Huyện An Dương, Hải Phòng: “Tuýt còi” bản di chúc trái pháp luật

(PLO) - Một bản di chúc bất thường được UBND xã hợp thức hóa bằng con dấu của chính quyền đã bị “tuýt còi” kịp thời nên chưa gây hậu quả cho người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm của những cá nhân liên quan đến việc xác nhận bản di chúc bất thường này thì chưa được làm rõ.

Ngày 26/12/2016, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có bài viết: “Một chủ tịch xã bị tố cáo mắc nhiều sai phạm” phản ánh việc bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn (An Dương, Hải Phòng) bị tố ký các văn bản có nhiều khuất tất¸ trong đó có việc xác nhận di chúc của bà Nguyễn Thị Ngọt khi di chúc này được lập không đúng pháp luật, có biểu hiện thiếu khách quan.

Vừa qua, UBND huyện An Dương đã chính thức có kết luận về vụ việc này, yêu cầu dừng ngay việc sang tên quyền sử dụng đất cho “người thừa kế” được nêu trong bản di chúc trái pháp luật mà UBND xã Quốc Tuấn đã xác nhận.

Theo các tài liệu mà Báo PLVN đã thu thập được thì ngày 16/9/2016, UBND xã Quốc Tuấn nhận được yêu cầu của bà Nguyễn Thị Một (SN 1954, HKTT tại TP HCM, chị họ của bà Ngọt) về việc công bố và công khai di chúc của bà Ngọt. Bản di chúc do bà Ngọt lập ngày 30/7/2016, chỉ vài giờ trước khi bà Ngọt mất.

Theo nội dung di chúc, bà Ngọt để lại tài sản là thửa đất số 410, tờ bản đồ số 23, diện tích 1264m2 tại thôn Kiều Hạ 2, xã Quốc Tuấn cho bà Nguyễn Thị Một quản lý và thờ cúng tổ tiên. Bản di chúc trên được UBND xã Quốc Tuấn công bố không chỉ tước quyền thừa kế của 2 con bà Ngọt mà định đoạt luôn phần tài sản thừa kế của chồng bà Ngọt để lại.

Sau khi Báo PLVN phản ánh sự việc này, ngày 15/2/2017, UBND huyện An Dương ban hành Văn bản số 78/UBND-VP yêu cầu UBND xã Quốc Tuấn dừng ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng thửa đất số 410, tờ bản đồ số 23 sang tên bà Nguyễn Thị Một theo nội dung bản di chúc.

Ngoài ra, UBND huyện An Dương yêu cầu UBND xã Quốc Tuấn giữ nguyên hiện trạng mặt bằng sử dụng đất và tài sản trên đất đến khi có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; tiến hành hòa giải giữa các bên, trường hợp hòa giải không thành thì hướng dẫn khởi kiện ra TAND huyện để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Báo cáo số 03/BC-TP ngày 8/2/2017 của Phòng Tư pháp huyện An Dương chỉ ra hàng loạt điểm sai trái của bản di chúc trên. Cụ thể, bản di chúc trên lập không đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, người lập di chúc vào thời điểm ít có khả năng minh mẫn (ngày lập di chúc cùng ngày bà Ngọt chết); người làm chứng khi lập di chúc chỉ có mặt một người là ông Nguyễn Văn Phái, người viết hộ di chúc lại chính là người thừa hưởng tài sản theo di chúc. Mảnh đất 1264m2 trên là tài sản chung của gia đình bà Ngọt nên bà Ngọt không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản này theo di chúc. Bản di chúc sau khi lập được bà Một lưu giữ và chứng thực chữ ký những người làm chứng tại UBND xã Quốc Tuấn.

Phòng Tư pháp huyện An Dương xác định, bản di chúc có dấu hiệu lừa dối và không đúng pháp luật nên không có giá trị pháp lý. Mặc dù vậy, UBND huyện An Dương chưa đề cập tới trách nhiệm của bà Một trong việc lập ra bản di chúc có dấu hiệu lừa dối cũng như vai trò của bà Lan - Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, người đã đại diện cho UBND xã Quốc Tuấn ký xác nhận và niêm yết công khai bản di chúc. 

Hậu quả của việc làm sai chưa xảy ra và đã được ngăn chặn kịp thời. Lẽ ra người có trách nhiệm là lãnh đạo UBND xã Quốc Tuấn cần phải nhìn nhận và rút kinh nghiệm về những thiếu sót của mình nhưng bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn lại có một thái độ hoàn toàn ngược lại. Trước kết luận của cơ quan chuyên môn của UBND huyện An Dương, bà Lan thản nhiên cho rằng: “Đây chỉ là báo cáo của Phòng Tư pháp. Chuyện có phải dừng lại ở báo cáo này đâu, sau này còn phải ra tòa, còn dài lắm”.  

Không những thờ ơ với những việc làm không đúng pháp luật, đẩy người dân vào cảnh tranh chấp chưa có hồi kết, bà Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn còn thể hiện thái độ “không quan tâm” này với cả những vấn đề mà dư luận đã nêu liên quan đến sự bất nhất trong hồ sơ lý lịch của mình. Hiện nay, dữ liệu về năm sinh của bà Nguyễn Thị Lan thể hiện rất khác nhau.

Hồ sơ quản lý nhân khẩu thể hiện bà Lan sinh năm 1963, nhưng bằng cấp lại thể hiện sinh năm 1961. Về vấn đề này, bà Lan cho biết năm sinh thật là 1962, sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân ghi năm 1963, còn bằng cấp thì sinh năm 1961. Hồ sơ có bất nhất, nhưng bằng cấp thì đầy đủ nên “báo chí thích viết, vẽ kiểu gì tùy”. 

Phải chăng quan chức cấp xã này sắp “hạ cánh an toàn”, nên những bất thường trong hồ sơ và cả sai sót trong công tác đều không còn là vấn đề đáng phải quan tâm nữa? 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đọc thêm