Đồng Nai báo cáo sự việc bê bối quanh nghĩa trang liệt sỹ tạm: 6/7 đối tượng chỉ bị tù treo, không nhắc đến số phận khu đất lịch sử

(PLO) - Kể từ số báo 206 ra ngày 25/7/2018, PLVN khởi đăng loạt bài “Những người lính 17 năm bị cố tình bỏ lại dưới lòng đất Xuân Lộc”. Nội dung loạt bài nói về sự kiện khu đất Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc tọa lạc (tại thị xã Long Khánh) từng là nghĩa trang liệt sỹ tạm. Khi xây dựng công trình, công ty phát hiện hàng trăm mộ liệt sĩ trước đó đã bị các đối tượng xấu ủi nấm, xóa dấu vết. Hệ lụy từ việc này chưa dứt, sau đó khu đất còn vướng nhiều bê bối khi chính quyền Đồng Nai một mực đòi thu hồi. Công ty Tân Lộc đã kiện ra tòa và thắng kiện, tuy nhiên Đồng Nai không thực hiện phán quyết khiến khu đất lịch sử đó hàng chục năm nay vẫn là vùng đất “chết”. Sau khi Báo đăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo Đồng Nai làm rõ sự việc. 
Mảnh đất lịch sử từng là nghĩa trang liệt sỹ tạm.
Mảnh đất lịch sử từng là nghĩa trang liệt sỹ tạm.

Mới đây, PLVN đã nhận được Báo cáo của tỉnh Đồng Nai số 8250/BC-UBND, ngày 07/08/2018 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp ký. Báo cáo cho hay, sau khi nội dung bài báo đăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND thị xã Long Khánh kiểm tra, rà soát nội dung bài báo nêu trên báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định và có kết quả như sau:

Tội ác động trời không cất bốc các hài cốt liệt sĩ còn “tươi”

Khu vực Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc hiện nay tọa lạc, trước năm 1977 là khu vực Nghĩa trang liệt sĩ huyện Xuân Lộc. Đến ngày 17/5/1977, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 43/UBT-QĐ thành lập Nghĩa trang liệt sĩ mới của huyện Xuân Lộc (Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Long Khánh ngày nay), kinh phí xây dựng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp cho Ty Lao động xã hội tỉnh (nay là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh) với tổng số tiền hơn 1 triệu đồng, gồm 10 hạng mục xây dựng.

Ngày 14/9/1977, Ty giao vốn ủy thác, ký hợp đồng cho Ban kiến thiết xây dựng tỉnh thực hiện. Ngày 05/11/1979, Ban kiến thiết xây dựng tỉnh Đồng Nai ký hợp đồng với Xí nghiệp Xây lắp huyện Xuân Lộc do ông Trần Huy Thành làm Giám đốc, thi công xây dựng 2.000 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ mới với kinh phí hơn 276 ngàn đồng, trong đó có việc cất bốc di chuyển toàn bộ hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Lộc cũ sang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Xuân Lộc mới.

Tháng 12/1979, Xí nghiệp Xây lắp huyện Xuân Lộc liên hệ Phòng Thương binh Xã hội huyện Xuân Lộc lập danh sách, sơ đồ mộ chí tại Nghĩa trang liệt sĩ cũ để chuẩn bị cho công tác di dời hài cốt các liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ mới.

Ngày 18/12/1979, Xí nghiệp Xây lắp huyện Xuân Lộc đã ký hợp đồng với Nguyễn Văn May tổ chức cất bốc 500 hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang liệt sĩ cũ về Nghĩa trang liệt sĩ mới, đơn giá 30 đồng/mộ. Trong quá trình thực hiện do thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng nên May và nhóm người của mình chỉ cất bốc 380 hài cốt liệt sĩ, không cất bốc các hài cốt liệt sĩ còn “tươi” (hài cốt liệt sĩ chưa phân hủy hết), mà cấu kết làm khống hồ sơ quyết toán thêm 125 hài cốt liệt sĩ cho đủ số lượng trong hợp đồng. 

208 hài cốt liệt sĩ bị “bỏ sót”

Ngày 26/7/1980 các cơ quan liên quan (gồm Ban kiến thiết xây dựng tỉnh làm chủ trì, Xí nghiệp Xây lắp huyện Xuân Lộc, Ty Thương binh xã hội tỉnh, Phòng Thương binh xã hội huyện Xuân Lộc) đã tham gia họp nghiệm thu bàn giao hạng mục 2.000 ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ mới của huyện Xuân Lộc, trong đó có việc hoàn thành cất bốc 505 hài cốt liệt sĩ cũ sang nghĩa trang liệt sĩ mới (thực tế chỉ cất bốc 380 hài cốt liệt sĩ).

Từ năm 1980 đến năm 1986 cán bộ và nhân dân địa phương đã phát hiện và cất bốc thêm 69 hài cốt liệt sĩ thuộc Nghĩa trang liệt sĩ cũ (khu vực Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc hiện nay) đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã.

Đến tháng 5/1992, khi khởi công xây dựng nhà máy ươm tơ thuộc Công ty Dâu tằm tơ nằm trên phần đất Nghĩa trang liệt sĩ cũ đã phát hiện ra nhiều hài cốt còn nằm lại trong khu vực này. 

UBND huyện Xuân Lộc (nay là UBND thị xã Long Khánh) đã báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện, sau đó UBND tỉnh đã thành lập Ban công tác đặc biệt do ông Nguyễn Trùng Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban cấp tỉnh, bà Lê Thị Trâm – Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc lúc bấy giờ làm Trưởng ban cấp huyện phối hợp với các đơn vị quân đội (Sư đoàn 341/Quân đoàn 4, Sư đoàn 5/Quân khu 7, Sư đoàn 7/Quân khu 4) cho đào thăm dò, cất bốc các hài cốt liệt sĩ còn nằm trong khu vực Công ty Dâu tằm tờ sang Nghĩa trang liệt sĩ mới.

UBND huyện Xuân Lộc (nay là thị xã Long Khánh) đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan, các thành viên trong Ban công tác đặc biệt; xây dựng các kế hoạch chi tiết cho từng đợt đào dò, cất bốc; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt công tác đào thăm dò, di dời các hài cốt liệt sĩ tại khu vực Công ty Dâu tằm tơ về Nghĩa trang liệt sĩ mới, trong quá trình thực hiện có tổ chức ghi hình, có ghi nhận biên bản, vẽ sơ đồ các khu vực đào tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ tại khu vực nghĩa trang liệt sĩ cũ.

Báo cáo ghi, lần tìm Thông báo số 227/TB.UBT ngày 16/2/1993 của UBND tỉnh và Báo cáo số 18/BC-ĐN ngày 3/6/1995 của Phòng Thương binh Xã hội huyện Xuân Lộc, cho thấy: “Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, UBND huyện Xuân Lộc, sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị, các thành viên trong Ban công tác đặc biệt, việc đào thăm dò, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên toàn bộ khu vực Nghĩa trang liệt sĩ cũ đã hoàn thành vào cuối năm 1992.

Ngày 16/2/1993 sau khi họp thống nhất với các thành viên trong Ban công tác đặc biệt, các đơn vị liên quan, UBND tỉnh Đồng Nai có Thông báo số 227/TB-UBT kết luận hội nghị về công tác cải táng nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Khánh, trong đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định “việc đào thăm dò, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên toàn bộ khu vực Nghĩa trang liệt sĩ cũ như vậy là hết sức kỹ, không thể sót, kết thúc được, không có vấn đề gì để nghĩ ngợi và băn khoăn nữa”; và cho kết thúc việc đào thăm dò, di dời hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Xuân Lộc cũ sang Nghĩa trang liệt sĩ mới sau 7 tháng thực hiện từ tháng 5/1992 đến tháng 12/1992. 

Kết quả đào thăm dò, cất bốc được 208 hài cốt liệt sĩ tại khu vực nghĩa trang liệt sĩ cũ, trong đó có: 26 hài cốt liệt sĩ không xác định được danh tính; 42 hài cốt liệt sĩ biết thông tin những không xác định được tên riêng cho từng phần mộ; 140 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính.

6/7 đối tượng chỉ bị tù treo

Sau khi phát hiện vụ việc, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Công an tỉnh và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra toàn bộ sự việc nêu trên. Ngày 27/12/1994 TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử vụ án nói trên đối với 7 người có liên quan, các bị cáo đã kháng cáo. 

Đến ngày 5/9/1995 TAND Tối cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn May và đồng bọn tội “Tham ô và cố ý làm trái…”. Bản án số 1153/HSPT ngày 5/9/1995 của TAND Tối cao và Án số 309/HSST ngày 27/12/1994 của TAND tỉnh Đồng Nai tuyên 7 đối tượng liên quan đến việc quản lý, giám sát, tổ chức cất bốc, di dời các hài cốt liệt sĩ từ Nghĩa trang liệt sĩ cũ sang Nghĩa trang liệt sĩ mới vào năm 1979 – 1980 với mức án cao nhất là 15 năm tù, thấp nhất là 12 tháng tù treo, cụ thể như sau:

Đối tượng Nguyễn Văn May là người ký hợp đồng với Xí nghiệp Xây lắp huyện Xuân Lộc để tổ chức cất bốc hài cốt liệt sĩ: 15 năm tù về tội Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, thời hạn tù tính từ ngày 06/6/1991.

Đối tượng Trần Huy Thành, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp huyện Xuân Lộc: 3 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm.

Đối tượng Nguyễn Văn Lấy – nguyên Phó Trưởng ban Kiến thiết xây dựng tỉnh Đồng Nai: 3 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm.

Đối tượng Trần Văn Quốc – nguyên Phó phòng Thương binh xã hội huyện Xuân Lộc: 3 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm.

Đối tượng Nguyễn Bình Dân – Phó Giám đốc Ty Thương binh Xã hội tỉnh Đồng Nai: 3 năm tù treo, thời gian thử thách 3 năm.

Đối tượng Đỗ Nguyên Quyết – nguyên Trưởng phòng Thương binh liệt sĩ thuộc Ty Thương binh Xã hội tỉnh Đồng Nai: 12 tháng tù treo, thời gian thử thách 18 năm (báo cáo nêu “có thể ghi nhầm”).

Đối tượng Nguyễn Văn Châu – nguyên là cán bộ thuộc Ty Xây dựng tỉnh Đồng Nai: 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 24 năm (báo cáo nêu “có thể ghi nhầm”).

Ngoài ra báo cáo không nhắc đến nội dung số phận khu đất từ ngày đó đến nay rơi vào “cuộc chiến pháp lý” giữa Đồng Nai và Công ty Tân Lộc ra sao, phương hướng xử lý như thế nào. 

Về nội dung ghi dưới bức hình “Nghĩa trang Long Khánh nay bạt ngàn bia mộ không để một dòng chữ” trên bài báo PLVN phản ánh, báo cáo cũng nêu: “Đây là những ngôi mộ xây sẵn chưa an táng hài cốt liệt sĩ. Năm 2008, khi sửa chữa nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Long Khánh vì có nhiều thông tin cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên chiến trường Xuân Lộc – Long Khánh rất nhiều, chưa tìm thấy được để tổ chức cất bốc về Nghĩa trang liệt sĩ mới nên UBND thị xã Long Khánh đã xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng thêm 1.000 ngôi mộ để sẵn trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ mới, khi có thông tin phát hiện về mộ liệt sĩ sẽ tổ chức cất bốc về an táng, hoặc chuyển từ nơi khác về theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ. Từ đó đến nay thị xã đã quy tập an táng 742 hài cốt liệt sĩ, còn lại 258 ngôi mộ còn để trống”

Đọc thêm