Hà Nội: Cùng Tòa án, ra hai phán quyết trái ngược nhau

(PLO) - Đang có “yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà đất”, ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1963, trú ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chuyển yêu cầu khởi kiện thành “đòi tài sản”. Tuy cho rằng bản chất, chủ thể, đối tượng tranh chấp này “vẫn là một” nhưng TAND quận Ba Đình đã có một phán quyết trái ngược với phán quyết cách đó 2 năm?

Nhà đất tại số 70 tổ 5, K36 phường Ngọc Hà đang chờ phán quyết của Tòa cấp phúc thẩm.
Nhà đất tại số 70 tổ 5, K36 phường Ngọc Hà đang chờ phán quyết của Tòa cấp phúc thẩm.
Cần làm rõ hợp đồng giả tạo hay không?
Tại đơn khởi kiện ban đầu (tháng 12/2010) gửi đến TAND quận Ba Đình, ông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày việc ông đã mua nhà của bà Nguyễn Thanh Hương (SN 1963) tại địa chỉ số 70, tổ 5, K36 phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội với giá 1,3 tỷ đồng. Hai bên ký hợp đồng mua bán ngày 15/7/2010 tại Phòng Công chứng Thái Hà và đến ngày 8/9 thì làm xong thủ tục sang tên nhà đất. Cho rằng bà Hương đã không giao nhà theo đúng giấy xin “gia hạn ở”, ông 
Hùng khởi kiện đề nghị bà Hương phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà và giao trả nhà cho ông. Nếu bà Hương và các anh chị em muốn giữ lại nhà thì phải trả số tiền trị giá nhà theo giá thị trường hai bên thỏa thuận.
Trong khi đó, bà Hương phủ nhận nội dung trên và cho hay mình chỉ vay tiền ông Hùng (thế chấp sổ đỏ) chứ không bán nhà. Hợp đồng mua bán nhà với ông Hùng là hợp đồng “treo” và thời điểm ký hợp đồng thì sổ đỏ đang được bà thế chấp vay tiền của ông Phạm Văn Hiếu. Vì vậy, bà Hương không chấp nhận trả nhà và đề nghị Tòa giải quyết theo pháp luật.
Xử sơ thẩm lần 1, TAND quận Ba Đình cho rằng việc bà Hương được các thành viên trong gia đình làm hợp đồng tặng cho nhà đất là không hợp pháp (thiếu người được hưởng thừa kế theo di chúc và bố bà Hương viết di chúc định đoạt tài sản chung khi chưa hết thời hiệu chia di sản của vợ), dẫn đến việc mua bán nhà giữa bà Hương và ông Hùng cũng không hợp pháp. Vì vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Hùng.
Khi xét xử phúc thẩm, TAND TP.Hà Nội cho rằng tòa cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có thuộc trường hợp giả tạo nhằm che đậy việc vay nợ giữa hai bên hay không; chưa lấy lời khai của một số nhân chứng để làm rõ vấn đề: tại sao ngày 17/5/2010, ông Hiếu và bà Hương mới lập văn bản huỷ hợp đồng mua bán nhà đất mà ngày 15/5/2010 (trước đó 2 ngày- PV), Văn phòng Công chứng Thái Hà đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa bà Hương và ông Hùng. 
Những người đồng thừa kế bị mất quyền lợi?
Trong khi chờ xét xử sơ thẩm lại thì ngày 5/5/2014, ông Hùng đã có đơn thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện thành “yêu cầu đòi tài sản” là nhà đất tại số 70 tổ 5, K36 phường Ngọc Hà. Tại phiên xử sơ thẩm lần 2 (ngày 19/9/2014) HĐXX TAND quận Ba Đình đã chấp nhận việc thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện này vì cho rằng bản chất “yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà đất” và “yêu cầu đòi tài sản” vẫn là đòi tài sản và các chủ thể tham gia giao dịch về tài sản, đối tượng giao dịch vẫn là một, không làm phát sinh các quan hệ dân sự khác, không thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự, không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu…
Về nội dung tranh chấp, HĐXX sơ thẩm cho rằng có đủ cơ sở để xác nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất ký ngày 15/5/2010 tại Văn phòng Công chứng Thái Hà giữa bà Hương và ông Hùng đã có hiệu lực nên đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hùng.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên: giải quyết bằng vụ án khác nếu những người cùng hàng thừa kế với bị đơn và những người cùng cư trú tại nhà số 70, tổ 5, K36 Ngọc Hà có tranh chấp và yêu cầu khởi kiện về việc chia tài sản chung, thanh toán giá trị tài sản, công sức đóng góp trên tổng số tiền chuyển nhượng.
Về phán quyết này, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi) cho rằng, việc HĐXX thừa nhận quyền đòi “chia tài sản chung” của những người cùng hàng thừa kế với bà Hương ở nhà đất tranh chấp như trên chứng tỏ: nếu một mình bà Hương định đoạt (bán) nhà, đất (là tài sản chung) mà không có sự đồng ý của những người này là không hợp pháp, hợp đồng bị vô hiệu một phần. Tại sao HĐXX vẫn công nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa bà Hương và ông Hùng có hiệu lực?
“Đáng lẽ Tòa phải giải quyết luôn quyền lợi của những đồng thừa kế với bà Hương trong vụ án này. Còn nếu Tòa đã tuyên nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Hùng rồi thì sau này làm sao những người đồng thừa kế với bà Hương có thể đòi “chia tài sản chung” ở phần nhà đất này được ?” – LS Thành có quan điểm.
Ngoài ra, LS Thành cũng cho rằng việc TAND quận Ba Đình thừa nhận nguyên đơn đã được UBND quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không đưa cơ quan này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định. Việc HĐXX cho rằng “nội dung đĩa CD (do bị đơn cung cấp-pv) rất ồn, rè, nghe không rõ và không thể xác định giọng nói của ai” là thiếu khách quan vì đúng ra, HĐXX cần phải tiến hành trưng cầu giám định để có kết luận một cách rõ ràng về chứng cứ này. 
Thay đổi yêu cầu khởi kiện có đúng quy định? Xét xử lần 2, TAND quận Ba Đình đã có phán quyết trái ngược hoàn toàn với vụ kiện thụ lý năm 2012 mặc dù theo HĐXX thì bản chất, chủ thể, đối tượng tranh chấp này “vẫn là một”. 
Nhưng LS Thành cho rằng, hai yêu cầu khởi kiện trên thể hiện hai quan hệ pháp luật hoàn toàn khác nhau, điều chỉnh bằng những quy định pháp luật khác nhau. Chưa kể việc nguyên đơn trước đây còn yêu cầu, nếu bị đơn không chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng thì phải thanh toán trị giá ngôi nhà là 1,75 tỷ. 
Còn đơn khởi kiện bổ sung thì chỉ “yêu cầu đòi nhà”. Ngôi nhà được định giá hơn 2,1 tỷ đồng, tức là ông Hùng đã có yêu cầu tăng 350 triệu đồng so với ban đầu.

Đọc thêm