“Hô biến” hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp thành... nghĩa trang

(PLO) - Nhu cầu được an táng tại nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người là một nguyện vọng chính đáng. Thế nhưng, tại quận Kiến An, Hải Phòng thì nguyện vọng này của người dân đã bị nhiều người biến thành cơ hội kinh doanh, làm giàu bằng việc biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang để kiếm lời. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biến đất ruộng thành nghĩa trang nhân dân để bán

Nghĩa trang nhân dân là nơi an nghỉ cuối cùng của những người đã khuất, người dân không phải bỏ tiền ra mua như những nghĩa trang do doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư xây dựng. Nhưng ở phường Phù Liễn, quận Kiếm An, nhiều thửa ruộng gần nghĩa trang nhân dân đã được một số người san lấp, biến đất nông nghiệp thành đất nghĩa trang đê bán kiếm lời một cách dễ dàng.

Sau nhiều ngày tháng thâm nhập, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã hiểu tường tận về quy trình mua bán đất tại khu vực ruộng xứ Đồng Mốc thuộc tổ dân phố Đồng Tử 3, phường Phù Liễn, Quận Kiến An. Chỉ cần một tờ giấy viết tay hoặc một cú điện thoại là có thể mua được vài mét, vài chục mét, thậm chí cả trăm mét vuông đất nông nghiệp liền với nghĩa trang nhân dân để làm nơi chôn cất. Việc mua bán dễ dàng như mua hàng hóa thông thường diễn ra trong thời gian khá dài và những người rao bán đất nghĩa trang còn làm tờ rơi quảng cáo, in số điện thoại trực tiếp tại các vị trí thuận lợi để người mua dễ bề nhận biết.  

Theo UBND Phường Phù Liễn, địa phương này đang quản lý một khu nghĩa trang nhân dân tại tổ dân phố Đồng Tử 3 có tổng diện tích hơn hơn 1,2 hecta. Trong đó, một nửa diện tích khu vực cải táng giáp ranh với diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay, diện tích nghĩa trang đã tăng “đột biến”. Phần đất người dân sử dụng để cải táng trong nghĩa trang tăng gấp 4 lần so với diện tích cũ.

Sự xâm lấn đất của nghĩa trang sang phần đất nông nghiệp đã được UBND phường Phù Liễn xác định là do một số người dân tự ý san lấp mặt bằng, bán cho những người có nhu cầu lập mộ phần riêng của gia đình.  

Theo Quyết định số 1900/QĐ-UB ngày 22/08/2002 của UBND TP Hải Phòng quy hoạch chi tiết Quận Kiến An đến năm 2020 thì Phường Phù Liễn không có quy hoạch đất nghĩa trang. Do đó, việc tự ý mở rộng diện tích đất nghĩa trang cũ từ đất nông nghiệp là vi phạm quy hoạch, quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, vi phạm pháp luật về đất đai. 

Ai đứng sau những vi phạm về đất đai 

Trước những sai phạm nghiêm trọng về đất đai trên, ông Trần Thành Tiến, Chủ tịch UBND Phường Phù Liễn cho biết, những người lấn chiếm đất nông nghiệp và tự ý mở rộng nghĩa trang không phải là công dân của phường này. Do UBND phường Phù Liễn chỉ quản lý về địa giới hành chính, không quản lý hồ sơ của các hộ dân đang canh tác trên diện tích đất liền với nghĩa trang nên không xác định được chủ sử dụng, việc mua bán, chuyển nhượng tại các thửa đất trong diện tích xâm canh. 

Cũng theo đại diện UBND phường Phù Liễn, có việc lấn chiếm đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chưa xác định được bao nhiêu diện tích lấn chiếm là đất đất nông nghiệp giao cho hộ dân sử dụng và bao nhiêu diện tích đất bị lấn chiếm là đất công ích. Các hộ có đất đã tự ý thỏa thuận cho nhau sử dụng qua nhiều lần chủ mà không có văn bản giấy tờ nên gây khó khăn cho việc xác định diện tích và chủ sử dụng đất có hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang này liên quan đến vấn đề tâm linh. Việc các hộ dân chuyển mộ về chôn cất trong thời gian rạng sáng nên lực lượng chức năng cũng đành… bó tay!

Nhằm ngăn chặn sai phạm trên tái diễn, UBND Quận Kiến An yêu cầu UBND phường Phù Liễn giữ nguyên hiện trạng khu vực nghĩa trang này, mọi trường hợp phát sinh phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Do đó, ngày 02/10/2015, sau khi phát hiện có 03 trường hợp xây dựng tường bao bằng gạch block trên phần đất khu cải táng mới phát sinh, UBND phường Phù Liễn đã tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều người đã kéo đến trụ sở UBND phường để kiến nghị việc chính quyền tháo dỡ công trình nhưng không thông báo cho người dân được biết. Việc làm của chính quyền là đúng vậy nhưng vẫn vấp phải phản kháng quyết liệt từ phía người dân.

Vì có nhu cầu nên người dân mới mua đất nông nghiệp để làm khu chôn cất cho người thân nên đã tạo nên cả một thị trường ngầm đất nghĩa trang tại đây như phả ánh của người dân. Việc để xảy ra lấn chiếm đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và những giao dịch mua bán đất dành cho người chết này diễn ra kéo dài, rõ ràng, có trách nhiệm của các cán bộ có trách nhiệm  quản lý đất đai trên địa bàn.

Ngoài việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật, theo ông Bùi Đức Cường, Trưởng phòng TNMT Quận Kiến An thì việc lấn chiếm đất nông nghiệp để làm nghĩa trang khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép trên còn gây nên những hậu quả khôn lường về lĩnh vực môi trường. Cụ thể, khu hung táng nằm sát khu dân cư và gần sông Đa Độ nên đã ảnh hưởng đến con sông cung cấp nước ngọt chính cho cả TP Hải Phòng. Đồng thời, toàn nghĩa trang không có nguồn nước phục vụ riêng, chủ yếu lấy nước và thải nước hung táng ra mương thoát nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.

Vậy cá nhân, tổ chức nào đứng ra thu gom diện tích xâm canh của các hộ dân phường Tràng Minh tiếp giáp với khu cải táng nghĩa trang nhân dân phường Phù Liễn để mua bán, sang tay cho những người có nhu cầu để thu lợi bất chính?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đọc thêm