Huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu): Đất sử dụng hơn 30 năm vẫn bị tuyên trả lại

(PLO) - Sau hơn 10 năm được khởi kiện ra tòa, vụ tranh chấp quyền sử dụng đất được TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên xử với nhiều điều chưa được làm rõ khiến bị đơn khiếu nại, dư luận xôn xao…
Anh Sơn chỉ phần đất tranh chấp
Anh Sơn chỉ phần đất tranh chấp
Đất mua hay mượn?
Theo trình bày của anh Nguyễn Hoàng Sơn (ấp 18, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu): Ngày 15/5/2004, ông Nguyễn Văn Trữ khởi kiện cha anh là ông Nguyễn Văn Tám đòi lại 1.255,50m2 đất tọa lạc tại ấp 18, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình. Năm 2007, ông Trữ mất nên vợ con ông thừa kế quyền và nghĩa vụ. Đến năm 2013, ông Tám qua đời, mẹ con anh thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Tám.
Theo anh Sơn: “Nguyên vào năm 1960, do hoàn cảnh chiến tranh, ông Trữ dỡ nhà tại ấp 18 đưa cả gia đình về ấp 17, xã Vĩnh Bình. Đến năm 1962, ông Trữ chuyển nhượng lại cho gia đình tôi diện tích đất ở ấp 18 với giá 20 giạ lúa, vì chiến tranh nên việc chuyển nhượng chỉ thỏa thuận bằng miệng. Quá trình sử dụng, gia đình tôi làm tròn nghĩa vụ của người sử dụng đất, nộp thuế đầy đủ.
Năm 1993, địa phương có chủ trương kê khai đăng ký đất đai, gia đình tôi đã thực hiện. Đến năm 1998, chính quyền xã Vĩnh Bình lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đại trà cho người sử dụng đất toàn xã, lúc này cha tôi sức yếu nên ủy quyền cho tôi đứng tên kê khai đăng ký quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất của gia đình, trong đó có phần đất của ông Trữ chuyển nhượng và giữa gia đình tôi và ông Trữ không có tranh chấp gì. Tuy nhiên, đến năm 2004 ông Trữ khởi kiện yêu cầu gia đình tôi trả lại đất với lý do đất này ngày xưa của cụ Nguyễn Thị Trầm (mẹ ông Trữ) cho cha tôi mượn”.
Sau 10 năm kể từ khi tranh chấp, ngày 22/07/2014, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trữ đòi ông Tám trả quyền sử dụng đất…
Nhiều điểm cần làm rõ 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Thanh Minh (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Theo Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm đối với tài sản là bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”; quyền sử dụng đất là loại tài sản “đặc biệt” và gia đình ông Tám đã chiếm hữu “tài sản đặc biệt” này trên 30 năm. 
Mặt khác, theo công văn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Bình xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Sơn là đúng theo quy định của pháp luật, việc sử dụng đất của gia đình ông Tám là ổn định lâu dài, liên tục hơn 40 năm không có tranh chấp nên việc cấp phúc thẩm buộc gia đình ông Tám trả lại đất cho gia đình ông Trữ là không hợp lý.  
Được biết, bị đơn sẽ gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm. Báo PLVN tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm