Khu dịch vụ hậu cần cảng biến thành mỏ khai thác đất khổng lồ?

(PLO) - Quả đồi với hàng triệu mét khối đất đang bị doanh nghiệp ngày đêm múc bán sau khi được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại Khu công nghiệp Cái Lân.
Đồi Ghềnh Táu đang được Công ty CP Cảng Thái Hưng đào bới đem đất đi bán
Đồi Ghềnh Táu đang được Công ty CP Cảng Thái Hưng đào bới đem đất đi bán
Bản thanh toán công nợ đáng chú ý
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (BQL), năm 2010 Cty CP 12 -11 Hạ Long được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 22221000042 để làm chủ đầu tư Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại đồi Ghềnh Táu. 
Tuy nhiên, sau thời gian tiếp nhận chưa lâu, doanh nghiệp này đã làm văn bản đề xuất rút khỏi dự án với lý do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 
Đáp ứng “nguyện vọng” của doanh nghiệp, BQL đã ban hành Quyết định  136/QĐ-KKT chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại KCN Cái Lân do Cty CP 12-11 Hạ Long làm chủ đầu tư.
Ngay sau khi Cty CP 12-11 Hạ Long bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, một doanh nghiệp khác là Cty CP Cảng Thái Hưng đã đứng ra xin tiếp nhận dự án. Theo đó ngày 12/9/2013, Cty này có văn bản gửi BQL xin tiếp nhận và tiếp tục thực hiện Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại đồi Ghềnh Táu. Trước đề xuất này, BQL đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 22221000081 chứng nhận lần đầu ngày 23/10/2013 cho Cty CP Cảng Thái Hưng để tiếp tục triển khai dự án.
Theo điều tra của chúng tôi, Cty CP  Cảng Thái Hưng và Cty CP 11-12 Hạ Long vốn không phải là “những người xa lạ” mà từng có quan hệ làm ăn với nhau. Một biên bản thanh toán công nợ được lập năm 2013 giữa Cty CP Cảng Thái Hưng và  Cty CP 12-11 Hạ Long cho thấy Cty CP Cảng Thái Hưng đã trả cho Cty 12-11 Hạ Long 27,9 tỷ đồng để mua lại dự án đồi Ghềnh Táu. Ngoài ra, Cty CP Cảng Thái Hưng cũng “xuất” 5 tỷ đồng trả cho Cty CP Cảng Lilama trong một thương vụ khác.
Với thông tin từ bản thanh toán công nợ này, dư luận địa phương và các nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi liệu Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại KCN Cái Lân có phải đã bị Cty CP 12-11 Hạ Long bán lại cho Cty CP Cảng Thái Hưng? Và thực sự có phải Cty CP 12-11 Hạ Long tự nguyện trả lại Dự án trên hay đây chỉ là động tác “dọn đường” cho Cty CP Cảng Thái Hưng tiếp quản dự án một cách hợp pháp sau khi hai bên đã xong các thủ tục “bán chác”? 
Đoàn xe chở đất của Công ty CP Cảng Thái Hưng nối đuôi nhau chở đất từ đồi Ghềnh Táu
Đoàn xe chở đất của Công ty CP Cảng Thái Hưng
nối đuôi nhau chở đất từ đồi Ghềnh Táu
Hàng triệu mét khối đất 
bán đi đâu?
Có mặt tại đồi Ghềnh Táu, quan sát của chúng tôi cho thấy Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container đang biến thành một khai trường hối hả. Cả một đồi đất rộng mênh mông trong quần thể vừa được giao cho Cty CP Cảng Thái Hưng đang bị “xẻ thịt” không thương tiếc.
Theo đó, hàng loạt máy ủi, máy xúc và những đoàn xe tải gắn logo “Thái Hưng” tấp nập hoạt động không ngơi nghỉ. Những gầu múc khổng lồ từ máy xúc ùn ùn trút đất xuống xe tải “Thái Hưng” để vận chuyển ra lấp xuống một dự án khác dưới chân cầu Bãi Cháy.
Người dân bản địa cho hay, số đất tại đồi Ghềnh Táu lên cả triệu mét khối, với giá bán hiện nay trên dưới 70.000 đồng/m3 thì số tiền mà Cty CP Cảng Thái Hưng thu được là rất lớn.
Cung cấp thông tin cho báo chí, đại diện BQL cho biết, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Cty CP Cảng Thái Hưng đang bốc xúc san lấp mặt bằng, toàn bộ số đất đá tại đồi Ghềnh Táu được Cty CP Cảng Thái Hưng ký hợp đồng với nhà thầu là Cty TNHH Olympia để đưa đất đá san lấp cho một dự án dưới chân cầu Bãi Cháy.
Chưa cần phải sản xuất, chỉ mới tiếp nhận dự án thì Cty CP Cảng Thái Hưng đã có “thu hoạch” bằng việc múc đất trong dự án đem đi bán. Dư luận đặt câu hỏi, với một doanh nghiệp có số vốn khiêm tốn như vậy nhưng tại sao Thái Hưng lại dễ dàng được cấp dự án lên đến 300 tỷ đồng? Hành vi múc đất đi bán đút túi tiền tỷ như vậy liệu có phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, và tiền thuế tài nguyên trong trường hợp này ai sẽ kiểm soát? Liệu có dấu hiệu của “lợi ích nhóm” trong câu chuyện được sắp đặt lớp lang này hay không? T.T
Giao dự án 300 tỷ cho doanh nghiệp có vốn… 20 tỷ
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi Container tại KCN Cái Lân có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, với quy mô diện tích 188.272 m2. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính được lập ngày 30/7/2013 của Công ty CP Cảng Thái  Hưng thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ có  20 tỷ đồng. 

Đọc thêm