Huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Chưa đo định vị GPS đã xác định… vùng cấm

(PLO) - Báo PLVN nhận được đơn kêu cứu của các chủ tàu hút cát trên địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng họ bị đình chỉ công việc, bị tạm giữ phương tiện “oan” khi đang tiến hành hút cát trong mỏ đã có giấy phép khai thác mà không có bất cứ một biên bản tạm giữ nào giao cho họ. 
Huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Chưa đo định vị GPS đã xác định… vùng cấm

Chưa định vị đã xác định là vi phạm 

Theo đơn kêu cứu của các chủ tàu: Trần Văn Thủy, Ngô Văn Thiết, Nguyễn Văn Phúc, Lê Văn Khanh, Đỗ Văn Hùng, Ngô Văn Hợp và Đỗ Toàn Thắng, thường trú tại huyện Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), hiện họ đang bị Công an huyện Hoằng Hóa thu giữ 7 tàu thủy trong khi họ không có hành vi vi phạm.   

Trình bày với PV, các chủ tàu cho biết: Khoảng 9h30 ngày 13/10/2016, 07 tàu của họ đang khai thác cát trong mỏ cát số 62 ở địa phận huyện Thiệu Hóa được cấp quyền khai thác cho Cty Vĩnh An thì bất ngờ Công an huyện Hoằng Hóa và Công an xã Hoằng Giang xưng danh đoàn kiểm tra đến yêu cầu các tàu tắt máy không cho hút cát nữa. Đồng thời tiến hành lập biên bản vi phạm về hành vi khai thác cát trái phép vì cho rằng các tàu này đang khai thác cát trên địa phận của huyện Hoằng Hoá.

Mặc dù các chủ tàu khẳng định họ đang tiến hành hút cát đúng trên địa phận mỏ cát đã được cấp phép nhưng Công an huyện Hoằng Hóa vẫn cương quyết cho rằng họ đã hút ngoài mỏ, yêu cầu họ rút vòi cát và tiến hành neo đậu trên sông để kiểm tra. Điều quan trọng là, họ thực hiện lệnh rút vòi lúc khoảng 10h sáng nhưng đến 13h30 phút công an mới tiến hành đo định vị GPS để xác định khu vực vi phạm.

Các chủ tàu trình bày, ngày 13/10, Thanh Hóa đang bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió thổi rất mạnh nên sau gần 4 giờ tập kết, các tàu thuyền đã bị trôi xa so với vị trí ban đầu hơn 150m theo chiều xuôi dòng nước, sang phía địa bàn huyện Hoằng Hóa, vì thế nên khi bắn toạ độ thì đã cho ra kết quả tọa độ các thuyền đang đậu thuộc phần sông trên địa phận huyện Hoằng Hóa. 

Sau khi đo xong, Công an huyện lập biên bản việc hút cát trái phép và yêu cầu các chủ tàu ký, đưa tàu về địa điểm tạm giữ phương tiện nhưng không ai ký. Ông Đỗ Văn Hùng kể lại: Khi chúng tôi đưa tàu về địa điểm tạm giữ, khoảng 11h30 đêm mới được ăn cơm. Trong khi chúng tôi đang ăn thì công an tiếp tục đưa biên bản bảo ký nhưng chúng tôi cương quyết không ký. Đến 1-2 ngày sau công an tiếp tục ép, dọa nếu không ký biên bản tự quản lý tài sản trên tàu thì họ sẽ cẩu tàu lên. Vì lo lắng nếu đưa tàu thủy lên bộ thì việc hỏng nặng nên chúng tôi buộc lòng phải ký. 

Đo muộn vì chưa có máy đo?!

Tính đến thời điểm này, tàu cát đã bị tạm giữ 2 tuần ở vùng nước mặn. Những chủ tàu rớt nước mắt trình bày với PV: “Tàu chạy trên nước ngọt, mang ra vùng nước mặn để tạm giữ không khác gì hành vi phá hoại tài sản của chúng tôi. Nhìn con tàu mỗi ngày bị han gỉ chúng tôi xót xa lắm. Lại còn chuyện mở mắt ra phải trả nợ tiền lãi vay để đóng tàu nữa, bao nhiêu chi phí phải trả mà giờ lại phải nhìn con tàu bị hủy hoại từng ngày. Việc hỏng hóc tàu của chúng tôi, ai sẽ phải chịu trách nhiệm”?

Các chủ tàu còn bức xúc phản ánh, mặc dù sự việc xảy ra vào ngày 13/10/2016 nhưng đến ngày 16/10/2016, cán bộ Công an huyện Hoằng Hóa là ông Đức tiếp tục lập 01 Biên bản làm việc nhưng lại ghi là của Đoàn kiểm tra lập ngày 13/10/2016 tại xã Hoằng Giang với nội dung buộc 07 chủ tàu trên phải thừa nhận là khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Hoằng Giang nhưng các chủ tàu không ký.

Để có thông tin 2 chiều về sự việc, PV đã làm việc với Công an huyện Hoằng Hóa. Ông Lê Văn Trung, Phó Trưởng Công an huyện đồng thời là Phó Trưởng Đoàn kiểm tra cho biết: “Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác tập kết kinh doanh, vận chuyển khoáng sản được thành lập theo Quyết định 3848/QĐ-UBND của UBND huyện Hoằng Hóa. Tuy nhiên, hôm xảy ra sự việc tạm thu giữ 7 tàu cát tôi không có mặt, đến khoảng 17h tôi mới biết tin nên không biết chuyện đo GPS vào thời điểm nào”.

Khi PV đặt câu hỏi tại sao lại đo GPS sau vài tiếng dừng hoạt động, ông Lê Đức Sơn, Đội phó đội cảnh sát kinh tế, đồng thời là thành viên Đoàn kiểm tra cho biết:  “Vì thời điểm đấy chưa có máy đo GPS”. Không hiểu sao khi chưa đo GPS mà đoàn kiểm tra đã khẳng định 7 tàu cát hút cát ngoài khu vực mỏ đã được cấp phép? 

Trong khi đó, theo một cựu cán bộ cảnh sát giao thông đường thủy, việc xác định ranh giới của hai địa giới hành chính trên một dòng chảy của một con sông là việc vô cùng khó khăn. Theo vị này, việc tàu neo đậu trên sông xê dịch vài trăm mét, đặc biệt khi ảnh hưởng bởi gió to là chuyện đương nhiên bởi hiện trường dưới sông là hiện trường động, không phải hiện trường tĩnh như trên đường bộ. 

Cũng ông Sơn khẳng định, biên bản lập đúng ngày 13 nhưng “là tài liệu hồ sơ đang củng cố nên không được sao chép”. Việc xác định những chủ tàu có tố đúng về thời gian lập hồ sơ hay không chỉ cần nhìn biên bản là rõ. Nhưng chúng tôi không hiểu, vì lẽ gì mà một biên bản công khai như thế phía công an lại không thể cung cấp để xác thực?

Đọc thêm