Hà Tĩnh: Chính quyền bảo hộ độc quyền?

(PLO) - Trong khi UBND tỉnh Hà Tĩnh giải thích việc đình chỉ triển khai cơ sở chế biến chè ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn là để đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu thụ và chất lượng chè thì chủ nhà máy này - Kỹ sư nông nghiệp Phạm Đăng Khoa - lại cho rằng hành xử của chính quyền là nhằm bảo hộ độc quyền cho Cty CP Chè Hà Tĩnh.
Cty CP Chè Hà Tĩnh là đầu mối duy nhất thu mua chè của nông dân trồng chè ở Hương Sơn
Cty CP Chè Hà Tĩnh là đầu mối duy nhất thu mua chè của nông dân trồng chè ở Hương Sơn
Nhà máy “nhảy dù”? 
Mặc dù nhà máy chế biến chè có công suất khiêm tốn được xây dựng trên chính nền đất vườn đồi của gia đình kỹ sư Khoa, đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thẩm định trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho triển khai nhưng rốt cục vẫn bị chính quyền coi là nhà máy “nhảy dù”. 
Thậm chí, sự việc còn được đẩy lên mức căng thẳng hơn khi nhà máy được ông Khoa đầu tư gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn vay bị quy kết là “thủ phạm” sẽ phá nát quy hoạch ngành chè Hà Tĩnh. Trong khi một quy hoạch mới toanh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 được UBND tỉnh này ban hành cùng thời điểm xảy ra sự việc lại khuyến khích, kêu gọi, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến các sản phẩm chè trên địa bàn nhằm giải quyết đầu ra cho người trồng chè. 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh, một trong những lý do được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra để đình chỉ hoạt động của nhà máy chè này là do không nằm trong quy hoạch theo Quyết định 1744 ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh và chưa có vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất chứ không có chuyện ngăn cấm người dân đầu tư, làm giàu.     
Tuy nhiên, về lý do của tỉnh, ông Khoa cho biết trước khi làm ông đã tham khảo một số mô hình ở địa phương khác và thấy nhiều nơi chính quyền họ khuyến khích nông dân có điều kiện đầu tư vào nông nghiệp và thực tế họ đã triển khai có hiệu quả nên mới về mạnh dạn vay vốn để làm. Ông cho biết, nếu không được Ban Quản lý cấp giấy phép thì ông đã không dám xây dựng nhà máy, để nay rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”. 
Cũng theo ông Khoa, liên quan tới vùng nguyên liệu, trước khi xin cấp phép ông đã ký hợp đồng với 50 hộ gia đình (vườn chè là tài sản của họ), nhưng vì lý do nào đó UBND xã Sơn Kim 2 lại gây khó dễ, không chịu xác nhận các hợp đồng này. 
“Tôi làm nhiều tờ trình đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ nhưng họ chẳng đoái hoài. Khó quá, tôi phải lặn lội đi tìm vùng nguyên liệu ở xã khác, đến nay tôi đã ký được khoảng 8,3 ha của bà con ở xóm Hồ Sen, xã Sơn Tây và được UBND xã này xác nhận. Đến giờ tôi cũng hoang mang không biết có sai hay không và nhà máy chế biến này có được hoạt động không. Mong UBND huyện sớm trả lời đơn khiếu nại để tôi có cơ sở thực hiện quyền khởi kiện của mình”- ông Khoa nói.     
Không chuyển đổi sẽ “trảm”
Được biết, hiện ở Hà Tĩnh mới có 3 nhà máy chế biến chè, trong đó có 2 nhà máy của Cty CP Chè Hà Tĩnh và một nhà máy chế biến của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) (Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh). Tại huyện Hương Sơn, đơn vị duy nhất được phép thu mua chè búp tươi của các hộ gia đình là Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh). 
Trong quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015 định hướng đến 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khá mập mờ khi không quy định rõ ràng là cấm mở thêm các cơ sở chế biến chè mà chỉ đề cập chung chung: “Đầu tư nâng cấp xưởng chè cho 3 Xí nghiệp Chè Tây Sơn, 20/4,12/9”. Rõ ràng, quy định như vậy sẽ rất có lợi cho hoạt động của Cty CP Chè Hà Tĩnh dù DN này đã cổ phần hóa 10 năm nay và Nhà nước chiếm chưa đầy 17% cổ phần.    
Theo tìm hiểu của PLVN,  nhà máy mà ông Khoa xây dựng bị đình chỉ là xuất phát từ văn bản của Xí nghiệp Chè Tây Sơn khi yêu cầu UBND huyện Hương Sơn ngăn chặn không cho mở thêm cơ sở chế biến chè trong vùng quy hoạch trồng chè công nghiệp. 
Sau khi có văn bản này, ngày 3/10/2013 UBND huyện Hương Sơn ban hành ngay Văn bản số 577 yêu cầu UBND xã Sơn Kim 2 chỉ đạo không để tổ chức, cá nhân mở các cơ sở chế biến không gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
Sau đó, UBND huyện này còn có Thông báo số 121 yêu cầu xã Sơn Kim 2 và các địa phương nằm trong vùng quy hoạch chè thực hiện nghiêm túc quy hoạch chế biến chè công nghiệp. Theo chỉ đạo này thì chính quyền chỉ cho nâng cấp cơ sở chế biến tại Xí nghiệp Chè Tây Sơn, không phát triển thêm các cơ sở chế biến khác không nằm trong quy hoạch nói trên. 
Có lẽ do quy hoạch và các chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, đến xã “căng” như vậy nên nhà máy chè của hộ gia đình ông Khoa chỉ còn đường “khai tử”. Điều đó càng trở nên rõ ràng hơn khi mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo: Trường hợp ông Khoa xin chuyển đổi mục đích sử dụng cơ sở sản xuất chế biến chè sang mục đích khác (trừ chế biến chè) thì các cơ quan liên quan sẽ hướng dẫn ông làm thủ tục, còn trường hợp ông không chuyển đổi thì UBND huyện Hương Sơn phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện cưỡng chế tháo dỡ.

Đọc thêm