Đồng Nai: Dân hoang mang vì văn bản trái luật không được sửa, bỏ

(PLO) - Một quyết định hành chính của UBND tỉnh Đồng Nai liên quan đến 133 người dân được Bộ Tư pháp chỉ ra nhiều nội dung trái pháp luật, nhưng hơn 4 tháng qua chưa được khắc phục khiến người dân hoang mang, lo lắng…
Đồng Nai: Dân hoang mang vì văn bản trái luật không được sửa, bỏ

Đẩy người dân vào cảnh thiếu đói

Ông Nguyễn Long Sơn, ông Nguyễn Xuân Thái Bình ngụ tại ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đồng Nai đại diện cho 133 hộ ngư dân (hiện cư ngụ tại các xã Phú Cường, La Ngà, Phú Ngọc - huyện Định Quán, xã Mã Đà - huyện Vĩnh Cửu) gửi đơn đến các cơ quan trung ương và báo chí kêu cứu việc họ bị cấm đánh te – nghề kiếm sống duy nhất của các hộ gia đình ven hồ Trị An. 

Ngày 6/ 7/2015, Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai ra Thông báo 289 chấm dứt hợp đồng thủy sản đối với các ngư cụ bị cấm theo Quyết định 06/2015 ngày 7/12/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong đó, quyết định cấm việc đánh bắt thủy sản bằng các ngư cụ: đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã gạo, lưới mùng kéo bãi, te (ủi dồn) các loại, cầu kiều (khoản 4 Điều 10). Vì vậy, Khu bảo tồn sẽ không ký hợp đồng khai thác thủy sản trên hồ Trị An đối với các loại nghề khai thác lưới giã cào, te các cơm, te cá kìm kể từ ngày 1/1/2016.

“Hơn 20 năm qua, kể từ khi vùng đất lòng hồ Trị An bị ngập đến nay, đất đai không còn, cuộc sống khó khăn buộc chúng tôi phải làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản và đây là nghề duy nhất để sinh sống. Bây giờ cấm là đẩy chúng tôi vào chỗ khó khăn, khốn đốn…”- ông Bình chia sẻ.

Những hộ dân này đánh te lấy cá sơn, cá cơm để nuôi ba ba, cá lóc tạo thành chuỗi công việc cho vợ con cùng làm để có thu nhập. Hầu hết các gia đình phải vay mượn thương lái, ngân hàng để đầu tư ghe lưới đánh te và xây bể nuôi ba ba, làm lồng nuôi cá nên cấm đánh te khiến họ thất nghiệp, ba ba và cá lóc không có thức ăn nên phải nuôi bằng thức ăn công nghiệp, trong khi họ đang túng thiếu lại bị chủ nợ đến đòi ráo riết… khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. 

Khiếu nại lên Khu bảo tồn, lên UBND tỉnh không có kết quả, các hộ dân cử đại diện ra Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền và báo chí. Cục Kiểm tra văn bản QPPL của Bộ Tư pháp vào cuộc kiểm tra và đưa ra kết luận gửi UBND tỉnh Đồng Nai.

Te là ngư cụ không bị pháp luật cấm hoạt động
Te là ngư cụ không bị  pháp luật cấm hoạt động

Quy định trái Hiến pháp và pháp luật

Tại Kết luận 36 ngày 20/7/2016, Cục Kiểm tra văn bản QPPL chỉ ra 8 nội dung trái pháp luật trong Quyết định 06/2015 ngày 7/12/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Khoản 2 Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 06/2015 quy định: “Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải được chính quyền địa phương giới thiệu”. Khoản 1 Điều 11 quy định: “Tổ chức, cá nhân muốn tiêu thụ thủy sản phải được chính quyền địa phương giới thiệu và phải đóng góp kinh phí cho Khu bảo tồn để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản”.

Đối chiếu quy định nêu trên với pháp luật hiện hành “cho thấy Quyết định  06/2015 đã “hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; qui định này trái với Hiến pháp 2013 (khoản 2 Điều 14, Điều 33), Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 7) và Luật Đầu tư 2014 (Điều 7). Bên cạnh đó, quy định tổ chức, cá nhân muốn thu mua, tiêu thụ thủy sản “phải đóng góp kinh phí cho Khu bảo tồn thiên nhiên” là không có cơ sở pháp lý”.

Về qui định cấm đánh te, Cục Kiểm tra văn bản QPPL kết luận: “Luật Thủy sản 2003 (điểm b khoản 3 Điều 8) quy định: Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN &PTNT) định kỳ công bố “ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng”; Thông tư 02/2006/TT-BTS  ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (khoản 3 Mục II) hướng dẫn thực hiện Nghị định 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2006 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản quy định: “Bộ Thủy sản quy định cấm phát triển… các nghề te, xiệp, đáy trong sông, đáy biển”.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ cấm phát triển… các nghề te, xiệp, đáy trong sông, đáy biển; không có quy định cấm các loại công cụ, ngư cụ nêu trên bị cấm hoạt động và không có quy định giao cho UBND cấp tỉnh quy định về vấn đề này. Vì vậy, việc UBND tỉnh Đồng Nai quy định các loại công cụ, ngư cụ không được phép hoạt động tại hồ Trị An là “không đúng thẩm quyền và không có cơ sở pháp lý”.

Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức xem xét, bãi bỏ ngay những nội dung trái pháp luật tại Quyết định 06/2015… Rà soát quá trình thực hiện Quyết định 06/2015 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quyết định trái pháp luật nêu trên gây ra (nếu có); đồng thời, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; Thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này theo quy định của Chính phủ.

Đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi có Kết luận trên, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa bãi bỏ những nội dung trái pháp luật tại Quyết định 06/2015. Thậm chí, trong văn bản 07 ngày 1/9/2016, trả lời khiếu nại của ông Thái Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai vẫn khẳng định: “Việc cấm các loại ngư cụ nêu trên là phù hợp với quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, trong đó việc cấm 133 ghe te, cào hoạt động trên hồ Trị An sẽ tránh được xung đột… Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 8 Luật Thủy sản 2003… việc quy định cấm các loại ngư cụ hoạt động trên hồ Trị An gồm: Đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã gạo, lưới mùng kéo bãi, te các loại, câu kiều” là phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật” (!?).

Văn bản trả lời này khiến dư luận cho rằng Kết luận kiểm tra văn bản theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 chưa được UBND tỉnh Đồng Nai tôn trọng. 

Đọc thêm