Dự án trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng: Phản quy hoạch!?

(PLO) - Thay vì ở ngoại ô để giảm áp lực giao thông đô thị, Trung tâm hành chính Lâm Đồng lại nằm ngay trên khu “đất vàng” của tuyến phố Trần Phú - nơi đang có tới 7 trường học với hàng chục nghìn học sinh và 4 khách sạn lớn với hàng trăm du khách mỗi ngày… Vì thế, cao ốc hoành tráng này đang là nỗi bất an của người dân.
Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng
Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng
Lãng phí “đất vàng”?
Trung tâm hành chính (TTHC) Lâm Đồng tọa lạc tại số 38 đường Trần Phú, phường 3, TP.Đà Lạt vốn trước đây là Nhà Thiếu nhi tỉnh. Công trình được chính thức khởi công tháng 10/2009 với quy mô 11 tầng, trên diện tích đất gần 3,5ha nằm ngay khu “đất vàng” của trung tâm “thành phố hoa”. Đây là nơi làm việc của 17 sở, ngành và 26 đơn vị trực thuộc, với tổng số nhân viên lên tới gần 1.400 người. Lúc đầu, việc xây dựng tòa nhà được giao cho Tổng Công ty Xây dựng số 1 thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, sau đó do “vướng” cơ chế nên năm 2011 địa phương cho thay đổi hình thức: Sở Xây dựng Lâm Đồng làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án. 
Ngày 9/4/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó khu nhà trung tâm được điều chỉnh diện tích sàn từ 46.774m2 lên 56.171m2; tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 495 tỷ 424 triệu đồng lên 1.041 tỷ 691,5 triệu đồng. Trong đó, giá trị do nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 1 là 273 tỷ 013 triệu đồng. Theo chủ trương của tỉnh này, những biệt thự trước đây dùng làm công sở sẽ được bán đi để lấy kinh phí xây dựng TTHC.
Khi TTHC Lâm Đồng được triển khai xây dựng, trong dư luận cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng đã tỏ ra không đồng tình. Nhiều người cho rằng việc xây dựng TTHC tại vị trí nói trên là… “phản quy hoạch”! Bởi lẽ, thông thường việc xây dựng TTHC là nhằm mục đích giãn dân ra khỏi khu trung tâm, nhường vị trí “đất vàng” cho kinh doanh để đem nguồn thu về cho ngân sách, tạo thuận lợi cho người dân khi đến làm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối với TTHC tỉnh Lâm Đồng thì ngược lại. TTHC được xây dựng ngay trên khu “đất vàng” thuộc tuyến đường huyết mạch Trần Phú – nơi đang có 7 trường học với hàng chục nghìn học sinh, 4 khách sạn lớn với hàng trăm du khách. Hàng ngày, tuyến đường thường xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ vào giờ cao điểm. Nay lại phải “oằn mình” gánh thêm TTHC với 1.400 viên chức đi lại làm việc và hàng nghìn lượt khách đến giao dịch mỗi ngày  thì tuyến đường này quá tải là cái chắc.
Đó là chưa kể việc xây dựng TTHC nói trên đã “chơi ngược” bài toán quy hoạch là giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm. Lúc dự án mới được công bố, đã có nhiều ý kiến kiến nghị nên xây dựng TTHC ở ngoại ô TP để giãn dân ra hai hướng Đông Bắc, Tây Nam theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhằm giảm mật độ dân cư ở khu trung tâm, giữ vẻ yên tĩnh cho “thành phố hoa”, đồng thời nên xây dựng khu hành chính với nhiều tòa nhà chứ không nên xây một tòa nhà tập trung vì Đà Lạt không thiếu đất. Tuy nhiên, thật đáng tiếc những ý kiến tâm huyết và chính đáng nói trên đã không được lãnh đạo địa phương quan tâm mà họ chỉ đạo phải gấp rút xây dựng TTHC ngay! 
Vừa trấn an dư luận, vừa… lo!
Trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ công chức các sở, ngành tại địa phương tỏ ra lo ngại khi hay tin sắp được vào làm việc tại tòa nhà TTHC nguy nga này. Điều bất an đầu tiên là tình trạng kẹt xe và chỗ để xe, vì với số lượng cán bộ viên chức tập trung quá đông vào giờ đến sở và tan sở nên khi đưa xe vào, ra không phải chuyện dễ dàng. Tiếp đến là an toàn cháy nổ, do cầu thang thoát hiểm, thang máy thì quá nhỏ cho 1.400 người, nhất là những người làm việc từ tầng 8 - 11 khi chẳng may xảy ra sự cố thì không biết phải tính sao?
 Xung quanh những vấn đề này, ông Nguyễn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, Trưởng ban Quản lý dự án nói trên trấn an: TTHC hiện có 10 thang máy, mỗi thang có sức chứa 15 người, 10 cầu thang bộ thoát hiểm theo tiêu chuẩn Việt Nam. Để tránh tình trạng kẹt xe, cơ quan chức năng đã có phương án mở rộng đường quanh khu vực và phân luồng. Bãi để xe trong THHC với diện tích 20.000m2 có thể chứa 190 xe ô tô cơ quan, 960 xe mô tô, mỗi sở sẽ có khu vực để xe riêng. Nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe và chỗ để xe, sẽ hạn chế xe cá nhân và có thể tổ chức xe buýt đưa đón cán bộ viên chức. Xe ô tô của khách đến giao dịch thì TTHC có thể chứa được 50-60 chiếc, còn xe máy thì gửi bên ngoài. Việc phòng cháy, chữa cháy sẽ được thực hiện nghiêm ngặt bởi hệ thống tự động phun nước từ trần nhà khi có báo cháy. Để vận hành tòa nhà, TTHC sẽ thành lập Ban Quản lý với khoảng 50-60 người và sẽ có lực lượng Công an bảo vệ mục tiêu túc trực ngày đêm. Riêng thẻ an ninh ra vào tòa nhà TTHC do khó khăn về kinh phí nên đến nay vẫn chưa đầu tư được.
Với những con số trên, chủ đầu tư xem ra đã chủ động được trước mọi tình huống, nhưng kỳ thực khi trao đổi với phóng viên, ông Dũng không giấu được sự lo lắng, băn khoăn khi tòa nhà TTHC đi vào vận hành, bởi trên thực tế sự ra đời của toà nhà này đang khiến không chỉ giới quy hoạch - kiến trúc mà những người dân đang sống gần TTHC thấy sự bất an đang lớn lên từng ngày. 
Bỏ ngoài tai ý kiến của dư luận
“Lúc dự án mới được công bố, đã có nhiều ý kiến kiến nghị nên xây TTHC ở ngoại ô thành phố nhằm giãn dân ra hai hướng Đông Bắc và Tây Nam theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhằm giảm mật độ dân cư ở khu vực trung tâm, tạo vẻ yên tĩnh cho “thành phố hoa”. Một số ý kiến khác thì góp ý nên xây dựng khu hành chính với nhiều tòa nhà chứ không nên xây một tòa nhà tập trung vì Đà Lạt không thiếu đất. Nhưng đáng tiếc những ý kiến tâm huyết và chính đáng nêu trên đã không được lãnh đạo địa phương quan tâm”. 
 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm