Dự án Chợ đầu mối trái cây tại Cầu Kè, Trà Vinh: 9 năm nằm “đắp chiếu” do… cạn vốn!

(PLO) - Dự án Chợ đầu mối trái cây (thuộc ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) được khởi công xây dựng từ năm 2008 trên diện tích khoảng 5,3ha với tổng vốn đầu tư trên 26 tỷ đồng do UBND huyện Cầu Kè làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2007-2010.
Cảnh tượng hoang vắng, đìu hiu tại khu vực chợ đầu mối trái cây tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh sau nhiều năm ngừng thi công do thiếu vốn.
Cảnh tượng hoang vắng, đìu hiu tại khu vực chợ đầu mối trái cây tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh sau nhiều năm ngừng thi công do thiếu vốn.

Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm của người dân địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay dự án chỉ mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây dựng hai nhà lồng chợ số 1 và số 2 rồi “đắp chiếu”, “giậm chân tại chỗ” đến nay.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm

Chỉ tay về phía hai khu nhà lồng chợ bỏ hoang nhiều năm đang rơi vào tình trạng xuống cấp, bên trong không lô sạp kiên cố, trống vắng người mua kẻ bán, xung quanh cỏ mọc um tùm, nhiều người dân địa phương lắc đầu ngán ngẩm cho biết:

Lúc đầu dự án khởi công rầm rộ, người dân khu vực dự án rất phấn khởi. Chính quyền địa phương tạo điều kiện bố trí tái định cư cho người dân và các tiểu thương ở khu vực chợ gần bến phà Đường Đức về khu vực chợ đầu mối trái cây để buôn bán, làm ăn sinh sống.

Những tưởng việc định cư và làm ăn buôn bán của người dân được ổn định hơn, tuy nhiên do khu chợ xây dựng ì ạch nhiều năm nên việc buôn bán của người dân lâm cảnh ế ẩm, đời sống của người dân tái định cư gặp rất nhiều khó khăn.

Chị P.T.U., một tiểu thương mua bán trái cây tại khu vực Chợ Đường Đức trước đây cho biết, việc buôn bán ở chợ cũ trước đây rất sung túc, náo nhiệt, khách hàng cũng đông đúc, đời sống của tiểu thương rất ổn định, nhưng từ khi dời về khu chợ mới việc buôn bán rất ế ẩm. Mỗi sáng chỉ có 7-8 chỗ bán rau cải, cá, thịt nhưng cũng ít người mua và đến tầm 8 giờ là chợ tan!

Một số người do không cầm cự nổi đã bỏ đi nơi khác hoặc quay về chợ cũ Đường Đức tiếp tục tìm kế sinh nhai. Đồng cảnh ngộ với chị U., ông D.V.H (người dân trong khu tái định cư chợ đầu mối trái cây) cho biết, trước đây ở chỗ cũ còn mua bán, kinh doanh có thêm thu nhập, từ khi vào đây chẳng mua bán làm ăn gì được, đời sống ngày càng khó khăn hơn.

Dân tái định cư gặp khó khăn

Việc xây dựng chợ đầu mối trái cây nửa chừng rồi bỏ lửng không chỉ khiến các tiểu thương phải lao đao, dở khóc, dở cười mà hàng chục hộ dân trong khu tái định cư khu vực chợ cũng đang “kêu trời”. Nhiều hộ dân cho biết, nguyên nhân là do trước đây họ được bồi thường vài chục triệu, chỉ đủ tiền mua đất ở khu tái định cư và không đủ tiền để xây nhà.

Trong khi đó chính quyền địa phương không cho người dân cất nhà lá tạm bợ mà buộc phải xây nhà tường kiên cố nên việc xây cất của người dân gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Một số hộ tái định cư phải bán nền đi nơi khác hoặc vay mượn tiền để xây nhà. 

Nhiều hộ dân cũng bức xúc cho biết, nói là khu tái định cư nhưng hạ tầng nơi đây rất tệ, đặc biệt là đường cống thoát nước bị nghẹt lâu ngày đến nay vẫn chưa được khai thông, nước thải sinh hoạt ứ đọng bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè - cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ của dự án là do… hết vốn. Cũng theo ông Liêm, chợ đầu mối trái cây tại Cầu Kè được hình thành từ năm 2008, được Trung ương cấp 5,4 tỷ để bồi hoàn và giải phóng mặt bằng.

Với nguồn kinh phí đó, huyện dùng vào việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng và lập dự án xây dựng 2 nhà lồng, chân đường, hệ thống thoát nước, vỉa hè thì hết kinh phí. Năm 2013, huyện xin nguồn ngân sách của tỉnh để bố trí tái định cư cho hơn 70 hộ dân bị ảnh hưởng, từ đó đến nay không được hỗ trợ bất kỳ khoản kinh phí nào nữa. 

Cũng theo ông Liêm, để hình thành chợ đầu mối trái cây đúng nghĩa thì gần như không còn hy vọng, giờ chỉ mong hình thành điểm tập kết trái cây nhỏ.

“Hiện tỉnh đã cho chủ trương bán đấu giá một số lô đất còn lại trong khu tái định cư, huyện sẽ xin nguồn kinh phí đó để đầu tư một số hạng mục cần thiết, bờ kè, nhà vệ sinh… trên tinh thần có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu. Đồng thời, xin chủ trương của tỉnh cho một hợp tác xã thuê thu gom mua bán trái cây tại nhà lồng chợ để phát triển thành nơi trung chuyển trái cây”, ông Liêm cho biết thêm. 

Đọc thêm