Hàng loạt câu hỏi trong vụ tỉnh Ninh Bình cho doanh nghiệp thuê đất bãi bồi ven biển 70 năm

(PLO) -Một nghịch lý đang tồn tại ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Người dân mất đất liên tục đi đòi quyền lợi và đất canh tác, còn doanh nghiệp được giao đất thì hoạt động kém hiệu quả và bỏ đất hoang hóa. 
Nhiều hộ gia đình ở xã Cồn Thoi đầu tư tiền của, công sức vào đầm nuôi trồng hải sản ở bãi bồi ven biển đê Bình Minh III huyện Kim Sơn chưa được bồi thường đã giao đất cho doanh nghiệp
Nhiều hộ gia đình ở xã Cồn Thoi đầu tư tiền của, công sức vào đầm nuôi trồng hải sản ở bãi bồi ven biển đê Bình Minh III huyện Kim Sơn chưa được bồi thường đã giao đất cho doanh nghiệp

Báo PLVN đã có bài viết số ra ngày 27/5/2017 và số ra ngày 7/6/2017 phản ánh về việc “Quyền lợi của người dân phải được đảm bảo” và việc “Khuất tất trong việc cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp”. Theo đó, Người dân thì không có đất canh tác, còn doanh nghiệp được giao đất sau gần 10 năm vẫn bỏ hoang hóa, lãng phí. 

 Đến nay, UBND huyện Kim Sơn chưa có biên bản thanh lý hợp đồng về việc khai thác hải sản tự nhiên vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, chưa lập phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ trong việc đầu tư tiền của và công sức cho người dân cải tạo thùng vũng, ao hồ, nuôi trồng hải sản ở khu bãi bồi ven biển và giữ gìn bảo vệ bờ đê Bình Minh III. 

Do vậy, nhiều hộ dân ở xã Cồn Thoi tiếp tục gửi đơn phản ánh về việc UBND huyện Kim Sơn chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng cho họ. Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất cách đây gần 10 năm. 

Ngày 21/1/2008, UBND tỉnh Ninh Bình có quyết định thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp xây dựng Thống Nhất làm bãi vật liệu của trạm trộn, bãi tập kết, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công đê biển Bình Minh II huyện Kim Sơn. Hơn 1 triệu mét vuông đất thuộc huyện Kim Sơn đã bị thu hồi, trong đó hơn 550 nghìn mét vuông đất do UBND huyện Kim Sơn đang quản lý; hơn 391 nghìn mét vuông do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý và 78.000m2 đất lâm nghiệp (rừng trồng phòng hộ) do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn quản lý. Diện tích đất bị thu hồi đã được giao cho công ty Thống Nhất quản lý, sử dụng vào mục đích mở rộng bãi vật liệu trạm trộn bê tông, bãi vận chuyển vật tư phục vụ thi công đường đê biển Bình Minh II.

Sau đó, ngày 16/10/2009 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã cấp hàng loạt các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Công ty Thống Nhất. Doanh nghiệp này được thuê đất để sử dụng 70 năm, tính từ ngày 30/12/2008. 

UBND tỉnh Ninh Bình cho Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất thuê hàng nghìn hecta đất bãi bồi ven biển đê Bình Minh II, III huyện Kim Sơn để làm dự án kho xăng dầu. Tuy nhiên, sau gần 10 năm doanh nghiệp chỉ làm được một trạm trộn bê tông, còn lại hầu hết vẫn bỏ đất hoang hóa
UBND tỉnh Ninh Bình cho Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất thuê hàng nghìn hecta đất bãi bồi ven biển đê Bình Minh II, III huyện Kim Sơn để làm dự án kho xăng dầu. Tuy nhiên, sau gần 10 năm doanh nghiệp chỉ làm được một  trạm trộn bê tông, còn lại hầu hết vẫn bỏ đất hoang hóa 

Điều gây tranh cãi là việc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cấp sổ đỏ cho Công ty Thống Nhất sử dụng đất với thời hạn 70 năm có dấu hiệu sai quy định. Theo quy định của Luật Đất đai thì thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Như vậy, có hay không việc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình có ưu ái cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 70 năm cho Công ty xây dựng Thống Nhất có lẽ là câu hỏi không khó trả lời. Hơn nữa, đây không phải là dự án mang tính chiến lược trong việc phát triển kinh tế của huyện Kim Sơn, một địa phương không nằm trong danh sách “địa bàn có nền kinh tế đặc biệt khó khăn”.

Mặt khác, việc UBND tỉnh Ninh Bình giao hàng trăm nghìn mét vuông đất cho Công ty Thống Nhất với mục đích sử dụng làm bãi vật liệu của trạm trộn, bãi tập kết, vận chuyển vật liệu xây dựng để phục vụ thi công giải bê tông cho đoạn đường đê biển Bình Minh II với chiều dài chỉ khoảng 15 km là điều không bình thường. 

Chưa dừng lại ở đó, ngày 16/7/2009 UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục giao thêm 30 hecta đất tại bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn cho Công ty xây dựng Thống Nhất để làm dự án đầu tư xây dựng bến vận chuyển xi măng, bãi vật liệu và kho xăng dầu. 

Theo người dân ở đây phản ánh, dự án của Công ty Thống Nhất là trạm trộn bê tông với diện tích rất nhỏ để phục vụ cho việc thi công đoạn đường đê Bình Minh II, còn lại hầu hết diện tích ao hồ, thùng vũng ở đê Bình Minh II, III họ đều bỏ hoang hóa khoảng gần 10 năm nay. Trong khi, người dân lại không có đất để canh tác, nuôi trồng hải sản để phát triển kinh tế.

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, nếu như các dự án sử dụng sai mục đích hoặc hoạt động không có hiệu  quả sẽ bị thu hồi. Để làm rõ thêm một số thông tin mà người dân thắc mắc, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện Kim Sơn, Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình thời gian dài vẫn chưa có hồi âm./.

Đọc thêm