Hà Tĩnh: Hơn thập kỷ đi “đòi” danh hiệu liệt sỹ cho người thân

(PLO) - Đang được công nhận là liệt sỹ thì đột nhiên bị cắt, khiến người cháu ở độ tuổi xưa nay hiếm hơn 15 năm “đội” đơn đi đòi danh dự cho người chú hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…
Ông Lê  Văn Trình trình bày sự việc với phóng viên Báo PLVN
Ông Lê Văn Trình trình bày sự việc với phóng viên Báo PLVN

Bỗng dưng bị “cắt” chế độ liệt sỹ

Theo trình bày của ông Lê Văn Trình (68 tuổi, trú tại thôn Trường Tỉnh, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông là cháu ruột và là người trực tiếp thờ cúng Liệt sỹ Lê Văn Biểu (Biển). 

Ông Lê Văn Biểu sinh năm 1921, nhập ngũ tháng 11/1945, hy sinh ngày 17/6/1946, tại mặt trận Liên khu V (tỉnh Bình Định). Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Biểu được phong tặng Bằng Tổ quốc ghi công (trên Bằng Tổ quốc ghi công có tên Liệt sỹ Lê Văn Biểu và tên bố mẹ ông Trình là ông Lê Văn Tám, bà Nguyễn Thị Vân) vì lúc đó ông bà của ông Trình tức là bố mẹ ruột của Liệt sỹ Lê Văn Biểu đã mất. Sau đó, ông Trình là người đã thờ cúng, hương khói Liệt sỹ Lê Văn Biểu.

Từ năm 1946 đến năm 1999, gia đình ông Trình luôn được hưởng chế độ hương khói của gia đình có liệt sỹ. Tuy nhiên, đầu năm 2000 không rõ vì lý do gì gia đình ông Trình nhận được thông báo Liệt sỹ Lê Văn Biểu chỉ là tử sỹ và không còn được hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ như trước. Vì vậy, trong nhiều năm liền gia đình ông Trình làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét khôi phục lại danh hiệu, chế độ cho ông Lê Văn Biểu.

Ông Trình cho rằng, chú của ông là liệt sỹ, điều này được nhiều người liên quan xác nhận và các hồ sơ này ông đều đã gửi cho các cơ quan chức năng từ sau khi danh hiệu liệt sỹ của ông Biểu bị “cắt”.

Ông Nguyễn Văn Cơ (nguyên là Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân) xác nhận, năm 1946 khi ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Xuân Trường đã nhận giấy báo tử và tổ chức lễ truy điệu cho ông Biểu tại đình xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân hiện nay. Cụ thể, ông Biểu đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Còn ông Trần Thế Tránh (nguyên Thường vụ Huyện ủy, năm 1946 là Ủy viên Ủy ban kháng chiến xã Đan Trường) cũng xác nhận, ông Lê Văn Biểu là liệt sỹ đầu tiên của xã Đan Trường.

Phải có hồ sơ “gốc” mới được công nhận!?

Về vấn đề này, thông tin từ Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân cho biết: Khi thực hiện Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 9/4/2013 về giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ, kiểm tra hồ sơ lưu tại Phòng thì trường hợp của ông Lê Văn Biểu là tử sỹ. Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân đã Có công văn đề nghị kiểm tra và được Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh trả lời: “Qua kiểm tra danh sách liệt sỹ xã Xuân Trường, không có hồ sơ liệt sỹ Lê Văn Biểu (Biển) lưu tại Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh” nên dừng tiền chế độ 27/7 và quà tết. 

“Gia đình tôi nhiều năm làm đơn đề nghị xem xét lại sự việc thì Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân trả lời trường hợp của chú tôi không có giấy tờ gốc để chứng minh là liệt sỹ. Do thời gian đã quá lâu, thiên tai địch họa, gia đình tôi để mất hết các giấy tờ liên quan. Vì vậy, gia đình tôi mong Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân, Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh, Bộ LĐTB&XH xem xét thấu đáo sự việc trả lại danh hiệu liệt sỹ cho  chú tôi bởi đây là danh dự của chú tôi cũng như gia đình, dòng họ”, ông Lê Văn Trình trao đổi với phóng viên Báo PLVN.

Thực tế cho thấy, đến nay bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ xã Xuân Trường vẫn khắc tên Liệt sỹ Lê Văn Biểu. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Trường xuất bản tháng 1/2000 cũng ghi nhận Liệt sỹ Lê Văn Biểu là một trong ba liệt sỹ đầu tiên của xã Xuân Trường. Bên cạnh đó, việc ông Biểu bị “cắt” danh hiệu liệt sỹ, Ban công tác mặt trận xóm Trường Tỉnh, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Trường đều đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét “trả lại” danh hiệu liệt sỹ cho ông Biểu. 

Đề nghị Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cũng như Bộ LĐTB&XH cần sớm vào cuộc xem xét giải quyết thỏa đáng dứt điểm vụ việc trên.

Đọc thêm