Hà Nam: Nhiều nghi vấn cần phải được làm rõ trong một vụ án

(PLO) - Trong vụ án Trần Nam Giang (SN 1990) “Cố ý gây thương tích” đối với ông Trần Văn Môn (SN 1942) xảy ra tại xã Hưng Công (huyện Bình Lục, Hà Nam), đã có những dấu hiệu cho thấy các cơ quan tố tụng huyện Bình Lục dựa vào những lời khai mâu thuẫn với hiện trường vụ án để kết tội?

Ông Trần Văn Môn tiếp phóng viên.
Ông Trần Văn Môn tiếp phóng viên.

Lời khai mâu thuẫn với hiện trường?

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin trong bài viết: Dấu hiệu bỏ lọt nhân chứng trong một vụ án tại huyện Bình Lục, Hà Nam? Theo đó, chiều ngày 20.1.2014, gia đình ông Đỗ Đình Thất trú tại thôn Thưa, xã Hưng Công làm cỗ cuới cho con trai. Đến khoảng 18h30 xảy ra xô xát giữa Trần Nam Giang (thôn Bùi, bạn chú rể) với Lê Hồng Khuê (thôn Hàn Mạc) dẫn đến ông Trần Văn Môn (thôn Thưa) bị thương phải đưa đi viện cấp cứu.
3 ngày sau, đại tá Đinh Văn Bích – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA huyện Bình Lục đã ký QĐ số 11 “Khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 20.1.2014 tại thôn Thưa, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam”. 
Trước đó, ngay khi ông Trần Văn Môn còn đang trong tình trạng “đau đầu, chóng mặt” nằm tại BV đa khoa Hà Nam Cơ quan CSĐT CA huyện Bình Lục đã vào tận nơi để lấy lời khai. Theo Biên bản ghi lời khai lúc 16h ngày 21.1.2014 do Điều tra viên Tống Đức Thu (ông Thu sau này được phân công thụ lý chính vụ án) thực hiện, sau khi ăn cỗ cưới xong, ông Môn và ông Hiền (Trần Minh Hiền, thôn Hàn Mạc) đi ra bàn nước trước cổng nhà ông Thiết để uống nước. 
Ông Môn khai: “Ông Hiền đi trước còn tôi đi ngay phía sau. Lúc đó tôi cũng không để ý có chuyện gì xảy ra, chỉ thấy có một người thanh niên ở đó hắt đổ bàn và cầm một chiếc ghế đỏ vung lên đập vào một người đàn ông ngồi cạnh ngoài này nhưng không trúng. Thấy vậy thì tôi có cùng mọi người vào can ngăn thì người thanh niên kia vùng ra bỏ chạy về phía trục đường nhà văn hóa. Tôi lúc này quay lại để can ngăn thì ngay lúc này tôi nhìn thấy người thanh niên lúc nãy hất bàn và cầm ghế đập người đàn ông kia tay cầm một viên gạch đỏ ném thẳng về phía tôi, viên gạch trúng vào đầu của tôi và làm tôi bị thương và gục ngay tại khu vực bàn uống nước. Sau đó tôi không biết gì cả”. 
Theo lời khai của ông Trần Minh Hiền (thôn Hàn Mạc, tại Biên bản ghi lời khai lúc 22h ngày 20.1.2014) thì khi cùng với ông Môn ra bàn uống nước: “Tôi nhìn thấy Giang thì có nói với Giang “thằng này mày trông thấy bác mà không chào hỏi đ… gì cả”. Giang không nói gì vẫn ngồi yên, Khuê đang ngồi cạnh Giang thì có dùng tay vỗ nhẹ vào vai Giang và nói “Bác mày hỏi như vậy mà mày không nói gì à”. Ngay lập tức Giang đứng dậy hất cái bàn nước… Mọi người lúc này đứng lên can ngăn Giang nhưng Giang không nghe mà chạy lại gốc cây sanh nhặt một viên gạch rồi đi ra giữa ngõ ném thắng về phía Khuê. Nhưng do lúc đó ông Môn đang đứng can ngăn Giang nên viên gạch trúng vào chán ông Môn”. 
Tương tự lời khai của ông Hiền còn có lời khai của ông Nguyễn Văn Dĩnh (thôn Hàn Mạc, tại Biên bản ghi lời khai lúc 22h ngày 20.1.2014) và lời khai của người đã xô xát với Trần Nam Giang là Lê Hồng Khuê (tại Biên bản ghi lời khai lúc 9h ngày 21.1.2014). 
Lời khai ban đầu của nạn nhân và 3 nhân chứng đều có điểm giống nhau là Trần Giang Nam đã hất bàn, ném ghế và bỏ chạy ra gốc cây sanh nhặt gạch… Tuy nhiên, khi PV đối chiếu lời khai của nạn nhân và các nhân chứng với Biên bản khám nghiệm hiện trường được Cơ quan CSĐT CA huyện Bình Lục lập hồi 21h30 ngày 20.1.2014 thì bàn uống nước nơi xảy ra sự việc được kê giữa hai bồn cây sanh, hai đầu bàn chỉ cách hai bồn cây có khoảng 30 cm. Như vậy, không thể có chuyện Trần Giang Nam phải “chạy” ra bồn cây sanh nhặt gạch.(?!)
Ngày 25.1.2014 ông Môn thấy khỏe và đòi ra viện. Ngày 7.2.2014 trong Bản tự khai ông Trần Văn Môn thuật lại sự việc như sau: “Khi tôi bước xuống đường bê tông thì thấy một chiếc bàn uống nước tại đó bị hất lên và có mấy người đang ôm giằng co một người khác. Khi tôi bước qua cổng đến bàn nước thì bị một vật cứng ném vào đầu thế là tôi bị choáng”.
Tại các Biên bản ghi lời khai của cơ quan điều tra sau khi ra viện, ông Môn vẫn tiếp tục khẳng định nhìn thấy có người ôm nhau giằng co trước khi bị trúng gạch vào đầu.  
Không những ông Môn thay đổi lời khai mà các ông Trần Minh Hiền, Nguyễn Văn Dĩnh cũng thay đổi lời khai và đều khẳng định Trần Giang Nam không hề cố ý ném viên gạch vào ông Môn mà gạch văng ra khỏi tay Nam do có người ôm can ngăn. 
Tại bút lục số 185 ngày 23.7.2014 ông Trần Minh Hiền khai: “Vì trình độ văn hóa của tôi không nhiều nên tôi đã nghĩ hành động “ném” và “tuột tay” để văng viên gạch vào đầu ông Môn là như nhau nên tôi đã khai với Cơ quan CSĐT CA huyện Bình Lục là “Nam đã ném viên gạch vào đầu ông Môn”. 
Còn ông Nguyễn Văn Dĩnh cũng khẳng định, trong lúc xô xát một thanh niên là Phạm Văn Toàn đã ôm người Nam để can ngăn và trong lúc hai người ôm nhau thì viên gạch đã tuột khỏi tay Nam văng vào đầu ông Môn.
Phạm Văn Toàn (SN 1990, trú tại thôn Thưa) bạn của Nam là người ôm và can ngăn Nam.
Phạm Văn Toàn (SN 1990, trú tại thôn Thưa) bạn của Nam là người ôm và can ngăn Nam.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14.11.2014, HĐXX sơ thẩm Tòa án ND huyện Bình Lục đã không đề cập gì đến lời khai của nạn nhân Trần Văn Môn. Đồng thời tòa cho rằng việc ông Trần Minh Hiền và Nguyễn Văn Dĩnh thay đổi lời khai là “không khách quan”. 
Và mặc dù HĐXX cũng phải thừa nhận Trần Giang Nam “không mong muốn gây thương tích cho ông Môn” nhưng vẫn tuyên Nam đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” khi ném viên gạch trúng đầu ông Trần Văn Môn.(?!) 
Nhiều nghi vấn cần phải được làm sáng tỏ
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Vũ Gia Trưởng, thuộc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: Tại bản án cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Trần Giang Nam đã cố ý ném viên gạch có kích thước (19x10x7,5)cm vào vào anh Lê Hồng Khuê nhưng viên gạch đã trúng đầu ông Trần Văn Môn khiến gây ra thương tích là 25% sức khỏe cho ông Môn. Hành vi này của Trần Giang Nam đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự Việt Nam. 
Theo quan điểm của Luật sư Vũ Gia Trưởng, nhận định của bản án cấp sơ thẩm như vậy là không chính xác, thực tế hành vi của Nam chỉ là vô ý để “văng” viên gạch vào đầu ông Môn. Theo lời khai của bị cáo Nam và nhiều người làm chứng đều khẳng định là khi Nam dùng gạch để ném anh Lê Hồng Khuê, thì Nam đã được mọi người can ngăn, trong đó có một người tên là Phạm Văn Toàn chạy đến và ôm Nam từ phía sau để không cho Nam ném anh Khuê. Trong quá trình can ngăn, Toàn đã văng người Nam để định vật Nam ngã ra đường thì viên gạch đó đã “văng” ra  khỏi tay Nam và bay vào đầu ông Môn. 
Luật sư Vũ Gia trưởng cho biết thêm: Bản án sơ thẩm đã căn cứ vào Bản kết luận lại giám định pháp y về thương tích số 99/14/TgT ngày 19/09/2014 của Viện pháp Y Quốc gia (Với kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 25%) để xác định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nam. Tuy nhiên, kết quả giám định thương tích như kết luận ở trên đã chưa thực sự đáng “tin cậy” mà vẫn còn còn nhiều nghi vấn cần phải được làm sáng tỏ. 
Về quá trình giám định tỷ lệ thương tật cho ông Môn. Cơ quan giám định pháp y thuộc tỉnh Hà Nam đã từng nhiều lần “hô biến” vết thương vỡ sọ não cho ông Môn từ không thành có. Cụ thể: Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 11/14/TgT ngày 22/01/2014; Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 35/14/TgT ngày 10/03/2014; Công văn số 17/CV-PY ngày 17/7/2014 đã đều kết luận ông Môn bị chấn thương sọ não kín làm vỡ xương trán trái (Vỡ xương hộp sọ dưới 3cm – tỷ lệ thương tích là 11%); tụ máu ngoài màng cứng hố thái dương phải (Tỷ lệ thương tích là 25%), do đó tỉ lệ tổn hại sức khỏe của nạn nhân Trần Văn Môn bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 36%. 
Tuy nhiên, trong Kết luận giám định số 2490/C54(P6) của Viện khoa học hình sự Bộ Công an ngày 11/08/2014 và Bản kết luận giám định lại pháp y về thương tích số 99/14/TgT của Viện pháp y Quốc gia ngày 19/09/2014 thì đã xác định không thấy tổn thương xương sọ và không thấy hình ảnh vỡ xương (tỷ lệ thương tích do sẹo vùng trán trái là 1%); Máu tụ ngoài màng cứng, đã điều trị, không có di chứng thần kinh (tỷ lệ thương tật 24%), do đó tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 25%. Vì sao có những mâu thuẫn về kết quả giám định như ở trên, điều này đã chưa được làm rõ(?!).
Về căn cứ để giám định tỷ lệ thương tích cho ông Môn: Cơ quan giám định đã căn cứ vào kết quả Phim CT.Scanner của bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Nam (đã được dùng trong kết luận giám định ngày 22/01/2014) và Phim CT. Scanner sọ não ngày 23/01/2014 của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam để làm cơ sở để xác định tỷ lệ thương tật cho ông Môn, như vậy thì kết quả này cần phải xem xét lại, đặc biệt là đối với vết thương “Máu tụ ngoài màng cứng, đã điều trị, không có di chứng thần kinh” đã để lại tỷ lệ thương tật là 24%. Bởi vì:
Bản thân những phim chụp này đang bị “nghi ngờ” về tính chính xác, tại những phim chụp này đã thể hiện hình ảnh vơ xương sọ não của ông Môn trong những lần giám định tại cơ quan giám định thuộc tỉnh Hà Nam, nhưng khi Viện khoa học hình sự Bộ Công an và Viện pháp y Quốc gia vào cuộc tiến hành xác định lại thì không thấy hình ảnh vỡ xương(?!). Nếu dựa vào những phim chụp không chính xác để làm cơ sở giám định thì chắc chắn sẽ cho ra một kết quả không chính xác. 
Đối với tổn thương “Máu tụ ngoài màng cứng hố thái dương phải” đối với ông Trần Văn Môn. Theo kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an và Viện pháp y Quốc gia đã xác định nếu căn cứ vào Phim chụp cắt lớp sọ não ông Môn ngày 12/06/2014 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì đã xác định không thấy có hình ảnh máu tụ. Vậy cơ sở chính xác nào để xác định cho tỷ lệ thương tật này, đây là điều cũng chưa được làm rõ(?!).
Qua đây cho thấy việc nghi ngờ vào những kết quả giám định là có cơ sở, do đó việc cần xem xét lại kết quả giám định thương tích cho ông Môn và việc kiểm chứng lại tính tin cậy của các Phim chụp CT.Scanner sọ não cho ông Môn mà bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam đã chụp để dùng làm cơ sở cho các lần giám định là cần thiết. Hiện nay các phim chụp này đang ở đâu, vì sao lại có sự sai lệch về tính chính xác như vậy? Trách nhiệm thuộc về cá nhân tổ chức nào?!.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc này...
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm