Kết luận thanh tra chưa thỏa đáng

(PLO) - Được coi là trung tâm lớn nhất cả nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học giáo dục, nhưng những gì mà tân Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh bị tố cáo phần nào đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngôi trường cũng như tư cách của vị Hiệu trưởng này.

l Việc Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh bị tố cáo đã gây ảnh hưởng đến ngôi trường giàu truyền thống này.
l Việc Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh bị tố cáo đã gây ảnh hưởng đến ngôi trường giàu truyền thống này.
Câu chuyện về tân Hiệu trưởng
Với hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có gần 800 giảng viên; hơn 1/3 số giảng viên có học vị Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học, số còn lại đều có bằng Thạc sĩ chuyên ngành, Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP Hà Nội) còn là một trong những trường đại học có cơ sở vật chất và thiết bị lớn nhất trong hệ thống các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm trên cả nước. Với nhiều thành tích, ĐHSP Hà Nội được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động… 
Nhưng câu chuyện tân Hiệu trưởng – ông Nguyễn Văn Minh bị tố cáo đã khiến những hình ảnh tốt đẹp, thành tích của ĐHSP Hà Nội phần nào bị lu mờ. Người thì cho rằng, để có được vị trí này họ sẽ tìm đủ mọi cách, nhưng cũng có người lại đổ lỗi do cơ chế thị trường? Nhưng cái mất mát lớn nhất khiến dư luận và người tố cáo thất vọng là những vi phạm này dường như đang có sự bao che nào đó?
Theo nội dung tố cáo, ông Nguyễn Văn Minh đã man khai lý lịch để được kết nạp Đảng, man khai lỵ́ lịch khoa học, khai lý lịch không theo Mẫu 2C để ứng cử Hiệu trưởng; việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bổ nhiệm ông Minh làm Hiệu trưởng là trái quy định của Thủ tướng; sai phạm trong tuyển chọn lao động và bao che cho tham nhũng… Sự việc được Thanh tra Bộ GD&ĐT vào cuộc nhưng kết luận của cơ quan này mới đây đã khiến không ít cán bộ, nhân viên và một bộ phận sinh viên thất vọng. 
Mặc dù trong kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT thừa nhận: “Ông Minh đã thống kê số liệu các bài báo và báo cáo khoa học chưa chính xác. Ông Minh đã nhận sai sót và xin rút kinh nghiệm”, nhưng không hiểu sao Thanh tra Bộ này lại “kết luận” theo hướng: “Ông Minh khẳng định không man khai lý lị̣ch khoa học để tranh cử Hiệu trưởng” để cho rằng việc tố cáo ông Minh là sai. Động thái này khiến dư luận, người tố cáo không khỏi hoài nghi vào sự bao che từ phía Bộ GD&ĐT?
Không công khai các chứng cứ
Ngay sau khi có kết luận của Bộ GD&ĐT do Phó Chánh Thanh tra Phạm Ngọc Trúc ký, người tố cáo tiếp tục có đơn gửi Thanh tra Chính phủ cho rằng Thanh tra Bộ GD&ĐT đã, bao che cho sai phạm và “đẩy” nội dung khai man lý lịch chính trị để kết nạp Đảng của ông Minh sang Đảng ủy khối (đến nay đã 17 tháng, chưa có kết luận); cũng như phần lỵ́ lịch chính trị khai không theo mẫu và hồ sơ bổ nhiệm Hiệu trưởng của ông Minh trái quy định của Thủ tướng đã không được Thanh tra đả động đến.
Thanh tra Bộ GD&ĐT không đưa ra được các chứng cứ theo hồ sơ giải quyết đơn tố cáo để khẳng định ông Minh man khai lý lịch khoa học là Giáo sư nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bianona (Hàn Quốc) và Giáo sư mời giảng hàng năm tại Đại học Hoàng gia Campuchia; cũng như ông Minh man khai 60/40 bài báo quốc tế, trong đó có 29/32 bài báo có chỉ số ISI (có 3 bài ông Minh khai là ISI, nhưng năm đó không có tên trong danh mục).
Kết luận không đưa ra được giấy mời của Viện Công nghệ Bianona mời ông Minh làm việc ở vị trí Giáo sư nghiên cứu trong các năm 2001, 2003 và 2005. Trong khi 3 thư mời ngày 10/12/2001, 2/12/2003 và ngày 6/12/2005 cùng 2 thư nhận xét ngày 24/2/2005 và 4/8/2006 của Giáo sư In Sang Yang (Hàn Quốc) đều ghi rõ mời Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh đến làm việc tại Phòng thí nghiệm Phổ Raman Phân viện  Khoa học Nano và Khoa Vật lý Trường Đại học nữ Ewha. 
Chính vì vậy, ngày 19/9/2012, ông Minh bị Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở ĐHSP “bóc mẽ” sự man khai là Giáo sư nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bianona. Thế nhưng, hai ngày sau không hiểu sao lại xuất hiện lá thư nhận xét thứ 3 của Giáo sư In Sang Yang (sau khi ông Minh đã về nước 6 năm). Lá thư này như là “phao” cứu vớt ông Minh. Nội dung lá thư ngày 21/9/2012 thay vì chức danh Tiến sĩ thì lúc này ông Minh lại là:“GS Nguyễn Văn Minh đã công tác tại La bô quang phổ tán xạ không đàn hồi, Đại học Ewha, Seoul, Hàn Quốc với chức danh Giáo sư nghiên cứu trong 2 năm 2004-2005, ông còn làm việc ở La bo của chúng tôi từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2006”. Vậy nhưng, khi đối chiếu với thư mời ngày 6/12/2005 đóng dấu công văn đến của ĐHSP Hà Nội số 1047 (ngày 21/12/2005) của Giáo sư In Sang Yang gửi ông Minh lại là “Thưa Tiến sĩ Minh, tôi viết thư mời ông tới phòng thí nghiệm của tôi trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/3/2006 đến 31/8/2006,  mọi chi phí và sinh hoạt của ông ở Hàn Quốc được tài trợ bởi đề tài nghiên cứu của tôi”. Thanh tra Bộ GD&ĐT nghĩ gì về điều này? 
Mặc dù vi phạm của ông Nguyễn Văn Minh đã được Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận, tuy nhiên kết luận chưa làm người tố cáo tâm phục, khẩu phục. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cũng như cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ để lấy lại hình ảnh của ngôi trường này.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm