Khi công lý không đứng về lẽ phải

(PLO) - Sống gần 20 năm trên mảnh đất mua hợp pháp, đột nhiên một ngày có người khởi kiện ra tòa và dấu hiệu bất minh trong xét xử của cơ quan “cầm cân nảy mực” đã khiến công lý không đứng về lẽ phải.
Ngôi nhà của gia đình bà Hiểu trên mảnh đất sử dụng hơn 20 năm qua
Ngôi nhà của gia đình bà Hiểu trên mảnh đất sử dụng hơn 20 năm qua
Đất mua ở 20 năm
Theo các tài liệu liên quan, ngày 2/1/1993, bà Hoàng Thị Hiểu mua 1.275m2 đất  thuộc Tiểu khu 4 xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La của vợ chồng ông bà Hà Văn Pè - Lừ Thị Nhọt thông qua hợp đồng mua bán viết tay. Để có đất, bà Hiểu trả cho vợ chồng ông Pè hai chiếc xe máy và 20 triệu đồng.
Ở thời điểm chuyển nhượng, mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ nên vợ chồng ông Pè ghi rõ trong giấy bán: “Khi nào Nhà nước cấp sổ đỏ, vợ chồng tôi giao cho chị Hiểu. Ngoài chị Hiểu ra, không ai có quyền sử dụng thẻ đỏ (sổ đỏ-PV) mang tên Hà Văn Pè”. 
Đến năm 1994, mảnh đất được cấp sổ đỏ, bà Hiểu yêu cầu ông Pè giao sổ nhưng ông Pè nói rằng cho anh trai mượn để cầm cố vay tiền. Để làm bằng chứng, ông Pè ghi thêm vào giấy bàn giao nhà đất là: “Thẻ đỏ của tôi, tôi cho anh trai tôi là anh Ùn mượn, tôi đòi nhưng anh Ùn không trả, khi nào đòi được thẻ đỏ tôi sẽ giao trả cho chị Hiểu, nếu sai tôi chịu phạt trước pháp luật”. Cam kết là vậy nhưng nhiều năm sau sổ đỏ của mảnh đất vẫn bặt tăm.
Đến khoảng đầu năm 1996, gia đình bà Hiểu tiến hành xây lại nhà trên đất này. Khi ngôi nhà vừa xây xong thì ông Nguyễn Thành Phương ở tiểu khu 4 xã Cò Nòi đến nói với bà Hiểu rằng sổ đỏ đất này đã được ông Ùn và ông Pè “cắm” cho ông Phương. Bà Hiểu cho ông Phương biết mảnh đất bà mua của nhà ông Pè từ năm 1993, việc cắm sổ thế là không đúng. Tuy nhiên, ông Phương cũng không đưa trả sổ đỏ cho bà Hiểu.
Bà Hiểu: “Đừng bắt tôi mất niềm tin vào công lý”
Bà Hiểu: “Đừng bắt tôi mất niềm tin vào công lý” 
Tòa xử đầy khó hiểu
Sổ đỏ không được trả mà thay vào đó, tháng 11/2013 bà Lừ Thị Nhọt khởi kiện bà Hiểu đòi đất với lý do mảnh đất này do gia đình bà Hiểu lấn chiếm của gia đình bà. Khi bà Hiểu đưa ra giấy tờ mua bán từ năm 1993 thì bà Nhọt không công nhận, cho rằng đó là giấy tờ giả. Còn lý do vì sao đất bị lấn chiếm, gia đình bà Hiểu sử dụng ở suốt 20 năm mà không có ý kiến gì thì phía bà Nhọt không giải thích được.
Tại tòa, bà Hiểu đưa ra giấy tờ liên quan chứng minh việc mua đất như giấy chuyển nhượng từ năm 1993 có chữ ký của vợ chồng ông Pè, bà Nhọt. Rồi trong một Giấy biên nhận làm chứng lập ngày 14/6/1999 có sự chứng kiến, xác nhận của cán bộ xã, ông Pè lại một lần nữa khẳng định đã bán cho bà Hiểu từ năm 1993. Thế nhưng TAND huyện Mai Sơn vẫn bỏ qua các bằng chứng này khi ra Bản án sơ thẩm số 04/2014/DSST ngày 17/6/2014 tuyên chấp nhận yêu cầu đòi đất của bà Nhọt.
Về vụ việc này, một số luật sư cho rằng, Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm đã thiếu thận trọng, thậm chí có dấu hiệu cố tình xử sai. Lẽ ra khi nghi ngờ tính xác thực của giấy tờ mua bán viết tay thì Tòa phải trưng cầu giám định; đồng thời cần làm sáng tỏ sự mâu thuẫn đến mức vô lý trong sự việc, đó là nếu không có việc mua bán như khẳng định của bà Nhọt thì vì sao lại để gia đình bà Hiểu sử dụng và ở trên đất này liên tục suốt 20 năm được? Trong chừng ấy năm, gia đình bà Hiểu nhiều lần xây dựng nhà mà không hề có ý kiến phản đối của gia đình bà Nhọt?
Hiện gia cảnh bà Hiểu rất khó khăn, bản thân bà bị mù lòa, nhiều bệnh. Bản án sơ thẩm nói trên khiến gia đình bà rất hoang mang. “Tôi không ngờ người ta lại câu kết cướp đoạt nhà đất của tôi trắng trợn như vậy. Tòa xử án như vậy, tôi còn có thể tin vào đâu…” - bà Hiểu mệt mỏi.
Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm vụ án này sẽ được TAND tỉnh Sơn La mở vào ngày 17/9 tới. Người dân đang chờ phán quyết khách quan, đúng pháp luật của TAND tỉnh Sơn La.

Đọc thêm