Hậu họa khôn lường do chủ trương lập barie 'không giống ai' ở Đông Triều, Quảng Ninh

(PLO) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều không phải là địa phương duy nhất có tài nguyên khoáng sản là than. Qua khảo sát tại một số địa phương khác cũng có hoạt động khai thác và vận chuyển than - xít như Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long…, chỉ thấy một mình Đông Triều có chủ trương “lập barie để quản lý tài nguyên khoáng sản”.
Một barie án ngữ trên đường dân sinh tại Đông Triều
Một barie án ngữ trên đường dân sinh tại Đông Triều

“Một mình một chợ”

Để thấy rõ chủ trương “một mình một kiểu” của thị xã Đông Triều trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, PV đã có cuộc khảo sát trên 3 địa bàn có than và hoạt động vận chuyển than - xít tại Quảng Ninh là Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long. 

Một lãnh đạo thành phố Cẩm Phả, địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản than cao nhất nhì trên địa bàn tỉnh cho biết, Cẩm Phả không có chủ trương lập trạm barie hay các chốt để kiểm soát than, xít. Quốc lộ 18 Công an tỉnh quản lý, đường cấp thành phố do Công an thành phố quản lý. Còn đối với các tuyến đường liên thôn, xã hay phường không có việc lập chốt trạm barie. Xe “than lậu” từ trong khu dân cư ra ra quốc lộ, nếu phát hiện công an phải chịu trách nhiệm. Các tổ dân khu phố chỉ được giao giám sát, nếu có dấu hiệu khả nghi sẽ báo cho lực lượng chức năng xử lý. 

Uông Bí cũng có tài nguyên than và hoạt động khai thác, vận chuyển than- xít, tuy nhiên Uông Bí chỉ có hai trạm barie được đặt tại khu vực Bắc Sơn và Khe Trâm.  Tuy nhiên, khác với Đông Triều cắt cử lực lượng trực chốt là bảo vệ dân phố và dân quân tự vệ, lực lượng trực chốt tại trạm barie Bắc Sơn của Uông Bí được giao cho Công ty kho vận Đá Bạc, lực lượng trật tự quản lý đô thị và môi trường, Công an, lực lượng quân đội. Lực lượng túc trực tại Trạm Khe Trâm là đội liên ngành bao gồm công an xã, Ban quản lý di tích Yên Tử. Việc cắt cử lực lượng này có quyết định của UBND thành phố thông qua các cuộc họp giao ban để xin ý kiến về thành phần cụ thể.

Các thành phần trực chốt tại các điểm barie tại Uông Bí không được trả lương, lực lượng nào thì ăn lương từ lực lượng đó chứ không có việc đưa dân quân tự vệ hay bảo vệ dân phố ra trực chốt ăn lương như tại Đông Triều.

Còn đối với thành phố Hạ Long, một lãnh đạo UBND TP Hạ Long cũng cho biết, năm 2012 - 2013 tại Hạ Long thành lập hơn 21 trạm barie, tại khu vực có hoạt động than để để kiểm soát tình hình than trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã phá bỏ toàn bộ các trạm barie này. Thời điểm lập trạm barie các lực lượng liên ngành của thành phố trực chốt tại các điểm thành phần được phân công cụ thể. Để duy trì lực lượng tại đây có thời điểm được ngành than hỗ trợ kinh phí, nhưng hầu như các lực lượng không được trả thêm, vì đây là nhiệm vụ chung.

Chỉ đạo “phủ sóng” barie  

Theo các văn bản được UBND Đông Triều ban hành đều nêu rõ việc lập các trạm barie với mục đích quản lý tài nguyên trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại hầu hết các điểm trạm không hề ghi trạm kiểm soát tài nguyên  mà chỉ có bảng biển thông báo với nội dung “chốt kiểm tra than, xít, yêu cầu dừng xe cách 15m”.

Như vậy với mục đích quản lý tài nguyên, thì nay tại các điểm này các trạm chỉ kiểm tra than, xít. Các tài nguyên khác như đất, đá, cát… đi qua có bị kiểm tra?

Mới đây nhất, địa phương này có Văn bản số 232/TB-UBND thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Ngoãn - Phó Chủ tịch UBND thị xã tại buổi kiểm tra công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các xã, phường: Mạo Khê, Yên Thọ, Hoàng Quế. Thông báo nêu rõ giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an thị xã kiểm tra hoạt động các trạm barie kiểm soát tài nguyên trên địa bàn. Tiếp tục rà soát các vị trí, đề xuất lắp đặt bổ sung trạm barie đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải trên các tuyến đường nội thị, đặc biệt địa bàn các xã phường Mạo Khê, Yên Thọ, Hoàng Quế, Yên Đức, Tràng Lương, Bình Khê…  

Và nếu như vậy, trong tương lai không xa tất cả các đường trên địa bàn thị xã Đông Triều chắc đều phải lập trạm barie? Tại sao thị xã Đông Triều phải làm như vậy trong khi tại các địa phương khác cũng có tài nguyên than và hoạt động khai thác than không kém phần sôi động nhưng không có chủ trương đó? Chưa hết, không ít lần lãnh đạo thị xã Đông Triều khẳng định trên địa bàn thị xã không còn việc xảy ra tình trạng than lậu, tuy nhiên thị xã lại ra chủ trương thành lập mạng lưới trạm barie “ngăn sông cấm chợ”, tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm. 

Chưa thể khẳng định các trạm này lập ra có đúng luật hay không, nên nguy cơ kéo theo những hậu họa khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu có hiện tượng hoạt động khai thác và vận chuyển tài nguyên khoáng sản “lậu”, các đối tượng chưa chắc đã “tâm phục khẩu phục” trước các trạm barie này. Các lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân phường có thể kiểm soát được tình hình hay không? Trong trường hợp những đối tượng vận chuyển than trái phép manh động, chống trả “tổ công tác phường” thì lực lượng không có nghiệp vụ, không có công cụ hỗ trợ đối phó ra sao? Nếu xảy ra xô xát ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của những người liên quan thì trách nhiệm thuộc về ai? Nhiều ý kiến cho rằng Đông Triều phải giải được “bài toán” từ cái gốc cơ sở pháp lý, để tránh xảy ra hậu họa.

Đọc thêm