Hàng loạt nông dân điêu đứng vì mô hình “liên kết rởm”

(PLO) - Sau bao công sức đầu tư, chăm bón cho hàng chục héc-ta gừng, nhiều hộ dân ở khắp các vùng nông thôn Thanh Hóa bỗng chốc rơi vào tình thế “mất trắng” bởi giống gừng mà Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An cung ứng theo hình thức bao tiêu không đạt năng suất như hứa hẹn. Trong khi đó, lời hứa tiêu thụ sản phẩm cũng theo gió bay đi…
Ông Lê Văn Thông (xã Định Tiến, huyện Yên Định) sau khi mua hai nghìn bao gừng giống của Công ty TNHH Trường An về trồng đều xảy ra hiện tượng “chết yểu” và năng suất chỉ đạt 1/10 so với những gì Công ty Trường An nói với ông.
Ông Lê Văn Thông (xã Định Tiến, huyện Yên Định) sau khi mua hai nghìn bao gừng giống của Công ty TNHH Trường An về trồng đều xảy ra hiện tượng “chết yểu” và năng suất chỉ đạt 1/10 so với những gì Công ty Trường An nói với ông.

Vỡ nợ vì “bánh vẽ” làm giàu

Theo phản ánh của người dân, giữa năm 2016 trên địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn xuất hiện một văn phòng đại diện của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An - (Công ty Trường An), có trụ sở chính tại tỉnh Bình Phước. Văn phòng này liên tục tìm về các thôn quê phát giấy mời nhiều hộ nông dân đến dự các buổi hội thảo về làm giàu và triển khai trồng các cây dược liệu, đặc biệt là cây gừng.

Ông Lê Văn Thông (thôn 3, xã Định Tiến, huyện Yên Định) cho biết, sau nhiều lần được mời tới dự hội thảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng do Công ty Trường An tổ chức, ông đã bị thuyết phục trước bài toàn kinh tế mà doanh nghiệp này “vẽ” ra nếu ký kết hợp đồng với công ty. “Theo hợp đồng, sau 8 tháng trồng, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm, trong đó 1.000 bao ban đầu được mua với giá 25 nghìn đồng/1kg, phần còn lại sẽ được thỏa thuận theo giá thị trường trước khi thu hoạch 15 ngày. Hợp đồng cũng ghi rõ: “Nếu chăm sóc đúng quy trình công ty hướng dẫn mà sản lượng bình quân dưới 2,5 kg/1 bao, công ty vẫn tính đủ 2,5kg/ 1 bao cho bà con, quả là một vốn bốn lời” - ông Thông nói.

Nghe lời ngọt bùi, ông Thông về thúc giục gia đình gom gần 50 triệu để đầu tư trồng 2.000 bao gừng. Sau khi ký kết, Công ty Trường An ngay lập tức cung cấp 170kg giống gừng trâu cho gia đình ông với giá thành 80.000 đồng/ 1 kg gừng giống. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đã đến kỳ thu hoạch. Gia đình ông Thông mừng quýnh vì sắp trúng mẻ lớn…thế nhưng khi bóc những bao gừng ra, chỉ lèo tèo vài củ nhỏ xíu, sản lượng trung bình chỉ có 0,2kg/ bao bằng 1/10 so với những gì Công ty Trường An nói với ông. Thắc mắc vì sao đã chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nhưng năng suất lại kém như vậy, ông Thông gọi điện cho ông Mai Xuân Quảng - Giám đốc Công ty Trường An hỏi cho ra lẽ… nhưng chỉ nhận được câu trả lời hờ hững rằng: “Đợi thêm ít ngày nữa mới đạt năng suất”… Vậy là ông Thông lại đợi,  đợi đến khi lá gừng héo úa nhưng củ gừng thì vẫn thế, thậm chí càng teo tóp đi. Cay đắng hơn, khi ông gọi cho Giám đốc Quảng đề nghị thu mua gừng thì chỉ nhận được tiếng “tút tút” báo thuê bao, có lúc đổ chuông nhưng tuyệt nhiên không thấy ông Quảng bắt máy.

Bức xúc, ông tìm đến văn phòng đại diện của Công ty Trường An nhưng văn phòng đóng cửa, chẳng thấy nhân viên nào ở trong. Ngồi giữa hàng trăm bao gừng, ông Thông nhẩm tính rồi thở dài nói: “Giờ bán hết đi cũng chỉ được 3 triệu đồng. Bị lừa rồi chú ạ!”, ông Thông nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Trường An không chỉ tập trung tổ chức hội thảo và tổ chức liên kết trồng gừng tại một hoặc hai địa phương mà tổ chức rầm rộ trên nhiều địa bàn, số lượng người tham gia ký kết trồng gừng với công ty lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm… Mỗi một địa phương, công ty này lại có cách thức tổ chức hội thảo, “dạy làm giàu” khác nhau nhưng có một điểm chung là những người dân ký kết với doanh nghiệp này đều đang trong tình trạng “sống dở, chết dở”. Tại các huyện như Thạch Thành, Cẩm Thủy, thị xã Bỉm Sơn, Hà Trung… có nhiều hộ gia đình tham gia ký  kết trồng hàng chục vạn bao gừng với số vốn hàng tỷ đồng. Điển hình là tại thôn Nghĩa Động, xã Hà Long, huyện Hà Trung, anh Lê Văn Tuấn đã kết hợp với nhiều hộ dân trong thôn cùng đầu tư trồng hơn 50.000 bao gừng với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. 

Nhưng đã nhiều ngày qua, anh Lê Văn Tuấn tìm cách liên lạc với Công ty Trường An để giải quyết sự cố trồng gừng nhưng không được. Anh Tuấn cho biết: “Vừa qua, người dân trong thôn chúng tôi đã kết hợp đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 50.000 bao gừng của Công ty Trường An xây dựng vùng nguyên liệu theo cơ chế bao tiêu. Vậy mà, những cây gừng do Công ty Trường An cung ứng hầu hết bị “chết yểu” hoặc kém năng suất, trong khi chúng tôi chăm sóc rất kỹ càng, tuân thủ đúng các quy trình, thậm chí nhờ cả cán bộ khuyến nông đến tư vấn thêm. Rõ ràng, đây chẳng khác gì một vụ lừa đảo có tổ chức”.

Trốn tránh trách nhiệm?

Sau khi nghiên cứu các hợp đồng mà Công ty Trường An đã ký với nông dân, phóng viên nhận thấy các điều khoản trong hợp đồng rất “mập mờ”, mục đích để tạo niềm tin cho người dân khi tìm hiểu và thực hiện ký kết hợp đồng, như: theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cấp, Công ty Trường An do ông Mai Xuân Quảng là người đại diện theo pháp luật (sẽ là chủ tài khoản công ty). Tuy nhiên, trong hợp đồng ký kết với các hộ dân, số tài khoản để giao dịch lại là tài khoản riêng của ông Mai Xuân Quảng…

Đặc biệt, các điều khoản trong hợp đồng đều chỉ có lợi cho phía doanh nghiệp. Cụ thể, các hộ dân khi ký kết với Công ty Trường An bắt buộc phải mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học do công ty cung ứng và phải trả trước 100% tiền giống, 50% tiền phân bón. Đáng lưu ý, giá gừng giống mà công ty cung ứng cao gấp 4 lần so với giá thị trường, trong khi không có điều khoản về tỷ lệ nảy mầm khi xuống giống cũng như những ràng buộc khác liên quan. Giá phân bón mà công ty bán ra cũng cao gấp hàng chục lần so với thị trường. 

Ông Trịnh Xuân Quý - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho biết, đơn vị đã nắm thông tin về việc một số hộ dân ký hợp đồng trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Theo ông Quý, trước đây, khi công ty này về vận động và tập huấn người dân trồng gừng đã không báo cho chính quyền địa phương và Phòng Nông nghiệp huyện. Phòng Nông nghiệp của các huyện khác và chính quyền địa phương đều không nắm được việc người dân liên kết trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Chỉ khi doanh nghiệp “bỏ rơi” người nông dân thì mọi chuyện mới vỡ lở.

Phóng viên tìm đến văn phòng đại diện của Công ty Trường An, tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, Văn phòng Công ty Trường An đang trong tình trạng đóng cửa, không một bóng người. Theo Công an phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Công an phường Bắc Sơn đã nhanh chóng triển khai tìm hiểu sự việc. Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An thuê địa điểm giao dịch tại số 36, đường Trần Hưng Đạo từ tháng 7/2016. Khi đặt địa điểm giao dịch tại địa phương, thời gian đầu công  ty có 3-4 nhân viên làm việc và có mời người dân đến tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, người lao động tại công ty này thường xuyên thay đổi cũng như không thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương và đã bị xử phạt hành chính 2 lần. Khoảng 2-3 tháng gần đây, công ty thường xuyên đóng cửa và Giám đốc công ty cũng không thấy xuất hiện. 

Đọc thêm