Không có nước sạch, người dân ám ảnh tử vong do ung thư

(PLO) -  Biết là người dân thiếu nước sạch, nhưng do "tốn kém" mà đường ống nước chưa về được với thôn Xuân Lâm, khiến cho những cái chết về ung thư trở thành nỗi ám ảnh hãi hùng.
Nguồn nước giếng đào hay giếng khoan ở ngôi làng này đều bị nhiễm phèn nặng 

​
Nguồn nước giếng đào hay giếng khoan ở ngôi làng này đều bị nhiễm phèn nặng ​

Ám ảnh tang chồng tang

Thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)Nằm cách dòng sông Cánh Hòm khoảng 100m, tiếp giáp với ba thôn Nhĩ Hạ, Tân Minh (thuộc xã Gio Thành, huyện Gio Linh) và Mai Xá (cùng xã Gio Mai), Lâm Xuân từ lâu được biết đến như một thôn thanh bình, người dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, phát triển chăn nuôi. 

Thế nhưng, những năm gần đây. trong thôn bỗng nhiên có nhiều người mới ở độ tuổi 40 – 50, thậm chí trẻ hơn đột ngột qua đời bởi ung thư. 

Theo thống kê, số người nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng. Trong đó, chỉ tính riêng gần hai năm từ giữa 2014 đến nay, ở thôn đã có khoảng 50 trường hợp mắc bệnh và tử vong do ung thư. Con số này khiến nhiều người dân trong vùng hoang mang.

Bà Nguyễn Thị Lưỡng (SN 1942, ngụ đội 4, thôn Lâm Xuân) kể: “Chỉ trong vòng ba năm, nhà tôi đã có ba người thân lần lượt qua đời do ung thư. Đầu tiên là người chị dâu, tiếp đến là em trai, vừa mới đây lại đến anh trai tôi. 

Cứ thế, tang lại chồng tang, nỗi đau dai dẳng đó không biết còn lặp lại nữa không, vì hiện tại gia đình và họ hàng tôi cứ nghe đi bệnh viện khám là lại dấy lên nỗi lo lắng, bất an”. 

Theo nhiều người, những năm về trước, ở Lâm Xuân cũng có vài trường hợp tử vong do ung thư. Nhưng gần đây, số người mắc bệnh tăng nhanh chóng. Nhiều trường hợp đang công tác khỏe mạnh, đột nhiên phát hiện bệnh. 

Như ông Phương công tác trong ngành y vừa qua đời do ung thư vòm họng. Ông Thành đang làm đồng khỏe mạnh, đột nhiên bị ốm, gia đình đưa đi khám mới biết ung thư não. Chưa đầy hai tháng sau, ông Thành qua đời. Đặc biệt, trường hợp hy hữu là một thanh niên chưa đầy 20 tuổi cũng không qua khỏi vì ung thư xương.

Thực trạng đau lòng này đang ngày đêm ám ảnh người dân. Bởi lẽ, căn bệnh “tử thần” này không chỉ cướp đi sinh mạng của một người mà còn đẩy gia đình họ rơi vào túng quẫn, kiệt quệ khi phải vay mượn chữa trị một thời gian dài không thành.

Nước nhiễm độc, vẫn phải cắn răng dùng

Hầu hết, những trường hợp mắc ung thư trên địa bàn đều chủ yếu tập trung ở đội 2 và đội 4 của thôn. Theo kết quả xét nghiệm nguồn nước, đây là khu vực có nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nhất.

Theo lời người dân địa phương, vì chưa có hệ thống nước sạch nên mọi người đã đào giếng hay khoan nước để dùng cho sinh hoạt, ăn uống. Ở các giếng nước đào, khi đưa gàu múc lên, nước có màu vàng lợn cợn. 

Còn đối với nước giếng khoan, lúc bơm lên sẽ có mùi rất tanh, để vài phút sau sẽ xuất hiện một lớp cặn màu vàng bám quanh thành đáy, trên bề mặt nổi lên lớp váng. 

