Hải Phòng: Một Chủ tịch xã bị tố cáo mắc nhiều sai phạm

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn (huyện An Dương, TP Hải Phòng) bị cho là sử dụng bằng cấp có năm sinh hoàn toàn khác với các giấy tờ nhân thân hợp lệ.
Ông Lê Văn Bền bên những lá đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng
Ông Lê Văn Bền bên những lá đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng

Giấy tờ “đá” nhau

Theo đơn tố cáo ông Lê Văn Bền (thôn Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn) gửi Báo PLVN cùng các cơ quan chức năng, thì bà Lan đã sử dụng bằng cấp không hợp lệ. Theo đó, bằng tốt nghiệp Trường trung học kinh tế An Dương cấp cho bà Nguyễn Thị Lan sinh ngày 6/9/1961, ngành học kế toán; hình thức đào tạo “tại chức”; Bằng tốt nghiệp Đại học Hải Phòng cấp cho bà Lan sinh ngày 6/9/1961, chuyên ngành kỹ sư nông học, hình thức đào tạo “tại chức”. Nhưng trên thực tế, bà Lan sinh ngày 6/9/1963, chứng minh thư và sổ hộ khẩu đều ghi sinh năm 1963.

Bà Lan giải thích: “Trước đây, thầy cô giáo làm hồ sơ cho tôi như thế nào thì tôi nhận như vậy, tôi cũng không quan trọng chuyện bằng cấp nên không để tâm”. Bà Lan cho rằng từng là học sinh của Trường THPT An Dương (huyện An Dương), khóa 1978-1981, thời cô Hà Thanh làm chủ nhiệm. Xác minh thông tin tại trường -  ông Nguyễn Văn Thanh - Phó hiệu trưởng đã kiểm tra bảng điểm khóa học trên cho thấy có học sinh Nguyễn Thị Lan sinh ngày 6/9/1961, HKTT tại xã Quốc Tuấn. 

Như để minh chứng cho việc bản thân không để tâm đến chuyện bằng cấp, bà Lan nói: “Tôi mới bị mất bằng cấp 3, mà mất ở đâu tôi cũng không nhớ”.

Như vậy, bằng cấp của vị Chủ tịch xã này có phải giả mạo hay không thì chỉ có bà Lan và Phòng Nội vụ huyện An Dương mới nắm được. Phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Phức - Chánh văn phòng UBND huyện An Dương để làm rõ sự việc, nhưng nhiều tuần trôi qua vẫn không hề hồi đáp.

Bị tố cáo nhiều vấn đề khác

Không chỉ bị tố về chuyện bằng cấp, bà Lan còn bị tố ký khống hồ sơ để trục lợi từ chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn Hải Phòng. Ngày 22/7/2012, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hải Phòng đã ban hành Văn bản số 434/PA81 về việc UBND xã Quốc Tuấn khai khống diện tích đất nuôi trồng thủy sản để hưởng và sử dụng tiền sai quy định. 

Cụ thể năm 2008, sau khi có hướng dẫn từ các sở ngành về việc hỗ trợ diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản với tiêu chí diện tích liền vùng từ 3ha trở lên sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, UBND xã Quốc Tuấn lập khống hồ sơ nghiệm thu của 10 hộ sản xuất tương đương với 17ha để nhận thêm 132 triệu từ hồ sơ khai khống để chi tiêu cho các hoạt động của xã. 

Lý giải về việc này, bà Lan cho rằng: “Do khi anh em chuyển văn bản lên, tôi không xem kỹ nên đã ký. Ký xong rồi mới phát hiện là cán bộ xã lập khống”.

Gần đây nhất, bà Lan tiếp tục bị tố ký các văn bản có nhiều “khuất tất” để hợp thức hóa di chúc của bà Nguyễn Thị Ngọt (SN 1942, thôn Kiều Hạ). Theo thông báo ngày 16/9/2016, UBND xã Quốc Tuấn nhận được yêu cầu của bà Nguyễn Thị Một (SN 1954, HKTT tại TP HCM, chị họ của bà Ngọt) về việc công bố và công khai di chúc của bà Ngọt. Di chúc do bà Ngọt lập ngày 30/7/2016, chỉ vài giờ trước khi bà Ngọt mất. Bà Ngọt để lại tài sản là thửa đất số 410, tờ bản đồ số 23, diện tích 1264 m2 tại thôn Kiều Hạ 2, xã Quốc Tuấn cho bà Một quản lý và thờ cúng tổ tiên. Di chúc trên được ông Nguyễn Văn Phái, Nguyễn Văn Bên và Nguyễn Văn Thấy ký làm chứng. 

Ngày 16/9/2016, UBND xã Quốc Tuấn tổ chức cuộc họp xác định lại nguồn gốc thửa đất và tính xác thực của bản di chúc. Tại đây, những người làm chứng cam kết nội dung di chúc là đúng sự thật, người lập di chúc là bà Ngọt lúc đó trong trạng thái minh mẫn.  

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Kiều Hạ 2, xã Quốc Tuấn cùng nhiều người hàng xóm của Ngọt cho biết, bà Ngọt có những biểu hiện về thần kinh không bình thường nhiều năm nay và không kiểm soát được hành vi của mình. Những người tố cáo cho rằng điều bất thường là bản di chúc này được lập chỉ cách thời điểm bà Ngọt chết 2 tiếng, ở trong trạng thái “gần đất xa trời”, thì việc bà Ngọt còn tỉnh táo và minh mẫn để lập di chúc là một điều khó có thể tin.

Di chúc của bà Ngọt được UBND xã Quốc Tuấn công bố không chỉ tước quyền thừa kế của 2 con bà Ngọt mà định đoạt luôn phần tài sản thừa kế của chồng bà Ngọt để lại và toàn bộ số tài sản này cho chị họ của bà Ngọt quản lý. Mặc dù di chúc bị cho là có nội dung không đúng quy định của pháp luật, nhưng theo bà Lan, thì “người dân vốn thật thà, người ta gửi thế nào thì chúng tôi xác nhận vậy”.  

Theo Luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý), một bản di chúc mà người lập không còn tỉnh táo, minh mẫn, sáng suốt là một bản di chúc không có hiệu lực, vì nó không thể hiện ý chí của người để lại di sản. Nếu có bằng chứng cho thấy bà Ngọt không còn tỉnh táo khi lập di chúc hoặc không thể đọc được bản di chúc do người khác viết hộ thì việc UBND xã Quốc Tuấn công bố di chúc và mở di sản thừa kế là đã can thiệp vào một giao dịch dân sự không đúng pháp luật. 

Đọc thêm