“Dự án làm đường hồ Rẻ Quạt”: Chính quyền địa phương không cho dân góp ý?

(PLO) - Một trong những lý do khiến người dân phản ứng quyết liệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Rẻ Quạt (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chính là những đối tượng bị mất đất, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án đã không được chính quyền nơi đây đoái hoài, cho góp ý kiến trước khi thực hiện dự án…  
Quy hoạch bất hợp lý khiến dự án hồ Rẻ Quạt chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân
Quy hoạch bất hợp lý khiến dự án hồ Rẻ Quạt chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân

Không được hỏi ý kiến

Như Báo PLVN đã phản ánh, mục tiêu dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Rẻ Quạt (DA Rẻ Quạt) là nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao điều kiện sống cho người dân địa phương nhưng việc quy hoạch bất hợp lý, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư của UBND quận Thanh Xuân tiến hành một cách qua loa, chiếu lệ khiến dự án bị người dân phản đối rất quyết liệt.

Luật Xây dựng yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng như ở DA Rẻ Quạt, chủ đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Đây là quy trình bắt buộc và việc lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Chính quyền có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thậm chí, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư để hoàn thiện quy hoạch dự án, trường hợp không tiếp thu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trước khi phê duyệt quy hoạch. 

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Hường, đại diện cho một số hộ dân bị thu hồi đất cho biết: Luật pháp quy định rõ ràng là thế nhưng ở DA Rẻ Quạt quá trình quy hoạch các hộ dân bị mất đất, nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án đã không hề được chính quyền cho phát phiếu lấy ý kiến góp ý một cách dân chủ, công khai. “91 hộ dân nằm trong quy hoạch của dự án nhưng không được bất kỳ ai từ phường, quận, cho đến Ban quản lý dự án hỏi ý kiến. Chỉ đến khi dự án được phê duyệt thì người dân mới tá hỏa rằng gia đình mình sắp mất nhà, mất đất”, bà Hường bức xúc. 

Người dân khẳng định, 100% gia đình có đất bị thu hồi không được hỏi ý kiến khi lập quy hoạch dự án, nhưng rất lạ là trong các cuộc họp đối thoại với dân sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (BQLDA quận Thanh Xuân) đinh ninh quy trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư đã được chính quyền thực hiện đầy đủ. Họ liên tục khẳng định dự án đã được trên 80% người dân đồng ý (?!). 

“Chúng tôi chất vấn trên 80% dân đồng ý này là những ai, tên tuổi là gì thì đại diện chủ đầu tư dự án đã không ai trả lời rõ ràng tại các cuộc đối thoại với dân”, bà Hường cho biết. 

Mạo nhận quyền của dân?

Trước phản đối của người dân, ngày 10/6/2018, BQLDA quận Thanh Xuân đã buộc phải công bố công khai một số hồ sơ dự án, trong đó có văn bản báo cáo kết quả lấy ý kiến cộng đồng dân cư, và 29 phiếu góp ý kiến. 

Theo đó, nội dung của báo cáo này thể hiện, từ ngày 12/11/2012 đến ngày 14/11/2012, tổ công tác của UBND quận Thanh Xuân đã tiến hành phát phiếu ghi là góp ý kiến đến cộng đồng dân cư khu vực quy hoạch. Và ngày 15/11/2012 đến ngày 9/12/2012 tiến hành thu phiếu góp ý. Có 32 phiếu phát ra và thu về được 29 phiếu, kết quả lấy ý kiến được chính quyền cho biết là có 24 phiếu đồng thuận. 

Tuy nhiên, nhìn trong danh sách được gọi là “đại diện cộng đồng dân cư” lấy ý kiến điều chỉnh cục bộ Quy hoạch sử dụng đất một số lô đất thuộc ô 28 trong quy hoạch khu hồ Rẻ Quạt, cho thấy, 32 cá nhân nhận được phiếu lấy ý kiến thì cả 32 đều là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phường Hạ Đình, không có bất cứ người dân nào trong diện bị thu hồi đất ở dự án được lấy ý kiến. 

Bà Nguyễn Thị Liên (Tổ phó Tổ dân phố số 11, phường Hạ Đình) xác nhận: “Lúc mời chúng tôi lên lấy ý kiến là với tư cách tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố chứ không phải tư cách là đại diện cho dân. Có thể thấy, việc lấy ý kiến này là lấy ý kiến của hệ thống chính trị địa phương, không phải lấy ý kiến người dân”.  

Không chỉ mạo nhận đại diện quyền lợi người dân, trong 29 phiếu lấy ý kiến mới được chủ đầu tư dự án công bố cũng cho thấy nhiều bất thường. Bà Đặng Thị Thúy Nga cho biết: Phiếu lấy ý kiến có ghi 2 ô: “đồng ý” và “không đồng ý” để người được lấy ý kiến tích vào thể hiện quan điểm. Nhưng trong 29 phiếu được cho là hợp lệ thì mỗi người một kiểu. Người thì ký không tích vào ô trống, người thì tích vào ô trống thì lại không ký tên, thậm chí không ít phiếu không ghi rõ ngày tháng phiếu đó được lấy ý kiến góp ý. 

“Việc sử dụng các phiếu đánh dấu lung tung như vậy không thể hiện chính xác chính kiến của người được lấy ý kiến. Và các ý kiến này lại được coi là đại diện cho ý chí của gần trăm hộ dân bị thu hồi đất thì thật tai hại. Chúng tôi là những người dân có quyền lợi sát sườn đối với dự án. Vậy ai cho phép 29 cá nhân này là đại diện cho chúng tôi?”, bà Nga cho biết.       

Lo lắng về cuộc sống bấp bênh sau khi bị thu hồi, những người dân bị mất nhà, mất đất ở DA Rẻ Quạt liên tục có đơn đề nghị UBND TP Hà Nội sớm vào cuộc xem xét lại việc quy hoạch dự án bất hợp lý này. Đồng thời mong muốn lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo quận Thanh Xuân thực hiện lại việc lấy kiến nhân dân một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh chiếu lệ, hình thức. 

Để làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo quận và đã đặt nội dung làm việc với Văn phòng UBND quận Thanh Xuân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

 Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này.

Đọc thêm