Ở Lâm Xuân, có 360 hộ dân với 1.674 nhân khẩu thì cũng có ngần ấy bể lọc nước. Mỗi gia đình đều xây một bể lọc, sau một thời gian ngắn các bức thành bể đều như được quét một lớp sơn màu vàng đỏ.

Chị Võ Thị Hiền (SN 1988, đội 4, thôn Lâm Xuân) chia sẻ: “Tôi vẫn biết nước giếng khoan nhà tôi nhiễm phèn rất nặng, vì khi lọc ra nước trông khá sạch nhưng nấu lên để hãm chè xanh thì màu nước chè trở thành màu tím. Thế nhưng giờ vẫn phải sử dụng chứ biết làm sao? Đi mua nước sạch ở nơi khác về dùng thì đâu có tiền?”.

Nước lọc như thế cũng không đủ dùng. Mùa đông còn có thể đủ cho cả nhà. Nhưng đến mùa hè, lượng nước lọc ra không đủ nhu cầu. Vì thế hàng chục năm nay, người dân ở đây vẫn phải sử dụng trực tiếp nguồn nước giếng để tắm giặt, thậm chí rửa thức ăn.

 “Tính sơ sơ, mỗi tháng nhà tôi cũng đã phải chạy xe máy sang thôn Mai Xá để mua 50 nghìn nước sạch về dùng. Số nước ấy chỉ sử dụng cho mỗi mục đích ăn uống”, bà Nguyễn Thị Khoai (SN 1950) cho hay.

Được biết, trước đây vào năm 2012, khi dự án xây dựng công trình nước sạch từ “Nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” về khảo sát, thôn Lâm Xuân cũng nằm trong diện được triển khai nối đường ống nước sạch về làng. 

Tuy nhiên, sau khi khảo sát, do đặc thù địa bàn nằm biệt lập so với các thôn khác, gây tốn kém về chi phí kéo đường ống nên cuối cùng thôn không được chọn. 

Trao đổi với PV, ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết: “Sau khi nhận được đơn thư của bà con, chính quyền địa phương cũng đã gấp rút đề bạt lên cấp trên sớm vào cuộc để ổn định tinh thần cho người dân. Để khắc phục vấn nạn trước mắt, chúng tôi cũng liên hệ với hai thôn Mai Xá và Nhĩ Hạ chia sẻ khó khăn với người dân Lâm Xuân, bằng cách tạo điều kiện bán nước sạch cho bà con dùng tạm, trong thời gian chờ đợi đường ống nước sạch được nối mở về thôn”.

Cũng theo ông Lương, nguồn nước và đất ở đây bị ô nhiễm nặng là bởi: Thời chiến tranh, Lâm Xuân cũng là một chiến trường ác liệt, hứng chịu lượng hóa chất lớn từ bom đạn. Thêm nữa, đây là vùng làm nông, người dân thường sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng nên có khả năng đất và nguồn nước cũng bị ảnh hưởng.

Tại kết quả báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị, sau khi lấy 13 mẫu nước được dùng để uống, nấu ăn và sinh hoạt tại nhà các hộ dân ở thôn Lâm Xuân, kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy nguồn nước có độ Ph, hàm lượng sắt tổng số, Amoni – không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống; chỉ tiêu hàm lượng Hydro sunfua cao gấp nhiều lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống; các giếng khoan nước có mùi H2S; chỉ số pecmanganat và coliform vượt giới hạn cho phép.

UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cùng các đơn vị liên quan cân đối, tham mưu để tiến hành triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thôn trong năm 2016. 

Thế nhưng, đến nay đã gần nửa năm 2016, vẫn chưa có thông tin thời gian và kế hoạch lắp đặt đường ống nối nước sạch chuyển về địa bàn. Trong khi thời điểm này ở Quảng Trị nắng hạn gay gắt, nhu cầu sử dụng nguồn nước tăng đột biến. Và hàng trăm hộ dân ở thôn Lâm Xuân vẫn cứ khắc khoải, mòn mỏi đợi chờ nước sạch. 

Đọc thêm