Hà Nội: Một gia đình nghèo thêm khó khăn vì chính quyền tắc trách

(PLO) - Một quyết định ban hành trái pháp luật bị khiếu nại hơn 14 năm không được UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) giải quyết. Không những thế, chính quyền xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) còn lạm quyền khi tự cưỡng chế quây tôn để “quản lý” thửa đất tranh chấp, khiến cho người dân nghèo mất đi sinh kế, cuộc sống khốn đốn.
Quyết định của UBND huyện Gia Lâm khiến hơn 14 năm nay anh em ông Chỉnh khốn đốn
Quyết định của UBND huyện Gia Lâm khiến hơn 14 năm nay anh em ông Chỉnh khốn đốn

Cấp huyện “ngâm” khiếu nại, cấp xã lạm quyền

Báo PLVN đã có bài phản ánh về việc UBND huyện Gia Lâm “ngâm” khiếu nại của người dân 14 năm không giải quyết. Đến khi phải trả lời người dân thì cơ quan này lại lấy cớ là hết thời hiệu giải quyết để duy trì một quyết định không đúng pháp luật, làm khổ người dân suốt gần 2 thập kỷ qua. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang giao cho các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ sự việc này.

Trở lại vụ việc, từ năm 1956, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dậu cùng 2 hộ gia đình khác là Nguyễn Quang Lựu và Đào Tiến Thọ được chính quyền giao cho một chiếc ao có diện tích 380m2, vốn là tài sản của địa chủ trước đây. Các gia đình đã sử dụng chiếc ao này liên tục từ đó cho đến thời điểm này. Riêng gia đình ông Lựu, do chuyển nơi cư trú nên sau một thời gian sử dụng, gia đình ông này đã giao cho người nhà là ông Đào Tiến Ve quản lý phần đất ao được chia.

Sau đó, gia đình ông Ve lại chuyển quyền cho gia đình bà Nguyễn Thị Chi tiếp tục sử dụng. Năm 1997, ông Lựu trở về quê và đòi quyền sử dụng đối với phần đất ao, làm phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất với gia đình bà Chi.

Để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông Lựu và gia đình bà Chi, ngày 4/2/2002, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UB bác khiếu nại đòi quyền sử dụng đất của ông Lựu vì lý do trong suốt một thời gian dài, nhiều lần Nhà nước kê khai sử dụng đất nhưng gia đình ông Lựu không kê khai và đăng ký sử dụng thửa đất này. 

Nhưng điều bất ngờ là tại Điều 2 Quyết định số 63/QĐ-UB,  UBND huyện Gia Lâm kèm thêm nội dung “thu hồi toàn bộ thửa đất 380m2” (tức diện tích ao cũ), trong đó có cả diện tích đất không có tranh chấp mà gia đình ông Dậu đang sử dụng. Việc thu hồi đất này khiến các con ông Dậu là ông Nguyễn Văn Chỉnh, ông Nguyễn Văn Chiến “chết đứng” vì mảnh đất mà bố ông đã sử dụng gần nửa thế kỷ, không tranh chấp bỗng dưng bị thu hồi mà không có lý do.

Giải quyết tranh chấp bằng việc thu hồi đất mà người dân sử dụng hợp pháp có lẽ là điều “chưa có tiền lệ” ở Hà Nội. Cơ quan tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm ban hành quyết định lạ trên là UBND xã Ninh Hiệp và Thanh tra huyện Gia Lâm. Trong quyết định “trái khoáy” số 63/QĐ-UB, UBND huyện Gia Lâm giao cho UBND xã Ninh Hiệp quản lý diện tích đất ao đã thu hồi.

Mặc dù Quyết định số 63 bị khiếu nại, UBND xã Ninh Hiệp vẫn tiến hành “quản lý” bằng việc chia lại đất cho chính các hộ dân đang sử dụng. Tức là sau khi tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm thu hồi cái ao, UBND xã Ninh Hiệp đã đem cái ao ra chia lại cho các hộ đang sử dụng. Trước đây, cái ao được chia 3, dọc theo con đường chính, nay được UBND xã Ninh Hiệp chia 3 theo cách chia ngang, để cho gia đình bà Chi được sử dụng một phần đất mặt tiền của con đường chính, nơi buôn bán sầm uất nhất chợ Ninh Hiệp. 

Thế nhưng, do chính quyền xã Ninh Hiệp chia đất trên giấy nên thực tế, các gia đình vẫn sử dụng đất như trước khi diện tích đất ao bị UBND huyện Gia Lâm thu hồi. Tuy nhiên, tranh chấp trước đây chỉ xảy ra với 2 hộ gia đình, nay đã kéo thêm gia đình ông Dậu. 

Sửa sai phải sửa từ gốc

Phần diện tích đất của ông Dậu hiện do hai người con trai của ông quản lý, sử dụng. Trong đó, gia đình ông Chỉnh với 4 nhân khẩu sống dựa vào thửa đất này. Mặc dù sống tại nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất khu vực (chợ vải Ninh Hiệp) nhưng hộ gia đình ông Chỉnh lại thuộc đối tượng nghèo nhất. Cả gia đình ông cư trú trong một căn nhà tạm, chưa đến 4m, chỉ đủ kê một chiếc giường ngay tại thửa đất ao này. Phần diện tích đất còn lại được sử dụng làm bãi trông xe cho khách vào chợ. Đây cũng là kế sinh nhai của gia đình anh em ông Chỉnh.

Thế nhưng, ngày 10/2/2017, UBND xã Ninh Hiệp đã huy động lực lượng đông đảo đến “cưỡng chế” quây toàn bộ diện tích đất mà gia đình ông Chính đang sử dụng. Cái cớ mà UBND xã Ninh Hiệp đưa ra là “áp dụng biện pháp quản lý nhà nước” bằng cách quây, rào diện tích đất ao mà hai gia đình chưa thống nhất với cách chia của UBND xã trước đây. Vậy là kế sinh nhai của hộ gia đình ông Chính đã bị chặn lại, khiến cho gia đình nghèo này lại nghèo thêm.

Việc làm này của UBND xã Ninh Hiệp cho thấy có sự lạm quyền từ phía chính quyền cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại của người dân và là hậu quả từ việc thực hiện Quyết định số 63/QĐ-UB mà UBND huyện Gia Lâm ban hành từ năm 2002.

Theo Luật sư Lê Văn Kiên (Đoàn Luật sư Hà Nội), có rất nhiều cái sai liên tiếp trong vụ việc này. Thứ nhất, việc UBND huyện Gia Lâm giải quyết tranh chấp đất đai của hai hộ gia đình ông Lựu, bà Chi nhưng lại thu hồi đất sử dụng hợp pháp của gia đình ông Dậu là hoàn toàn không đúng pháp luật.

Thứ hai, việc UBND xã được tự ý chia đất cho các hộ dân đang có tranh chấp khi khiếu nại chưa được giải quyết xong là không có căn cứ. Đây chính là nguyên nhân làm cho việc sử dụng đất từ chỗ không có tranh chấp đã trở thành có tranh chấp. Và, đặc biệt là việc UBND xã Ninh Hiệp tự ý quây tôn để thực hiện “quản lý nhà nước” đối với diện tích đất đang có tranh chấp, không phải đất công là không đúng thẩm quyền.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã tiếp nhận và giao cho Sở Tài nguyên Môi trường xem xét, báo cáo về trường hợp khiếu nại đặc biệt này để giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất. 

Trước vụ việc này, Luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, sau khi UBND TP Hà Nội có chỉ đạo giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 63/QĐ-UB của UBND huyện Gia Lâm thì cơ quan chức năng cần làm rõ những nội dung không đúng pháp luật của Quyết định nêu trên cũng như kết luận rõ những việc làm của chính quyền cơ sở là có căn cứ hay không. Nhưng ngay lúc này, cần phải xử lý hậu quả của việc UBND xã Ninh Hiệp lạm quyền, quây tôn thửa đất, làm mất sinh kế của người dân nghèo.

Đọc thêm