Khuất tất trong việc cổ phần hóa tại Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu

(PLVN) -Nửa năm sau ngày mua cổ phần để được nắm giữ 36,51% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn nhất của Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu nhưng vẫn không thấy tổ chức Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Danh Hưng có đơn kiến nghị thì nhận được trả lời do có vướng mắc liên quan đến việc xác định nguồn vốn Nhà nước nên các nhà đầu tư sẽ phải nhận lại tiền để điều chỉnh lại mức vốn điều lệ…
Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu (ảnh Internet)
Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu (ảnh Internet)

Báo Pháp luật Việt Nam có nhận được phản ánh của ông Đoàn Danh Hưng (Hà Nội) về những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu. Trong đơn ông Hưng trình bày như sau: Vào ngày 20/12/2018, ông đã tham gia mua và trúng đấu giá cổ phần của Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu do Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh tiến hành bán đấu giá với giá trúng là 10.000 đồng/cổ phần. 

Đến ngày 29/12/2018, ông Hưng đã hoàn tất việc thanh toán tiền mua 1.303.493 cổ phần của Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu với tổng số tiền là 13.034.930.000 đồng (mười ba tỷ không trăm ba mươi bốn triệu chín tram ba mươi nghìn đồng). Với số cổ phần trên tương đương với việc ông Hưng đã sở hữu 36,51% vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc ông là cổ đông lớn của Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu (theo phương án chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu thành Công ty cổ phần được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt tại Quyết định số 731/QĐ-UBND).

Đơn đề nghị của ông Hưng về việc gần nửa năm vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông khiến cổ đông bị chậm quyền lợi
Đơn đề nghị của ông Hưng về việc gần nửa năm vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông khiến cổ đông bị chậm quyền lợi

Căn cứ theo khoản 1, Điều 41 của Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc “Chuyển Doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần”, quy định rõ: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.”. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, ông Hưng vẫn chưa nhận được bất kỳ tài liệu, thông tin nào có liên quan đến việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để thành lập công ty cổ phần.

Văn bản số 40 của Ban chỉ đạo CPH Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu thừa nhận khuyết điểm, chân thành xin lỗi vì để chậm trễ tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu, dẫn đến làm chậm quyền lợi được hưởng của người mua cổ phần
Văn bản số 40 của Ban chỉ đạo CPH Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu thừa nhận khuyết điểm, chân thành xin lỗi vì để chậm trễ tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu, dẫn đến làm chậm quyền lợi được hưởng của người mua cổ phần

Trong đơn ông Hưng còn trình bày thêm: Ông nhận được một số thông tin liên quan đến quá trình quyết toán và chuyển giao tài sản của Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu như sau: “Có một số tài sản của Trung tâm đã được tính vào giá trị doanh nghiệp trong quá trình xác định phần vốn của Nhà nước tại Trung tâm nhưng được đánh giá lại là tài sản công và nằm trong diện UBND tỉnh Bạc Liêu thu hồi”.

Cho rằng việc thu hồi tài sản trên làm ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, ngày 21/5/2019 ông Hưng làm đơn đề nghị Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu làm rõ vấn đề trên.

Đến ngày 28/5/2019, ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng Ban chỉ đạo CPH Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu ký văn bản số 40/BCD-CV thay mặt Ban Chỉ đạo CPH Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu phúc đáp đơn đề nghị của ông Đoàn Danh Hưng có nội dung nhận khuyết điểm, chân thành xin lỗi nhà đầu tư vì để chậm trễ tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu, dẫn đến làm chậm quyền lợi được hưởng của người mua cổ phần. 

Văn bản số 40 kể trên nêu rõ: “Do vướng mắc liên quan đến xác định lại nguồn vốn nhà nước (giá trị vốn nhà nước thực tế sẽ giảm hơn số liệu đã công bố tại thời điểm xác định giá trị đơn vị) cho nên đã quá thời gian quy định nhưng vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu để chuyển Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu thành công ty cổ phần theo quy định.

Vì giá trị phần vốn nhà nước giảm, nên Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh theo hai hướng là giảm tỷ lệ vốn nhà nước thực tế (nhưng vẫn giữ mức 51% vốn điều lệ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dự kiến tỷ lệ vốn cổ phần bán ra ngoài từ chiếm 37,47% vốn điều lệ giảm xuống còn 35,63% vốn điều lệ); hoặc sau khi được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, thì Ban Chỉ đạo sẽ làm việc với ông Hưng và các cổ đông khác nhằm thương thảo, thống nhất phương án nêu trên và các nhà đầu tư nhận lại tiền, do phải điều chỉnh lại mức vốn điều lệ như đề cập nêu trên”.

Rõ ràng các nhà đầu tư, người mua cổ phần không có lỗi trong việc chậm trễ tổ chức Đại hội cổ đông mà yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về Ban Chỉ đạo CPH Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu nhưng với việc trả lời của Văn bản 40 nêu trên thì nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt đơn, thiệt kép. Việc trả lời của Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu như trên có đúng pháp luật hay không?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Đọc thêm