Giải quyết quyền lợi cho người lao động có chủ bỏ trốn như thế nào?

(PLO) - Chỉ tính riêng TP HCM, 9 tháng đầu năm 2014, đã có 7 chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến 8 tỷ đồng lương của 1.300 công nhân bị nợ, hơn 10 tỷ đồng đóng BHXH cũng chưa thể thu. 
Công nhân công ty SMY (Hóc Môn) bao vây công ty ngăn giám đốc tẩu tán hàng hóa và bỏ trốn
Công nhân công ty SMY (Hóc Môn) bao vây công ty ngăn giám đốc tẩu tán hàng hóa và bỏ trốn
Bảo vệ quyền lợi cho người lao động như thế nào với tình trạng ngày càng nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương? Có phải lỗi do pháp luật không xác định được tiêu chí thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn dẫn đến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý doanh nghiệp vi phạm cũng như thiếu quyết liệt đưa ra các biện pháp để bảo vệ cho người lao động? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) giải thích về vấn đề này.
30 ngày vắng mặt không ủy quyền là bỏ trốn
Thưa ông, thế nào là doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn?
- Khoản 1 Mục III Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành quy định: “Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh (hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền) xác định”.
Quy định pháp luật như vậy đã đủ để xác định một doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp?
- Quy định tại Điều 16 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp đã đủ cơ sở để xác định doanh nghiệp có hay không có người đại diện hợp pháp. Cụ thể như sau: 
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải cư trú ở Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. 
2. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây: 
a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp; 
b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty; hoặc cho đến khi Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. 
3.Trường hợp vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh cử người khác làm đại diện theo pháp luật của công ty. 
Vậy dấu hiệu nào để kết luận doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn? 
- Chỉ cần người đại diện doanh nghiệp vắng mặt ở Việt Nam quá 30 ngày mà không có uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình thì doanh nghiệp bị coi là không có người đại diện hợp pháp. Từ đó, doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp trên 30 ngày thì đương nhiên thuộc trường hợp “doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn” theo quy định tại Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC.
Tỉnh phải lấy tiền từ ngân sách ứng cho công nhân
Trách nhiệm giải quyết chính sách đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn?
- Khoản 2 Mục III Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định:           
a) Căn cứ hồ sơ về doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, căn cứ vào sổ sách kế toán và các tài liệu có liên quan, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính có trách nhiệm xác định người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp, trong đó xác định cụ thể tiền lương còn nợ của từng người lao động.
b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh số tiền cần ứng từ ngân sách địa phương để trả nợ lương của người lao động, kèm theo danh sách nợ tiền lương của từng người lao động để Chủ tịch tỉnh quyết định ứng ngân sách địa phương trả trước cho người lao động.
c) Chủ tịch tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận tiền tạm ứng từ ngân sách địa phương để tổ chức chi trả nợ lương cho người lao động và báo cáo UBND cấp tỉnh. Giao Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc xử lý tài sản của doanh nghiệp để hoàn trả khoản tạm ứng từ ngân sách địa phương.
Biện pháp xử lý chủ doanh nghiệp bỏ trốn dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ?
- Luật Doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau:
+ Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;
+ Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục;
+ Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh;
+ Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết cho việc thực hiện các quy định của Luật doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không thực hiện báo cáo. 
Quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
- Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải giải thể. Khi giải thể, thì các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán đầu tiên. Nếu doanh nghiệp không thanh toán thì người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.
Người lao động khi bị nợ lương có thể nộp đơn yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp?
- Theo quy định của Luật Phá sản 2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, thì “Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.  
Quyền được thanh toán lương của người lao động khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản?
- Khoản 1 Điều 53 Luật phá sản 2014 quy định: “Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ”.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm