Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam bị tố “ăn chặn” tiền trang phục

(PLO) - Hai năm liên tiếp (2012, 2013) gần 130 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam không nhận được bất cứ một khoản nào từ tiền trang phục cho cán bộ, nhân viên của trung tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, các cán bộ, nhân viên bỗng được đề nghị ký lại danh sách chi tiền trang phục để “hoàn thiện hồ sơ”…
Không công khai, minh bạch, trong các vấn đề tài chính nên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phát sinh nhiều mâu thuẫn, bức xúc khiến hoạt động của Trung tâm đình trệ, không còn hiệu quả
Không công khai, minh bạch, trong các vấn đề tài chính nên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phát sinh nhiều mâu thuẫn, bức xúc khiến hoạt động của Trung tâm đình trệ, không còn hiệu quả

Có chiếm đoạt tiền quần áo của nhân viên?

Vừa qua, Báo PLVN nhận được đơn phản ánh của các cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam về các sai phạm trong hoạt động điều hành, quản lý của ông Dương Văn Quynh - Giám đốc Trung tâm VHNT Việt Nam. Theo đó,  nhiều năm vừa qua các công nhân, viên chức tại Trung tâm vô cùng bức xúc với cách quản lý, điều hành mập mờ, không công khai, minh bạch, đặc biệt về tài chính khiến nội bộ cơ quan rối loạn, xảy ra nhiều tranh chấp, mâu thuẫn…Đặc biệt, việc các công nhân,  viên chức của Trung tâm không nhận được tiền quần áo năm 2012, 2013.

Năm 2014, sau khi Đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT&DL tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của Trung tâm, những người lao động ở đây mới biết rằng trong năm 2012-2013 Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt các khoản chi tại Trung tâm, trong đó có các khoản chi tiền trang phục cho cán bộ, công nhân, viên chức của Trung tâm là 5 triệu đồng/người. Tổng cộng số tiền chi hỗ trợ lần lượt: năm 2012 là 596.037.000 đồng, năm 2013 là 610.250.000 đồng.

Cũng theo phản ánh của người lao động tại Trung tâm VHNT Việt Nam, năm 2013 khi các cán bộ, nhân viêc thắc mắc về tiền trang phục năm 2012 trong các cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hoa, lúc đó đang là Chủ tịch Công đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT), Phó Giám đốc Trung tâm VHNT Việt Nam đã yêu cầu kế toán trưởng phải  trả lời những thắc mắc về tiền trang phục, thì kế toán trưởng trả lời rằng: “Năm 2013 là năm có nhiều khó khăn, quỹ phúc lợi bị âm 700 triệu đồng nên phải cắt tiền quần áo”. Năm 2013, các cán bộ, nhân viên tiếp tục không nhận được tiền hỗ trợ đồng phục và lần này lý do chính đáng cũng được đưa ra là: thu không đủ chi, chính sách thuế đột biến…

Tại tiểu mục 3.2 Kết luận số 80/KL-TTr của Thanh tra Bộ VHTT&DL nêu rõ: xác minh cho thấy Trung tâm đã chi trả tiền quần áo đồng phục với mức 5 triệu đồng/ người/ năm theo Quy chế chi tiêu nội bộ. Trong đó, năm 2012 là 596.037.000 đồng, năm 2013 là 610.250.000, có chứng từ kèm theo”. Như vậy, khoản chi quần áo đã được triển khai và không liên quan đến việc làm ăn thua lỗ  của Trung tâm trong năm 2012 như thông báo của kế toán trưởng.

Ông  Nguyễn Thế Lực – Phụ trách Phòng bảo vệ Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam lại cho biết, các chứng từ ký nhận tiền quần áo năm 2013 mà các cán bộ, nhân viên của phòng ông ký đều là ký khống để hợp lý hóa hồ sơ.“Tôi được gọi lên ký nhận tiền giúp anh em trong phòng bảo vệ. Lúc đó, tôi được kế toán trưởng và thủ quỹ là bà Trần Thị Hoàng Yến đề nghị ký vào phiếu chi cho 16 nhân viên phòng bảo vệ, mỗi nhân viên 5 triệu đồng. Bà Yến nói với tôi đây là tiền phụ cấp thêm thay thế cho tiền quần áo, ký vào đây rồi sẽ chuyển khoản cho từng người…Tuy nhiên, từ đó cho đến nay chúng tôi không hề nhận được đồng nào? Bức xúc nhất là khi anh em trong phòng thắc mắc thì kế toán, giám đốc lại đổ cho tôi đã ký nhận, đòi tiền quần áo thì gặp tôi mà lấy… trong khi tôi không hề nhận được một đồng nào… ” - anh Lực bức xúc cho biết.

Một cán bộ của Trung tâm cho biết thêm rằng: “Bức xúc trước sự mập mờ trong tài chính, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã làm đơn tố cáo đề nghị thanh tra vào cuộc làm rõ vấn đề này…Tuy nhiên, đoàn thanh tra do ông Phạm Xuân Phúc làm tổ trưởng lại không tập trung giải quyết vấn đề đang gây bức xúc là “tiền quần áo năm 2012-2013 đang ở đâu và ai sử dụng?” mà lại cho thủ quỹ của Trung tâm đi lấy chữ ký từng người lao động vào danh sách đã nhận tiền quần áo các năm 2013, 2014, 2015, 2016. Vậy, phải chăng tổ công tác đó đang cố tình bao che, tạo điều kiện hợp lý hóa hồ sơ?”.

3 năm không  khắc phục khuyết điểm

Mặc dù đã được các đoàn thanh tra kiểm tra, nhắc nhở kiến nghị, ra các thông báo như Kết luận số 80/KL-TTr ngày 5/9/2014  và Thông báo số 39/TB/UBKT ngày 4/5/2015 nhưng giám đốc Trung tâm VHNT Việt Nam vẫn không thực hiện, chống chế khiến hoạt động của Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam không còn hiệu quả, nảy sinh nhiều tiêu cực, mâu thuẫn…

Cụ thể, tại Kết luận số 80/KL-TTr của Thanh tra Bộ VHTT&DL đánh giá việc ông Dương Văn Quynh  - Giám đốc Trung tâm VHNT Việt Nam không công khai, minh bạch nên dẫn đều nhiều hiểu lầm, mâu thuẫn. “Với  cương vị là giám đốc trong quá trình triển khai, ông Quynh còn có những lúng túng trong quản lý, điều hành đơn vị. Không phát huy được vai trò tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Tại một số hội nghị, không thể hiện sự mạch lạc, rõ ràng giữa các nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác xây dựng Đảng của Trung tâm…” – bản kết luận viết.

Từ những phân tích, đoàn thanh tra đã đưa ra kiến nghị đối với ông Quynh cần nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, điều hành đơn vị, cần đổi mới tác phong làm việc. Duy trì thực hiện chế độ giao ban lãnh đạo, chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tiến hành. Phải phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt Đảng… đặc biệt cần công khai, minh bạch nguồn thu để điều chỉnh thu nhập tăng thêm theo mức lương tối thiểu hiện hành, cần thông báo công khai để cán bộ, công nhân viên biết…

Thông báo số 39/TB/UBKT của Đảng ủy Bộ VH-TT&DL nêu rõ đề nghị ông Quynh nghiêm túc rút kinh nghiệm về phương pháp làm việc, nêu cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách để phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể cấp ủy trong triển khai công tác tại cơ quan, đơn vị…

Tuy nhiên, ông Quynh với vai trò là Giám đốc Trung tâm, Bí thư Đảng ủy Trung tâm nhưng không triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc… Đã hơn 5 lần UBKT Đảng ủy Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ VH-TT&DL nhắc nhở, yêu cầu ông Quynh thực hiện nghiêm túc hai kết luận trên, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Ngoài những sai phạm trong quản lý tài chính, các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm VHNT Việt Nam còn tố cáo nhiều vấn đề mập mờ khác như: cho thuê mặt bằng tràn lan; mua bán, thuê mướn vật tư không xuất nhập kho khi tổ chức triển lãm trong và ngoài nước; tuyển dụng lao động bừa bãi; không tiếp thu và kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW4/Khóa XII…

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Đọc thêm