Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp: Cần xem xét lại quyết định không khởi tố vụ án hình sự

(PLO) - Sử dụng 02 máy cấy lúa trị giá gần 500 triệu đồng thuộc quyền sở hữu của mình để đi cấy thuê cho bà con nông dân, thế nhưng bỗng nhiên lại bị người khác mang về kho để bảo quản, cất giữ trong nhiều năm trời?. 
Điều lạ là sau khi người dân làm đơn tố cáo về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, Cơ quan Công an lại cho rằng, việc làm này chỉ nhằm mục đích bảo quản, cất giữ và để thực hiện nghĩa vụ trả nợ số tiền 20 triệu mà họ đã tạm ứng trước đó. Câu chuyện hi hữu, nhiều bất thường này đã khiến người dân và dư luận vô cùng bức xúc, bất bình...
Thông báo của Cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Tháp chuyển đơn của ông Thắng đến Cơ quan CSĐT công an huyện Tháp Mười giải quyết
Thông báo của Cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Tháp chuyển đơn của ông Thắng đến Cơ quan CSĐT công an huyện Tháp Mười giải quyết

Bảo quản máy móc hay chiếm giữ trái phép tài sản? 

Trong đơn gửi Báo PLVN, ông Hồ Văn Thắng (Địa chỉ: ấp Xương Thới 1, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) phản ánh, khoảng cuối tháng 1/2013, với tư cách là chủ máy cấy lúa, trong một hội thảo trình diễn máy cấy lúa, phổ biến quy trình trồng lúa công nghệ cao cho bà con nông dân do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến tre tổ chức ông có quen biết ông Ngô Tấn Hải ở TP. Cao Lãnh.

Khoảng tháng 5/2013, ông Hải có mời ông liên kết làm ăn. Theo đó, do ông Hải nhận hợp đồng cấy lúa thuê cho bà con nông dân nhưng chưa đủ máy cấy, chưa biết làm mạ khay nên đã đề nghị ông hợp tác. Sau đó ông Hải cho xe và công nhân đến nhà ông tại Bến Tre chở 02 máy cấy lúa Kubota Nhật Bản và dụng cụ làm mạ gồm 850 khay nhựa và các vật chuyên dùng cho gieo mạ để thực hiện việc cấy lúa thuê cho bà con nông dân.

Để phục vụ sản xuất hiệu quả, ông có đề nghị và ông Hải đã tạm ứng số tiền 20 triệu đồng để mua thêm khay nhựa theo đề nghị của ông. Tuy nhiên, khi mọi việc diễn ra không được thuận lợi như ý muốn, ông Hải đã bày tỏ thái độ chê bai, không hài lòng với máy cấy lúa của ông. Tiếp đó, không hiểu vì lý do gì ông Hải cho người lấy toàn bộ máy móc cùng các thiết bị của ông ở trên ruộng của người dân đem đi đâu không rõ. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều lần ông đến gặp đề nghị vợ chồng ông Hải trả lại phương tiện để ông làm ăn nhưng ông Hải không trả. 

Sau khi làm đơn tố giác ông Hải gửi các cơ quan có thẩm quyền, ngày 9/8/2014, ông Thắng nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 26 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười. Theo đó, cơ quan này cho rằng, căn cứ vào đơn của ông tố cáo ông Ngô Tấn Hải, sinh năm 1960 trú tại phường 2, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chiếm giữ trái phép tài sản của ông là 02 cái máy cấy lúa trị giá 443 triệu đồng.

Qua xác minh thì được biết ông Hải cùng với ông Thắng có hợp đồng cấy lúa cho ông Lê Văn Mười tại ấp 6a, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, sau khi ông Thắng cấy lúa cho ông Mười không đạt yêu cầu thì ông Thắng bỏ máy ngoài ruộng đi đâu không biết và không ai liên lạc được, nên ông Hải đem máy cấy của ông Thắng về kho ở xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh giữ. Do đó, hành vi trên của ông Hải không đủ yếu tố cấu thành tội phạm chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 11/2013, trong thông báo kết quả giải quyết đơn gửi ông Thắng, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười lại cho rằng, trước đây ông Hải có nhận hợp đồng gieo mạ, cấy lúa cho ông Mười và ông Dân ở xã Trường Xuân, Tháp Mười, Đồng Tháp.

Sau đó, ông Hải giao lại cho ông thực hiện hợp đồng này mà không hưởng tiền hoa hồng chênh lệch. Ông có thuê xe của ông Hải chở các máy móc và dụng cụ từ Bến Tre đến kho ông Hải ở TP. Cao Lãnh để cất giữ và ông có tạm ứng tiền của ông Hải là 20 triệu đồng để làm vốn đầu tư. Do ông thực hiện hợp đồng không đạt hiệu quả nên ông Hải khắc phục và chở máy móc của ông về lại kho của ông Hải để cất giữ. Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười còn khẳng định, quá trình điều tra cho thấy, việc ông Hải giữ các máy móc của ông là để bảo quản và đảm bảo việc ông phải thực hiện nghĩa vụ trả lại số tiền tạm ứng trên chứ ông Hải không có ý định chiếm đoạt tài sản của ông. Sự việc này thuộc tranh chấp dân sự và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp về tài sản, ông có quyền khởi kiện dân sự tại TAND để buộc ông Hải phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản cho ông.

Văn bản trả lời của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười cho rằng việc giữ máy móc của người khác chỉ là để … “bảo quản”?
Văn bản trả lời của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười cho rằng việc giữ máy móc của người khác chỉ là để … “bảo quản”?

Trả lời mâu thuẫn, trước sau “bất nhất” 

Với việc trả lời của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười, ông Thắng cho rằng, việc cơ quan này xác định quan hệ trên là giao dịch dân sự là không đúng bản chất vụ việc, chưa khách quan, có dấu hiệu bao che tội phạm. Theo ông Thắng, việc ông có tạm ứng số tiền 20 triệu đồng của ông Hải là nhằm mục đích mua khay làm mạ, phục vụ công việc cấy lúa nhưng toàn bộ số khay mạ trên sau đó ông Hải đã chiếm giữ cùng với máy cấy lúa của ông. Việc nêu lý do nhằm “bảo quản” là vô lý bởi trong khi ông là chủ sở hữu những tài sản này không hề đồng ý thì ông Hải không được tự ý mang về cất giữ, bảo quản.

Thêm vào đó, theo ông Thắng, nếu như cho rằng, việc lấy đi tài sản trị giá gần 500 triệu đồng để buộc ông phải thực hiện nghĩa vụ trả lại số tiền tạm ứng 20 triệu đồng (chênh nhau hơn 20 lần) thì không khác nào chấp nhận, đồng tình với hành vi “xiết nợ”, khuyến khích hành vi “tự xử” trong xã hội. Ngoài ra, trong các văn bản của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười tháng 11/2013 và tháng 8/2014 thể hiện sự mâu thuẫn, bất nhất khi thì cho rằng ông Hải giữ máy móc là để bảo quản và đảm bảo việc ông Thắng phải trả số tiền 20 đồng khi lại cho rằng, do thấy máy bỏ ngoài ruộng, không thấy, không liên lạc được với ông Thắng nên ông Hải đã đem máy về cất giữ? Thêm vào đó, điều đáng nói trong vụ việc này, các giấy tờ liên quan như Giấy thế chấp máy cấy lúa, Giấy ký gửi máy cấy tại kho của ông Hải… theo ông Thắng là có sự gian dối, ngụy tạo bởi ông không hề thỏa thuận, không biết và không ký vào những giấy tờ này?

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười đang bị người dân phản ứng
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười đang bị người dân phản ứng

Cũng theo ông Thắng cho biết, từ khi sự việc xảy ra, đến nay là hơn 4 năm trôi qua, tài sản là 02 máy cấy lúa và các thiết bị cấy lúa của ông vẫn đang bị ông Hải chiếm giữ trong khi để mua khối tài sản này gia đình ông đã phải đi vay ngân hàng. Hành vi này khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn vì không có phương tiện sản xuất, mưu sinh, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng vì không có phương tiện để đi cấy thuê. Mặt khác, bản thân ông lại phải đền bù thiệt hại các hợp đồng liên quan đến quy trình trồng lúa công nghệ cao mà ông đã liên kết, uy tín nghề nghiệp của một nhà khoa học bị chôn vùi. Chính vì nhận thấy thì hành vi của ông Hải đủ căn cứ xác định có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng lại chưa được giải quyết một cách khách quan nên hiện ông tiếp tục có đơn khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tháp Mười.

Trước những phản ánh trên của ông Thắng, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Đồng Tháp cần vào cuộc điều tra, xem xét, sớm giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho công dân. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. 

Đọc thêm