Hải Phòng: Vì sao công trình không phép đua nhau “mọc” trên đất chùa

(PLO) - Vài tháng qua, hàng loạt các công trình xây dựng không phép “mọc” lên trên nền đất cũ của ngôi chùa Tè (thôn Tạ Ngoại 1, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo) nhưng lãnh đạo xã An Hòa vẫn để các công trình này ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận…
Toàn cảnh khu vực phục dựng chùa Tè
Toàn cảnh khu vực phục dựng chùa Tè

Dân xây chùa không phép

Ông Vũ Mạnh Kha - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, ngôi chùa Tè đã tồn tại ở khu vực thôn Tạ Ngoại 1 từ trước năm 1950. Trong kháng chiến, chùa bị phá đi. Sau đó, UBND xã An Hòa giao việc quản lý khoảng 3.300m2 đất chùa này cho ông Nguyễn Văn Đầm và Nguyễn Văn Tiến (thôn Tạ Ngoại) để trồng cây. Việc trồng cây không có hiệu quả nên một số hộ dân trong thôn đã mua đất này để chôn cất mồ mả. 

Năm 2011, xã An Hòa hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Theo đó, hơn 3.300m2 đất nói trên được phê duyệt quy hoạch là đất tôn giáo nên UBND xã An Hòa giao việc quản lý khu này cho lãnh đạo thôn Tạ Ngoại 1.

Khoảng tháng 3/2017, với mong muốn phục dựng lại ngôi chùa cũ, một số phật tử và lãnh đạo thôn Tạ Ngoại 1 là ông Phạm Văn Cường (Trưởng thôn), bà Phạm Thị Vi (Bí thư) đã tiến hành xây dựng 2 công trình nhà ba gian và một số hạng mục khác như nhà vệ sinh, nhà kho chứa đồ, tường bao trên đất. 

Ông Vũ Mạnh Kha cho biết, lãnh đạo UBND xã An Hòa không nhất trí với việc xây dựng trên bởi các công trình chưa được cấp phép xây dựng, cũng như xin ý kiến của các ban ngành huyện và TP.  Khi việc xây dựng bắt đầu tiến hành, lãnh đạo xã đã gọi ông Cường và bà Vi lên để “chấn chỉnh”, yêu cầu dừng thi công các công trình trên và nhắc nhở về tư cách đảng viên. Tuy nhiên, việc “nhắc nhở” trên cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa” bởi trên thực tế, số lượng các công trình vi phạm ngày một nhiều, trong khi chính quyền xã không có biện pháp nào để xử lý.

Trao đổi với phóng viên về thủ tục xin phép xây dựng một công trình tín ngưỡng, tôn giáo, ông Phạm Xuân Hanh - Phó trưởng phòng Nội vụ, Ban tôn giáo huyện Vĩnh Bảo cho biết: ngoài việc quy hoạch là đất tôn giáo thì khu đất phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công trình phải được cấp phép xây dựng và phải được tổ chức Giáo hội cấp trên chấp thuận bằng văn bản. Đối chiếu với các quy định đó, các công trình, hạng mục đang xây dựng tại thôn Tạ Ngoại 1 nói trên là trái phép.

Doanh nghiệp đặt trạm BTS cũng phớt lờ thủ tục

Ngày 20/6, được sự chấp thuận của bà Vi và ông Cường, một doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đã tiến hành đào móng, đổ 4 cột sắt để xây dựng trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) trong khuôn viên đất chùa. Do đây là đất tôn giáo nên vị trí xây dựng trạm BTS không nằm trong danh mục các trạm BTS được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hải Phòng đồng ý, hay nói cách khác, trạm BTS này được xây dựng không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. 

Ông Nguyễn Văn Trinh - Phó Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Bảo cho hay: năm 2015, doanh nghiệp viễn thông này đã tiến hành xây dựng trạm BTS tại nhà ông Vũ Xuân Đãn (thôn Tạ Ngoại 1). Tuy nhiên, do không được sự chấp thuận của bà con xung quanh, việc xây dựng đã phải tạm ngừng. Sau đó, doanh nghiệp đã xin ý kiến lãnh đạo thôn Tạ Ngoại 1 và được chấp thuận. Thời điểm hiện tại, trạm BTS trên chưa được UBND huyện Vĩnh Bảo cấp phép xây dựng. 

Ông Phạm Văn Cường - Trưởng thôn Tạ Ngoại 1 cũng cho biết, doanh nghiệp mới chỉ đặt vấn đề bằng “miệng” và chưa tiến hành ký kết hợp đồng với thôn. Vậy mà, việc xây dựng đã nhanh chóng được tiến hành mà không thông qua chính quyền. 

Đẩy “quả bóng” trách nhiệm quản lý về phía thôn, Chủ tịch UBND xã An Hòa Vũ Mạnh Kha khẳng định:  “Chúng tôi giao việc quản lý đất cho thôn nên không nắm được việc này. Từ khi xây trạm BTS, xã cũng chưa nhận được báo cáo từ phía thôn”?

Việc phục dựng lại ngôi chùa Tè là mong muốn chính đáng của nhân dân địa phương.  Tuy nhiên, việc phục dựng phải được tiến hành theo đúng quy định pháp luật, cần có hồ sơ thiết kế được thẩm tra, thẩm định và phải được  cấp phép xây dựng. 

Với việc xây dựng tuỳ tiện của thôn và doanh nghiệp, vi phạm quy định về quản lý đất đai nhưng UBND xã An Hòa chưa tiến hành lập bất kỳ một biên bản vi phạm hành chính để báo cáo cấp trên. Liệu lãnh đạo UBND xã An Hòa đang quên mất nhiệm vụ của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, sử dụng đất đai hay “nhắm mắt làm ngơ” để các công trình ngang nhiên tồn tại? 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm