Hoài Đức (Hà Nội): Dân nộp tiền tỷ để làm cơ sở hạ tầng đất dịch vụ có bị thất thoát?

(PLVN) - Các hộ dân được hưởng chính sách giao đất dịch vụ, phải nộp tiền sử dụng đất 810.000 đồng/m2 để làm cơ sở hạ tầng, chỉ tính riêng xã An Khánh, tổng số tiền mà người dân nộp có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu, chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đất dịch vụ đến nay rất “mập mờ”, liệu có bị thất thoát?
Người dân ở xã An Khánh phản ánh sự việc với phóng viên
Người dân ở xã An Khánh phản ánh sự việc với phóng viên

Báo điện tử Pháp luật Việt Nam đã có bài viết, “Hoài Đức (Hà Nội): Thu hàng trăm tỷ đồng của dân, sau gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đất dịch vụ”, mới đây, chúng tôi đã có buổi làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức là đơn vị đại diện cho UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư, cho thấy việc thu, chi tiền sử dụng đất của người dân để làm cơ sở hạ tầng hiện nay đang có vấn đề. 

Từ năm 2011, UBND huyện Hoài Đức đã ra văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thu tiền sử dụng đất của những hộ được hưởng chính sách trên để làm cơ sở hạ tầng đất dịch vụ. Cho đến nay đã gần 10 năm người dân vẫn chưa nhận được đất dịch vụ; cơ sở hạ tầng của dự án khu đất dịch vụ hầu hết vẫn chưa làm xong, thậm chí có một số vị trí đến nay còn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. 

Theo như văn bản chỉ đạo tạm thu tiền sử dụng đất của UBND huyện Hoài Đức thì mỗi hộ gia đình, cá nhân được hưởng đất dịch vụ được tính bằng 10% đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng tối đa không quá 150 mét vuông. Như vậy mỗi hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất để làm cơ sở hạ tầng tối đa là hơn 120 triệu đồng. Chỉ tính riêng xã An Khánh tổng số tiền thu người dân có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Đồng thời UBND các xã, thị trấn được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng của những Dự án đất dịch vụ. Tuy nhiên đến nay, nhiều vị trí Dự án đất dịch vụ chưa hoàn thiện theo quy định. Mới chỉ có một số vị trí được chủ đầu tư làm rãnh thoát nước và làm đường giải đá dăm, trông rất nhem nhuốc. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh, cho biết: “Số tiền thu của người dân một phần chi cho việc giải phóng mặt bằng, còn lại để làm đường và rãnh thoát nước”. Khi phóng viên đặt câu hỏi, số tiền chi để thực hiện giải phóng mặt bằng cho các Dự án và làm đường giải đá dăm và rãnh thoát nước mới chỉ được sơ sài như thế có tương xứng với số tiền người dân đã bỏ ra? Ông Hoán nói không nhớ thu, chi bao nhiêu và khẳng định sẽ gửi bằng văn bản số liệu cụ thể cho Báo.

Một số người dân phản ánh, hầu hết cơ sở hạ tầng đất dịch vụ chưa được chủ đầu tư làm đúng theo quy định, nói đúng hơn là làm đại khái để báo cáo với thành phố Hà Nội. Quá trình phóng viên xác minh thông tin phản ánh ở một số vị trí Dự án đất dịch vụ, cho thấy việc người dân phản ánh là có cơ sở. Như vậy dấu hỏi lớn đặt ra, người dân nộp tiền sử dụng đất cho UBND xã để làm cơ sở hạ tầng đã đi về đâu?

Theo ông Hoán, mới đây UBND xã đã nộp về kho bạc huyện Hoài Đức 50 tỷ đồng. Còn trước đó nộp nhiều lần mà không nhớ nổi. Ông Hoán cũng không nhớ nổi những Dự án nào UBND xã đã làm cơ sở hạ tầng và dự án nào chưa làm cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh làm việc với phóng viên
Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh làm việc với phóng viên

Được biết, sau năm 2014, UBND huyện Hoài Đức thu hồi lại các Dự án đất dịch vụ để UBND huyện làm chủ đầu tư và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư, đại diện cho UBND huyện. 

Ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, cho biết:“Khi Ủy ban nhân dân huyện thu hồi về giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư thì có tới 5 Dự án đất dịch vụ chưa thực hiện một khâu nào, trong đó có khu A,B,C, khu đồng Mới, khu 3. Còn một số vị trí khác chủ đầu tư trước đó mới chỉ làm thành hình dạng mặt bằng, chưa được san nền, đường đi mới chỉ giải đá dăm, chưa đảm bảo”. 

Cũng theo ông Lộc, từ khi Trung tâm Phát triển quỹ đất được giao làm chủ đầu tư đã phải vay tiền của quỹ đất của thành phố Hà Nội để tiếp tục hoàn thiện các Dự án đất dịch vụ này. Khi phóng viên hỏi về việc, tại sao không sử dụng tiền do UBND xã thu của người dân để làm cơ sở hạ tầng, ông Lộc cho biết, tiền đó do UBND xã chi để làm các Dự án đã hết hay như thế nào tôi cũng không được biết, nhưng hiện tại chúng tôi phải sử dụng hoàn toàn bằng tiền vay của quỹ đất của thành phố.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm