Hải Phòng: Yêu cầu quận Kiến An làm rõ việc trục lợi trong giải phóng mặt bằng cầu vượt Đồng Khê

(PLO) - Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh có dấu hiệu trục lợi trong giải phóng mặt bằng dự án cầu vượt Đồng Khê, UBND TP Hải Phòng yêu cầu quận Kiến An kiểm tra xác minh nội dung trên và xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có)
Hải Phòng: Yêu cầu quận Kiến An làm rõ việc trục lợi trong giải phóng mặt bằng cầu vượt Đồng Khê

Ngày 24/10/2016, Báo Pháp luật Việt Nam có bài "Có dấu hiệu trục lợi từ việc giải phóng mặt bằng dự án cầu Đồng Khê", phản ánh nội dung liên quan đến việc một số hộ dân ở đường Trường Chinh (phường Quán Trữ, Quận Kiến An) cố tình lắp đặt thêm nội thất nhà để được tăng tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Phòng, hạng mục công trình cầu Đồng Khê.

Ngày 2/11/2016, UBND TP Hải Phòng có công văn số 2481/UBND-DDC2 về việc kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam. Theo nội dung công văn nêu trên, UBND TP Hải Phòng giao Chủ tịch UBND Quận Kiến An chỉ đạo, kiểm tra xác minh nội dung Báo phản ánh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có), báo cáo UBND TP và thông tin cho Báo Pháp luật Việt Nam trước ngày 15/11/2016.

Như đã phản ánh trong bài báo ra ngày 24/10/2016, sự việc có dấu hiệu trục lợi chính sách bồi thường bị bà N.T.Y (SN 1974, phường Đồng Hòa, quận Kiến An) tố giác. Đơn tố cáo đã được gửi UBND quận Kiến An và các cơ quan chức năng, với nội dung: năm 2015, bà Y được ông Nguyễn Trọng Bằng và vợ là Vũ Thị Xuân Hương (số 649 Trường Chinh, phường Quán Trữ) mời vào trang trí nội thất cho căn nhà họ đang sinh sống. Sau đó, bà Y đã lắp đặt thêm cửa gỗ, bắn mái tôn, dựng ốp mếch cho căn nhà của ông Bằng, bà Hương. Mục đích của việc lắp đặt này, theo bà Y, là để tăng tiền đền bù do căn nhà số 649 nằm trong chỉ giới thu hồi để phục vụ cho việc xây lắp cầu Đồng Khê thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. 

Sau khi đối chiếu giá trị thực đồ nội thất mà bà Y lắp đặt vào căn nhà này với số tiền được đền bù, bà Y tá hỏa khi phát hiện mọi nội thất đã được nâng lên mức giá “trên trời”. Bà Y cho rằng, chỉ bằng động tác nhỏ lắp thêm nội thất vào căn nhà, làm cầu thang, bệ bếp này, ông Bằng và bà Hương đã “trục lợi” đến gần 200 triệu đồng từ quỹ bồi thường của dự án. Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, gia đình ông Nguyễn Trọng Bằng được bồi thường giá trị nhà đất khoảng 5,7 tỷ đồng, co số được cho là cao hơn so với giá trị thị trường của căn nhà.  

Tuy nhiên, không chỉ hộ gia đình ông Bằng, bà Hương mà rất nhiều hộ gia đình kế cạnh thi nhau mời thợ đến lắp đặt thêm nội thất, sửa sang lại nhà cửa sau khi đã có thông báo thu hồi đất từ TP Hải Phòng. Từ đây mới xảy ra tình trạng các bức tường tại nhiều căn nhà thuộc diện thu hồi trên được trang trí giống nhau từ chất liệu đá, màu sắc, cách sắp xếp các viên đá.

Không chỉ lắp đặt thêm nội thất, có tới 41 hộ gia đình trên địa bàn quận Kiến An có đất nằm trong chỉ giới thu hồi để phục vụ Dự án xây lắp cầu Đồng Khê còn tiến hành cơi nới thêm. Những trường hợp này đã được lập biên bản đình chỉ và chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế.

Nhiều hộ gia đình gắn phế phẩm đá lên tường để được bồi thường tiền ốp đá
Nhiều hộ gia đình gắn phế phẩm đá lên tường để được bồi thường tiền ốp đá

Đại diện lãnh đạo quận Kiến An và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Kiến An thừa nhận có tình trạng người dân lợi dụng sơ hở của các quy định pháp luật để trục lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý tình trạng này là không thể thực hiện. Ngoài lực lượng nhân sự mỏng, theo ông Vũ Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Quận Kiến An thì nguyên nhân chính là do việc lắp đặt được triển khai một cách lén lút và vào ban đêm.

Ông Hải cho biết thêm, việc giải phóng mặt bằng để phục vụ cho xây lắp cầu Đồng Khê là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến nay của chính quyền sở tại. Từ khi có thông báo thu hồi đất vào năm 2012 đến tháng 8/2015, cơ quan chức năng mới có thể kiểm kê tài sản. Và phải đến tháng 8/2016, phương án đền bù cuối cùng mới được phê duyệt. Tất cả các ban ngành của quận, phường đã phải mất 4 năm và vận động, tuyên truyền tổng cộng 11 đợt để có thể thuyết phục được người dân chấp thuận phương án đền bù và bàn giao mặt bằng. 

Đây cũng là dự án đầu tiên của quận Kiến An cũng như TP Hải Phòng phức tạp đến mức Trung tâm phát triển quỹ đất  quận Kiến An phải ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) để giám định chủng loại gỗ, phải thuê đơn vị tư vấn để xác định loại đá ốp phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng được khách quan, chặt chẽ. UBND quận Kiến An cũng giao cho Công an quận phối hợp làm rõ các hồ sơ có dấu hiệu trục lợi.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm