Hải Dương: Hành động gây phẫn nộ hậu vụ Chủ tịch huyện thua kiện nông dân

(PLO) - Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 5/7 vừa qua, ông nông dân tiến hành nung nốt số gạch mộc đang còn tồn đọng thì Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đã cùng các ngành chức năng của huyện và xã Đông Kỳ đến yêu cầu dừng hoạt động, đồng thời huy động máy bơm công suất lớn đến với mục đích để bơm nước dập lò nung gạch mà tuyệt nhiên không đưa được bất kỳ giấy tờ, văn bản gì.
Ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ (bên phải) đến yêu cầu ông Đạt dừng hoạt động sản xuất gạch ngày 5/7/2018
Ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ (bên phải) đến yêu cầu ông Đạt dừng hoạt động sản xuất gạch ngày 5/7/2018

Bị Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) ra quyết định về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động sản xuất gạch không đúng, nên ông Tiêu Văn Đạt (trú tại số 530, đường 391 thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã khởi kiện ra tòa án.

Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ vẫn “giao” cho cấp phó của mình chỉ đạo yêu cầu ông Đạt dừng hoạt động và bơm nước vào lò gạch.

Kiện quyết định của Chủ tịch UBND huyện

Ông Đạt cho biết, thực hiện chủ trương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trình diễn lò liên tục kiểu đứng, hiệu suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của UBND tỉnh Hải Dương và được sự đồng thuận của UBND huyện Tứ Kỳ, ông đã xây dựng Dự án lò gạch liên tục kiểu đứng tại xã Đông Kỳ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định và bắt đầu đi vào vận hành từ 1/1/2007.

Tuy nhiên, ngày 22/12/2016, ông Đạt bất ngờ nhận được Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công có xử lý bằng nước vôi trong và lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện Tú Kỳ trong đó có lò gạch của ông Đạt.

Không chấp nhận, ông đã khiếu nại và trong lúc khiếu nại chưa được giải quyết thì UBND huyện Tứ Kỳ đã tiến hành các biện pháp cưỡng chế gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho gia đình ông Đạt.

Cho rằng quyết định của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ (do ông Nguyễn Ngọc Sẫm ký) ban hành trái luật, ông Đạt đã khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương yêu cầu hủy một phần quyết định đối với phần của ông và yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại do quyết định gây ra.

Gian nan hành trình khiếu kiện

Ngày 24/8/2017, TAND tỉnh Hải Dương đưa vụ kiện “Quyết định hành chính” giữa người khởi kiện là ông Tiêu Văn Đạt và người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ ra xét xử, và quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đạt.

Không đồng tình, ông Đạt kháng cáo. Ngày 18/4/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm với nhận định: Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Chính phủ quy định: các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương phải chấm dứt hoạt động năm 2016 đối với lò thủ công, thủ công cải tiến; chấm dứt năm 2018 đối với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch. 

Tại Công văn số 969/BXD-TTr ngày 3/5/2017 của Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Hải Dương thì đối với cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh và đáp ứng quy định khác của pháp luật có liên quan, đủ điều kiện và có nhu cầu chuyển đổi sang công nghệ sản xuất vật liệu không nung thì xem xét, hướng dẫn tạo điều kiện cho các cơ sở này chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Đối với cơ sở có đủ điều kiện, dự án còn thời gian hoạt động theo giấy phép được phê duyệt và không vi phạm quy định về an toàn sản xuất, môi trường, không có nhu cầu chuyển đổi thì cho tiếp tục hoạt động theo lộ trình được UBND tỉnh, Thủ tướng phê quyệt, tạo điều kiện cho các cơ sở giải quyết tối đa số nguyên, nhiên liệu và gạch mộc tồn đọng...

Quyết định số 4434 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ là không đúng với Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Chính phủ và Công văn số 969/BXD-TTr hướng dẫn của Bộ Xây dựng và không xem xét nhu cầu của các chủ lò gạch và chính sách khuyến khích hỗ trợ...

Thông báo số 23/TB-UBND ngày 22/3/2017 của UBND huyện Tứ Kỳ “Về việc tháo dỡ lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi, lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện Tứ Kỳ” giao cho UBND xã Đại Đồng, Đông Kỳ và Tứ Xuyên thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của ông Đạt là sai”…Theo đó, HĐXX đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Đạt, sửa bản án sơ thẩm. 

Thế nhưng theo ông Đạt, sau khi bản án của TAND Cấp cao tại Hà Nội có hiệu lực, ngày 5/7 vừa qua, ông tiến hành nung nốt số gạch mộc đang còn tồn đọng thì ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đã cùng các ngành chức năng của huyện và xã Đông Kỳ đến yêu cầu ông dừng hoạt động, đồng thời huy động máy bơm công suất lớn đến với mục đích để bơm nước dập lò nung gạch mà tuyệt nhiên không đưa được bất kỳ giấy tờ, văn bản gì.

Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên, ông Hợp cho biết ông làm theo ủy quyền của ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ qua điện thoại.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.                        

Đọc thêm