 21/11/2014 đã có 9 hộ gia đình xây dựng sai phép, sai mật độ, xây dựng quá số tầng và UBND xã Vân Hà đã ra các quyết định đình chỉ thi công, đồng thời đề nghị UBND huyện Đông Anh ra quyết định xử phạt hành chính đối với các hộ xây dựng sai phép; nếu các hộ không chấp hành thì đề nghị ra quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình vi phạm. 
Đáng bàn là, gần 6 tháng đã trôi qua nhưng tại khu vực này vẫn có tới gần 20 công trình xây dựng nhà cao tầng sai phép, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng mà chưa hề bị UBND huyện Đông Anh xử lý, cưỡng chế theo quy định pháp luật. “Từ lúc phát hiện sai phạm, UBND xã đã lập hồ sơ xử lý và ban hành quyết định đình chỉ thi công, đồng thời báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý. Đối với những hộ cố tình vi phạm, chúng tôi đã nhiều lần tịch thu phương tiện, dụng cụ thi công và lập biên bản ngăn chặn đối với nhóm thợ xây. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, hết thẩm quyền, còn việc xử lý sai phạm của các chủ đầu tư như thế nào là do UBND huyện quyết định.” - ông Khánh nói.
Tại sao để các hộ dân chia nhỏ lô đất để xây dựng nhà ở, làm thay đổi mục đích sử dụng đất của dự án? Câu hỏi này xin được chuyển đến UBND huyện Đông Anh.
 Báo PLVN sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc đến bạn đọc.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm