Dự án xây dựng ĐHQG TP. HCM: Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

(PLO) - Trước những khuất tất, vi phạm liên quan đến Dự án xây dựng Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. HCM, ngày 23/5/2016, tại văn bản số 3768/VPCP-V.I, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc này và sau đó UBND tỉnh Bình Dương cũng đã lập đoàn thanh tra kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại. 

Thế nhưng theo nhiều hộ dân trú tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho đến nay đã là 11 tháng nhưng vẫn chưa có kết quả xác minh sự việc và điều này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân…

Văn bản ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Bình Dương khẳng định việc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết sự việc
Văn bản ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Bình Dương khẳng định việc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết sự việc

“Tố” hàng loạt vi phạm

Theo phản ánh, trong quá trình triển khai Dự án xây dựng ĐHQG TP. HCM, nhiều hộ dân phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã có đơn khiếu nại, tố cáo về những vi phạm, khuất tất trong việc triển khai thực hiện dự án này như: Việc áp dụng sai pháp luật, vận dụng những văn bản luật và văn bản dưới luật đã hết hiệu lực pháp luật; không ra quyết định thu hồi đất và quyết định công bố bồi thường; vi phạm cam kết với người dân; việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất quá thấp, không phù hợp với thực tế; cùng một trường hợp như nhau nhưng người thì được hưởng tái định cư và những chính sách hỗ trợ khác còn người thì không.

Bên cạnh đó, người dân còn tố cáo Dự án đã lấy luôn đất của người dân nằm ngoài quy hoạch như trường hợp của ông Huỳnh Văn A bị chiếm 356m2 đất, trường hợp của ông Nguyễn Văn Hoàng. Mặt khác, người dân còn phát hiện việc thu hồi dư ra 47,95 ha đất, là phần đất của nhiều hộ dân không thuộc diện thu hồi trong dự án; việc thay đổi chủ đầu tư không thông qua ý kiến của người có đất bị thu hồi; dự án triển khai hơn 10 năm mà chưa có đất bố trí tái định cư cho người dân.

Ngoài ra, theo người dân, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 1969 ngày 02/06/2003 trước 15 ngày so với quyết định số 660/QĐ.TTg ngày 17/06/2003 của Thủ tướng Chính phủ là trái quy định của pháp luật...

Với những vi phạm trên, người dân đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương. Cũng đã nhiều lần đơn vị chuyên môn thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân và tại các cuộc đối thoại này, quan điểm, lập luận của các ngành chức năng thị xã Dĩ An và tỉnh Bình Dương đưa ra đã bị người dân bác bỏ, không đồng thuận.

Mặt khác, trong thời gian người dân chờ Thanh tra Chính phủ giải quyết đơn của họ thì trên thực địa, chính quyền phường Đông Hòa cùng ĐHQG TP. HCM nhiều lần tiến hành “cưỡng chế”, “vận động” người dân giao đất nhưng họ đều không chấp thuận. Lý do không chấp thuận là vì không có Quyết định thu hồi đất từng phần (theo Điều 44 Luật Đất đai năm 2003) nên người dân không biết dựa trên căn cứ nào để họ biết mình bị thu hồi với diện tích đất là bao nhiêu và làm cách nào để “vô hiệu hoá” những Giấy chứng nhận mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp cho họ. Mặt khác, theo quy định của pháp luật trường hợp không có Quyết định thu hồi đất thì Giấy CNQSDĐ của người dân vẫn còn có giá trị pháp lý và vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

11 tháng trôi qua kể từ khi có quyết định thành lập Đoàn thanh tra, đến nay vẫn chưa có kết quả xác minh
11 tháng trôi qua kể từ khi có quyết định thành lập Đoàn thanh tra, đến nay vẫn chưa có kết quả xác minh

Giải quyết theo kiểu “tiền hậu bất nhất”!

Cũng theo người dân cho biết, đầu tháng 2/2017, khi đơn vị thi công tiến hành thi công đường vành đai 3, đoạn 2 thuộc Dự án trên phần đất của hộ ông Phạm Văn Thanh, ông Thanh đã không đồng ý bàn giao mặt bằng vì ông cho rằng phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan chức năng đồng thời đã có đơn khiếu nại đối với Thông báo của UBND thị xã Dĩ An. Theo ông Thanh thì ông không thể giao đất theo “Thông báo” được.

Còn trường hợp của ông Lâm Thành Dũng thì việc giải quyết của các cơ quan chức năng thị xã và tỉnh trước sau đã thể hiện sự “bất nhất”. Theo đó, tại quyết định giải quyết khiếu nại số 2195/QĐ-UBND ngày 4/4/2011 của UBND thị xã Dĩ An, ông Dũng được xem xét giải quyết bố trí thêm 1 suất tái định cư theo quy định tại quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 26/1/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Sau đó, tại quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 6/5/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, về nội dung bố trí thêm 1 suất tái định cư ông Dũng vẫn được chấp nhận. Thế nhưng không hiểu sao sau đó, UBND thị xã Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương lại có các quyết định số 1926/QĐ-UBND ngày 27/5/2016, quyết định số 3046/QĐ-UBND ngày 7/11/2016 bác bỏ nội dung bố trí thêm 1 suất tái định cư cho ông Dũng.

Theo ông Dũng, gia đình ông hoàn toàn có đủ điều kiện được cấp thêm 1 suất tái định cư theo quy định; việc UBND thị xã Dĩ ban hành quyết định 1926/QĐ-UBND ngày 27/5/2016 bác bỏ nội dung trước đó tại quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 6/5/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là không đúng quy định và điều này còn thể hiện sự “bất nhất” trong cách giải quyết sự việc của các cơ quan chức năng tại địa phương. 

Về vụ việc này, ngày 9/9/2016 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7548/VPCP-V.I chuyển đơn thư của công dân đến UBND tỉnh Bình Dương để chỉ đạo kiểm tra, rà soát và giải quyết theo thẩm quyền đồng thời thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Chính phủ biết.

Tiếp đó, tại văn bản số 3909/UBND-BTCD ngày 18/10/2016 phúc đáp văn bản số 7548/VPCP-V.I ngày 9/9/2016 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: Việc các hộ dân khiếu nại một số vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ thuộc dự án ĐHQG TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, làm rõ tại Văn bản số 6868/VPCP-V.I ngày 6/9/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Ngày 25/2/2016, Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết luận, kiến nghị tại Văn bản số 275/BC-TTCP và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 3768/VPCP-V.I ngày 23/5/2016. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có kết quả kiểm tra, rà soát, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ban hành văn bản trả lời cho công dân. 

Mặc dù ngày 10/8/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại của các hộ dân để xác minh làm rõ 8 nội dung tại Báo cáo kết luận số 275/BC-TTCP ngày 25/2/2016 của Thanh tra Chính phủ; thời gian tiến hành xác minh là 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định. Tuy nhiên, theo người dân cho biết, đến nay đã 11 tháng trôi qua, việc xác minh vẫn chưa có kết quả, trong khi đó, ở địa phương người dân vẫn liên tục chịu sức ép bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Chính vì thế hiện người dân vẫn phải tiếp tục đi kêu cứu khắp nơi đồng thời chờ đợi sự xác minh làm rõ và giải quyết khách quan, toàn diện, thỏa đáng các nội dung mà họ khiếu nại, tố cáo cũng như xử lý nghiêm các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện Dự án này.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm