Dự án vi phạm tại sông Đĩnh Đào (huyện Gia Lộc, Hải Dương): Chính quyền sẽ vào cuộc xử lý dứt điểm những vi phạm?

(PLO) - Trước việc vi phạm của các công trình đã và đang diễn ra ở sông Đĩnh Đào (khu vực cầu Tràng Thưa, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc) nhưng chưa bị xử lý, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc khẳng định, sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại dự án và có văn bản thông tin tới báo chí.
Trạm trộn bê tông Asphalt trái phép của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng 656.
Trạm trộn bê tông Asphalt trái phép của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng 656.

Vụ việc trên đã được PLVN phản ảnh trong bài “Gia Lộc (Hải Dương): Sông Đĩnh Đào bị vi phạm nhiều năm, chính quyền vẫn làm ngơ bỏ qua”. Theo đó, khu bến bãi kinh doanh vật liệu của ông Vũ Văn Lừu cùng một số đơn vị sản xuất gạch không nung, trạm cân trộn bê tông, trạm trộn bê tông Asphalt… ở khu vực cầu Tràng Thưa (xã Đồng Quang) đã hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nhưng không hề bị xử lý dứt điểm. 

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo PLVN, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang và cán bộ địa chính xã đã cung cấp tài liệu thể hiện, vào năm 2004, ông Vũ Văn Lừu (xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc) mua được  39.140m2 đất nông nghiệp của người dân tại khu đồng Chiều Quan, thôn Đôn Thư (xã Đồng Quang). Sau đó, ông Lừu đã có đơn với chính quyền xin thuê đất để sản xuất kinh doanh.

Tại Công văn số 111/CV-UB (13/8/2004) UBND huyện Gia Lộc đã chấp thuận dự án xây dựng: bến bãi, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Ngày 17/8/2004, UBND huyện Gia Lộc có Quyết định số 1100/QĐ-UB về việc cho ông Lừu thuê đất để thực hiện dự án trên với tổng diện tích đất thu hồi là 39.140m2.

Trong đó, diện tích ông Lừu xin thuê mặt bằng để làm dự án là 16.414m2 (thời hạn 40 năm) và 22.726m2 đất trong hành lang giao thông, hành lang đê, cầu Tràng Thưa (gồm: 3.976m2 đất lưu không đường, 8.750m2 đất lưu không đê sông Đĩnh Đào, 10.000m2 đất lưu không cầu). Ông Lừu tạm thời được giao số đất 22.726m2 trên nhưng không được phép xây dựng bất kỳ một công trình nào trên đất. 

Vào ngày 20/8/2004, tại Hợp đồng thuê đất, ông Lừu được cho thuê 12.067m2 đất để làm dự án (diện tích còn lại là 4.347m2 chưa giao) với giá  4.780.050 đ/năm. Điều 3 của Hợp đồng nêu, việc xây dựng các công trình trên khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo dự án đã được duyệt. Nếu bên thuê (ông Lừu) không thực hiện đúng cam kết thì bên cho thuê được đơn phương hủy bỏ hợp đồng thuê đất và bên thuê phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tháng được bàn giao đất, ngày 27/10/2004, ông Lừu đã bị Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Gia Lộc kiểm tra, lập biên bản về một số vi phạm như: tự ý xây mố bến bãi lấn ra phía sông; tự ý phá 120 mét đê thuộc sông Đĩnh Đào không có giấy phép; lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình đê để mở rộng diện tích mặt bằng bến bãi. 

Ngoài ra, ông Lừu còn tự ý đào hạ thấp bờ kênh, nắn đê, xây thêm nhà kho, trụ sở kiên cố, cho các đơn vị khác (như Công ty TNHH Hồng Quang và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng 656) thuê lại mặt bằng, xây dựng trạm cân trộn bê tông, trạm trộn bê tông Asphalt, sản xuất gạch không nung…  

Trong khi những vi phạm chưa được xử lý, vào tháng 10/2015, ông Lừu đã có đơn xin trả lại huyện 7.680m2 đất trong phần diện tích đất đã được huyện cho thuê trước đó. Số diện tích này sau đó được Công ty TNHH Tân Bình làm đơn xin thuê lại để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh xăng dầu. Đến ngày 25/8/2017, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH Tân Bình với diện tích 7.471m2, thời hạn 25 năm để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu Đồng Quang.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Côngg ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải, đơn vị quản lý sông Đĩnh Đào) cho biết, từ khi triển khai dự án cho tới khi trả lại một phần đất thì hoạt động của các phương tiện tại khu bến bãi của ông Lừu cùng các đơn vị mà ông cho thuê đất đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đê điều, công trình thủy lợi và gây ô nhiễm môi trường cho khu vực sông Đĩnh Đào. Trong khi đó, các đơn vị này không hề có văn bản gửi về công ty để báo cáo hay xin ý kiến phê duyệt.

Do vậy, trong suốt hơn một thập kỷ qua, Công ty Bắc Hưng Hải đã nhiều lần tổ chức họp, lập biên bản và gửi công văn tới Sở NN&PTNT Hải Dương, UBND huyện Gia Lộc và UBND xã Đồng Quang đề nghị cùng phối hợp đôn đốc nhằm xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trên nhưng không đạt hiệu quả.

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Xuân Cộng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho hay, dự án của ông Lừu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng sau đó ông này cho các đơn vị khác thuê lại, hoạt động ra sao, xã cũng không nắm bắt được vì ông Lừu và các đơn vị đó không thông báo về xã. 

Trong khi đó, trao đổi với Báo PLVN, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc khẳng định, các vi phạm tại sông Đĩnh Đào, khu vực cầu Tràng Thưa diễn ra từ lâu nhưng để xử lý thì huyện cần phối hợp làm việc với Công ty Bắc Hưng Hải và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại dự án, sau đó sẽ có chỉ đạo xử lý, giải quyết các vi phạm đó và có văn bản thông tin tới báo chí. 

Việc một khu dự án với rất nhiều công trình xây dựng vi phạm, hoạt động không phép nhưng vẫn tồn tại công khai mà không hề bị xử lý hay đình chỉ hoạt động khiến dư luận băn khoăn về việc, liệu có sự “chống lưng”?

Báo PLVN tiếp tục thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm của UBND huyện Gia Lộc trong thời gian tới.

Đọc thêm