Kết thúc có hậu trên hành trình tìm công lý

(PLO) - Trên con đường cùng bạn đọc đi tìm công lý, chúng tôi đã chứng kiến nhiều mảnh đời, nhiều số phận, mà trong đó, có lúc công tác báo chí đóng vai trò không nhỏ trong sự đồng hành, sẻ chia và nhờ đó, nhiều người đã kiên cường tìm được công bằng cho bản thân và gia đình mình...
Một câu chuyện khác mà PLVN đồng hành đã nhận được cái kết có hậu: Sau gần 40 năm gõ cửa các cơ quan chức năng, năm 2017, Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã được công nhận là Liệt sĩ
Một câu chuyện khác mà PLVN đồng hành đã nhận được cái kết có hậu: Sau gần 40 năm gõ cửa các cơ quan chức năng, năm 2017, Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã được công nhận là Liệt sĩ

Tìm được hy vọng giữa lúc vô vọng nhất

Cơn mưa chuyển mùa giữa đất Nam Tây Nguyên vừa tạnh, con đường dẫn vào thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bùn đất đỏ còn nhão nhẹt, trơn trượt, bánh xe gắn máy quay tít khiến chúng tôi tưởng chừng khó có thể vượt qua. Thế nhưng, ngay lúc đó, chúng tôi nghĩ về đơn cầu cứu với nét chữ học trò run run của em Phạm Kiều Lan T, sinh ngày 12/1/2003, học sinh lớp 8, kể về việc mình bị kẻ xấu hãm hại nhiều lần như đã tiếp thêm sức quyết tâm để phóng viên Báo PLVN đi tìm sự thật.

Trước đó, trong đơn cầu cứu gửi tới gửi tới Báo PLVN, em Phạm Kiều Lan T và gia đình không giấu được sự bất bình, bức xúc trước việc TAND huyện Đức Trọng mặc dù xác định đối tượng  Phạm Ngọc Hưng (23 tuổi, trú tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh) đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của T đã quan hệ tình dục với T bốn lần nhưng HĐXX chỉ tuyên phạt  Hưng 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Sau một hồi vật lộn với đường sá trơn trượt, căn nhà lụp xụp trong thôn Thanh Bình 3 của gia đình em T cũng dần lộ diện. Chị Đỗ Thị Dung, mẹ của nạn nhân tiếp đón chúng tôi trong nỗi đau tột cùng của một người mẹ có con nhỏ bị kẻ xấu lợi dụng giao cấu nhiều lần. Chị cho biết, sau khi bản án của TAND huyện Đức Trọng được tuyên, như mất niềm tin vào cách giải quyết của cơ quan “cầm cân nảy mực”, gia đình chị đã vác đơn cầu cứu tới nhiều cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng nhưng không có đơn vị nào can thiệp hoặc giải quyết thấu đáo sự việc.

Kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của con gái chị để thực hiện hành vi giao cấu nhiều lần là Phạm Ngọc Hưng được hưởng án treo vẫn nhởn nhơ, thách thức dư luận. Riêng em Phạm Kiều Lan T, từ ngày xảy ra sự việc không những bỏ học mà tâm lý còn rất hoang mang, suốt ngày ở trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ bị bạn bè đàm tiếu, mọi người cười chê.

“Thấy quá bất công, đơn thư cầu cứu gia đình đã gửi khắp nơi nhưng không có hồi âm, hoặc giải quyết một cách qua loa theo kiểu đùn đẩy trách nhiệm, vợ chồng tôi và cháu nó chỉ còn cách viết đơn cầu cứu gửi tới Báo PLVN nhờ vào cuộc can thiệp, điều tra, làm rõ. Sau đó tôi cũng đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Đức Trọng...”, anh Phạm Duy - bố của nạn nhân - cho biết. 

Sau khi vào cuộc tìm hiểu, thu thập đầy đủ thông tin, ngày 18/6/2017, Báo PLVN đã đăng tải bài viết “Lâm Đồng: Giao cấu với trẻ em nhiều lần, chỉ bị phạt án treo”. Trước thông tin phản ánh của Báo PLVN, ngay sau đó VKSND Tối cao đã có Văn bản số 2528/VKSNDTC-V2 ngày 10/7/2017 yêu cầu VKSND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thông tin Báo PLVN phản ánh. Chỉ hơn 10 ngày sau, tức ngày 20/7/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm và tuyên bị cáo Phạm Ngọc Hưng 36 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Phạm Ngọc Hưng phải bồi thường cho bị hại 70 triệu đồng.

“Trước sự vào cuộc của Báo PLVN, công lý trở về với gia đình tôi sau những tháng ngày đội đơn đi khắp nơi cầu cứu nhưng bất thành. Trong lúc cả gia đình tôi tưởng chừng như vô vọng nhất thì được Báo PLVN “lên tiếng”. Nhờ có Báo mà gia đình tôi tìm được công lý, giải tỏa được nỗi oan ức và cái xấu đã phải đền tội bằng một bản án xác đáng”, bà Nguyễn Thị Nhung - bà nội nạn nhân chia sẻ. 

Sau những bài báo, người phạm tội đã phải trả giá xứng đáng cho hành vi của mình, nhưng cũng để lại trong chúng tôi nhiều trắc ẩn về những mảnh đời, những số phận, đôi khi là của nạn nhân, nhưng đôi khi cũng là câu chuyện đau lòng của chính người phạm tội và thân nhân của họ. Khi cầm đơn thư bạn đọc đi xác minh, mỗi phóng viên luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc, được lãnh đạo cơ quan ghi nhận và trên hết là để không phụ niềm tin của bạn đọc trong những tâm sự gửi Báo.

Bước đi không cô độc

Đầu tháng 10, con gái ông Nông Văn Tô (trú tổ 7, phường Ngọc Xuân, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) vui mừng gọi điện khoe với chúng tôi: “TAND Cấp cao đã quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật. Thế là gia đình em có hy vọng tìm được công lý. Cám ơn Báo PLVN đã đồng hành và động viên, cũng như có ý kiến tư vấn chuyên môn về mặt luật pháp để gia đình hiểu biết hơn, có điều kiện thu thập chứng cứ đi kiện”.

Gia đình ông Nông Văn Tô là nhân vật trong loạt bài về vụ kiện hành chính quyết định thu hồi đất xây dựng bến xe khách Miền Đông (Cao Bằng) mà chúng tôi đã thông tin tới bạn đọc từ cuối năm 2016 đến nay. Gia đình ông Nông Văn Tô được UBND tỉnh Cao Bằng cấp GCNQSD đất đối với 23.286m2 đất tại địa chỉ nói trên từ năm 2000. Ngày 10/12/2012, UBND TP Cao Bằng ban hành Quyết định số 2415/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất nhà ông Tô là 7609,4m2 để xây dựng Bến xe Miền Đông. 

Do gia đình ông Nông Văn Tô không chấp hành nên ngày 19/9/2013 UBND TP Cao Bằng ban hành Quyết định số 1934/QĐ-UBND về việc tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Tô. Ngày 06/08/2014, ông Nông Văn Tô có đơn khởi kiện tại TAND TP Cao Bằng yêu cầu hủy Quyết định số 1934/QĐ-UBND, yêu cầu UBND TP Cao Bằng tổ chức xin lỗi công khai, đăng nội dung xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, bồi thường thiệt hại giá trị tài sản gần 1,4 tỉ đồng.

Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2015/HC-ST ngày 30/7/2015 của TAND TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) và Bản án hành chính phúc thẩm số 04/2015/HCPT ngày 22/10/2015  của TAND tỉnh Cao Bằng bác yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông Tô. 

Điều đáng nói trong vụ kiện hành chính này là, UBND thị xã Cao Bằng đã căn cứ Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND thị xã Cao Bằng về việc phê duyệt tổng mặt bằng công trình Bến xe Miền Đông, ban hành Thông báo số 39/TB-UBND về việc thu hồi đất xây dựng công trình Bến xe khách Miền Đông. Tuy nhiên, ngày 24/10/2012, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND với nội dung: Bãi bỏ Quyết định số 302/QĐ-UBND do ban hành chưa đúng thẩm quyền. Như vậy, Quyết định 302 và Thông báo số 39 nêu trên đương nhiên hết hiệu lực pháp luật từ ngày 24/12/2012.

Hội đồng Thẩm phán cũng nhận định, ngày 19/9/2013, UBND TP Cao Bằng ban hành Quyết định 1940/QĐ-UBND về việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng và bảo vệ thi công đối với hộ gia đình ông Nông Văn Tô, nội dung Quyết định thực hiện Thông báo số 39, mà Thông báo này đã hết hiệu lực bởi Quyết định số 1577. Ngoài ra, Quyết định 1940 cũng để thực hiện Quyết định 2398/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Cao Bằng, mà Quyết định này là Quyết định ban hành không đúng thẩm quyền. 

Từ đó, Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/HC-GĐT của TAND Cấp cao tại Hà Nội  nhận định, Tòa án hai cấp xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Tô đối với Quyết định số 1940/QĐ-UBND là không có căn cứ.

“Dù vụ án quay lại giai đoạn xét xử sơ thẩm và được giao về cho đơn vị Tòa án đã từng bác kháng cáo của chúng tôi một cách thiếu căn cứ, nhưng gia đình vẫn hy vọng sẽ được xem xét công bằng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Khi các cấp Tòa địa phương “quay lưng”, sự ủng hộ có lý, có tình của Báo đã là nguồn động viên lớn của gia đình” – ông Tô tâm sự.

Còn những hành trình dang dở...

Bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở khi kết quả không như mong đợi, sự việc của bạn đọc chưa được giải quyết. 

Còn nhớ, một ngày cuối tháng 6/2017, Ban Pháp luật – Bạn đọc nhận được đơn cầu cứu của bà Nguyễn Thị Hòa (trú tại tổ 1, phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) trình bày về việc suốt 6 năm qua bà mòn mỏi gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sỹ cho chồng bà là thương binh hạng 4/4 Hoàng Văn Dũng – nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La hy sinh do vết thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái phát. 

Theo đơn bà Hòa cho biết, vết thương của ông Hoàng Văn Dũng đã được xác định là chấn thương sọ não kín, đụng giập nhu mô não, đa vết thương vùng đầu, theo dõi chấn động não, thuốc điều trị “chống phù não”. Đặc biệt, suốt 6 năm trời ông Dũng bị tái phát vết thương, được điều trị và có bệnh án số 51 của Bệnh xá Công an Sơn La theo dõi. Do đó, việc Công an tỉnh Sơn La cho rằng thương binh Hoàng Văn Dũng tử vong không phải do vết thương tái phát nên không đề nghị xét công nhận liệt sỹ là không đảm bảo công bằng.

Nhận thấy sự việc có nhiều dấu hiệu không minh bạch, lãnh đạo đã chỉ đạo làm rõ vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người có công, thực hiện đúng chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi trăn trở là sau khi bài viết “Vì sao nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông không được công nhận là liệt sỹ?” đã được đăng tải trên Báo PLVN nhưng đến nay vẫn không làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của các cơ quan chức năng về sự việc này... 

Đọc thêm