Huyện Sapa (Lào Cai): Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?

(PLO) - Công trình khách sạn 4 sao chình ình giữa thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xây dựng sai phép, bị “tố” lấn sang đất của người khác và chính quyền địa phương đã ra quyết định đình chỉ thi công, nhưng cuối cùng chuyện “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Công trình Sapa Lodge Hotel đã bị đình chỉ, thu hồi giấy phép, nhưng đến nay đã đi vào hoạt động
Công trình Sapa Lodge Hotel đã bị đình chỉ, thu hồi giấy phép, nhưng đến nay đã đi vào hoạt động

Dư luận bức xúc

Báo PLVN nhận được đơn của ông Phạm Văn Phúc (phường Kim Tân, TP Lào Cai) phản ánh về việc mảnh đất của gia đình ông tại tổ dân phố 7A, thị trấn Sa Pa bị gia đình bà Trương Thị Hương xây dựng khách sạn lấn chiếm đất.

“Không chỉ lấn chiếm đất của một số hộ liền kề, công trình này còn xây dựng vượt phép khi diện tích trong sổ đỏ là 188m2, nhưng diện tích xây dựng đến 400m2, trong đó hơn 200m2 là đất rừng chưa chuyển đổi”, ông Phúc nói.

Được biết, ngày 31/3/2016, UBND huyện Sa Pa cấp Giấy phép số 59/GPXD cho bà Trương Thị Hương và ông Phạm Việt Hưng được xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ cao 3 tầng, 1 tầng áp mái; diện tích tầng 1 là 120m2, tầng 2 là 120m2, tầng 3 là 120m2 và tầng áp mái là 120m2. Còn trong tài liệu bà Hương cung cấp thì đây là công trình Sapa Lodge Hotel và đầu tháng 11/2017 đã đi vào hoạt động với tiêu chuẩn 4 sao.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Tuấn Hưng (Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sa Pa) cho biết, trong quá trình thi công, đơn vị phát hiện chủ đầu tư đã xây dựng quá diện tích cho phép nên đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ, xử phạt và thu hồi giấy phép. 

Ngày 9/5/2017, UBND thị trấn Sa Pa đã ra Quyết định số 122/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công công trình, nêu rõ: “Đề nghị Trưởng Công an thị trấn Sa Pa chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu xây dựng và người vào thi công công trình vi phạm; phối hợp với chính quyền địa phương, đôn đốc các cơ quan liên quan đảm bảo hiệu lực thi hành quyết định. Quá thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định, nếu chủ đầu tư xây dựng công trình không tự tháo dỡ công trình vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo luật định”.

Trả lời câu hỏi vì sao công trình đã bị thu hồi giấy phép và đình chỉ mà đến nay đã hoàn thành và đi vào sử dụng? Ông Hưng nói: “Phòng kinh tế hạ tầng đã làm hết chức năng và cũng đã tham mưu cho UBND huyện về vấn đề này. Việc khách sạn hoàn thành chúng tôi không nắm được!?”.

Còn ông Nguyễn Thành Nam (Trưởng phòng TNMT huyện Sa Pa) cho biết: “Qua báo cáo, tôi nắm được gia đình bà Hương làm hồ sơ xin chuyển đổi diện tích đất còn lại của công trình khách sạn, nhưng chúng tôi đã trả hồ sơ vì còn đang tranh chấp với các hộ liền kề. Việc công trình xây trên đất chưa chuyển đổi là đúng, nhưng khi xây dựng thì không thuộc chức năng quản lý của phòng!?”.

Có sự bao che, dung túng cho công trình sai phạm?

Còn theo bà Hương, công trình nhà bà có diện tích 400m2, trong đó 200m2 đã có sổ đỏ, 200m2 còn lại là đất rừng, đất nông nghiệp đang được gia đình làm thủ tục chuyển đổi. 

Việc xây lấn vào diện tích của các hộ dân liền kề, bà Hương cho rằng, gia đình bà không lấn của ai và việc xây khách sạn là nằm hoàn toàn trong diện tích gia đình được cấp.

Liên quan đến vụ việc, hiện TAND huyện Sa Pa đang thụ lý 3 vụ kiện liên quan đến khu đất đang xây dựng công trình Sapa Lodge Hotet. Ông Trương Quốc Thắng (Phó Chánh án TAND huyện Sa Pa) cho biết: hiện nay vụ kiện vẫn đang trong quá trình thụ lý và chưa được xét xử. Trong quá trình giải quyết, TAND huyện Sa Pa đã gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Sa Pa, Phòng TNMT… trả lời về tính hợp pháp của công trình và xem xét có sự chồng chéo hay không.

“Mặc dù Phòng TNMT đã có Công văn 2269 ngày 16/10/2017 trả lời về một số vấn đề, nhưng chỉ chung chung và không cụ thể. Hồ sơ cấp sổ đỏ cho gia đình ông Phúc đã bị mất. Do còn nhiều vấn đề chưa rõ nên ngày 30/10/2017, Tòa tiếp tục có công văn yêu cầu các cơ quan quản lý trên địa bàn cung cấp thêm hồ sơn liên quan đến vụ việc”, ông Thắng nói.

Trước đó, trả lời báo chí vào tháng 6/2017, chính Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa – ông Trần Đức Việt đã thừa nhận công trình xây dựng của bà Hương có sai phạm. Vì thế, huyện đã có những biện pháp như: Gửi văn bản dừng hoạt động xây dựng công trình, xử phạt và thu hồi giấy phép xây dựng. 

Tuy nhiên, đến nay không hiểu sao công trình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Liên hệ làm việc với ông Vũ Hùng Dũng (Chủ tịch UBND huyện Sa Pa) để làm rõ thêm, tuy nhiên phía Văn phòng UBND huyện Sa Pa chỉ bố trí làm việc với Phòng TNMT và Phòng Kinh tế hạ tầng. Phóng viên buộc phải liên hệ điện thoại với ông Dũng, nhưng ông này không nhấc máy.

Dư luận người dân thị trấn Sa Pa đang bàn tán cho rằng công trình vi phạm của bà Hương phải chăng có sự bao che, dung túng từ phía chính quyền địa phương nên mới có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 

Đọc thêm