Lâm Đồng: Lão nông gần 7 năm là nạn nhân trong vụ án bị làm “phức tạp hóa”

(PLO) - Điều tra vụ việc ông Hoàng Quý (trú tại 941 Hùng Vương, khu 7, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) kiện ông Bùi Văn Hòa (tên gọi khác là Mèo)- Giám đốc Cty cổ phần XNK Thiên Hòa (937 Hùng Vương, thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) nợ trên 1,656 tỉ đồng nhưng không trả, vụ án đã kéo dài gần 7 năm nay không kết thúc, phóng viên thu thập được những bằng chứng là các file ghi âm việc thẩm phán có dấu hiệu gợi ý tiền nong và nhận quà của đương sự, "thỉnh án". 
Ông Hoàng Quý cung cấp các file ghi âm cho phóng viên
Ông Hoàng Quý cung cấp các file ghi âm cho phóng viên
Thẩm phán bị tố nhận quà đương sự 
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoàng Quý (trú tại 941 Hùng Vương, khu 7, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cho biết: Ngày 25/3/2008 vợ chồng ông có cho ông Bùi Văn Hòa (còn có tên gọi khác là Mèo, Hòa “mèo”) - Giám đốc Cty cổ phần XNK Thiên Hòa (937 Hùng Vương, thị trấn Di Linh) là chỗ thân tình vay số tiền 1,656 tỉ đồng, có giấy vay và giấy nhận tiền mặt do Hòa ký. 
Khi ông Quý cần tiền đòi thì vị giám đốc doanh nghiệp này không trả, buộc ông phải kiện ra tòa. Qua hai phiên sơ thẩm, hai phiên phúc thẩm và một quyết định giám đốc thẩm của tòa dân sự TAND Tối cao, đến nay đã gần 7 năm nhưng vụ án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều tra của phóng viên cho thấy có căn cứ chứng minh ông Bùi Văn Hòa đã cung cấp chứng cứ giả mạo trước TAND tỉnh Lâm Đồng để đánh tráo sự việc không có thật với một sự việc có thật. 
Hiện vụ án đang bị “ngâm” tại TAND huyện Di Linh, đã hơn 1 năm nhưng cơ quan này vẫn không đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 3).
Trụ sở TAND tỉnh Lâm Đồng.
 Trụ sở TAND tỉnh Lâm Đồng. 

Theo tố cáo của ông Hoàng Quý, vì nóng ruột do vụ án chậm được xét xử và vì  nhiều lần nhận được gợi ý từ Thẩm phán Nguyễn Kim Đồng – (thời điểm đó là Phó Chánh án TAND huyện Di Linh, hiện ông Đông đang là Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra của TAND tỉnh Lâm Đồng) nên ông Quý đã chấp nhận mua quà tặng cho vị cán bộ tòa này. “Được ông Đồng gợi ý nên có lần tôi đã cho quà, chỉ mong họ công tâm nhanh đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật để tôi đòi được số tiền lớn từ mồ hôi công sức của của mình”- ông Quý nói. 
Ông Quý tố cáo, khi ông Đồng gợi ý về việc cần một cái máy camera để đi chụp ảnh cưới, ông đã đi mua về đưa cho ông này. File ghi âm cho thấy khi đứng trước cửa hàng điện máy Văn Hương (phường 1, TP Bảo Lộc) ông Quý đã hỏi ông Đồng là cần loại máy nào và được ông Đồng cho biết là cần loại camera có chức năng chụp ảnh. Theo hóa đơn của cửa hàng điện máy Văn Hương mà ông Quý vẫn giữ làm bằng chứng cung cấp cho phóng viên thì chiếc máy quay ông đã mua cho thẩm phán Đồng hiệu Sony DCR- SR 20E cùng chân đế, túi đựng với giá gần 7,5 triệu đồng. Sau khi mua máy, ông Quý đã gọi thẩm phán Đồng đến nhận máy. Hiện ông Qúy vẫn đang giữ và cung cấp cho phóng viên các file ghi âm thể hiện việc trao đổi, mua bán, giao nhận máy này. 
Hóa đơn của cửa hàng điện máy Văn Hương mà ông Quý vẫn giữ làm bằng chứng cung cấp cho phóng viên thì chiếc máy quay ông đã mua cho thẩm phán Đồng hiệu Sony DCR- SR 20E cùng chân đế, túi đựng với giá gần 7,5 triệu đồng.
Hóa đơn của cửa hàng điện máy Văn Hương mà ông Quý vẫn giữ làm bằng chứng cung cấp cho phóng viên thì chiếc máy quay ông đã mua cho thẩm phán Đồng hiệu Sony DCR- SR 20E cùng chân đế, túi đựng với giá gần 7,5 triệu đồng.  
Ngày 12/11, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Ngô Kiểm- Chánh văn phòng TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện thẩm phán Nguyễn Kim Đồng đã chuyển về làm Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra của TAND tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi làm việc, phóng viên đã cung cấp những thông tin ông Hoàng Quý tố cáo thẩm phán Nguyễn Kim Đồng và được ông Ngô Kiểm ghi nhận và hứa sẽ chuyển vụ việc đến lãnh đạo TAND tỉnh Lâm Đồng xác minh làm rõ.
Nghi vấn tòa né trách nhiệm, "thỉnh án"?
Trước thông tin tiêu cực của thẩm phán, có dấu hiệu chỉ đạo án do ông Hoàng Quý tố cáo, ngày 12/11 chúng tôi đã liên tục liên hệ làm việc với ông Võ Minh Phương- Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên ông Phương đã không tiếp xúc và hợp tác với phóng viên, không trả lời. Còn Thẩm phán Huỳnh Thanh Sơn- Chánh tòa Dân sự (TAND tỉnh Lâm Đồng) khi làm việc với phóng viên thì liên tục từ chối trao đổi nội dung vụ án (mặc dù ông Sơn là người đã từng tham gia xét xử vụ án này).
Nói về việc ông Hoàng Quý tố các cấp tòa án tỉnh Lâm Đồng có dấu hiệu chỉ đạo án, ông Sơn cho rằng TAND cấp sơ thẩm xét xử độc lập, không chịu sự tác động, không có sự chỉ đạo nào từ TAND tỉnh Lâm Đồng. Trái ngược với khẳng định của ông Sơn, theo các file ghi âm do ông Hoàng Quý cung cấp cho thấy TAND huyện Di Linh giải thích lý do chậm án là còn “ôm hồ sơ lên tỉnh xin ý kiến” và xin “thỉnh án”.
Trả lời câu hỏi vì sao vụ án bị ngâm hơn 1 năm trời, đã quá thời hạn quy định theo luật định mà không được đưa ra xét xử (sơ thẩm lần 3), ông Trần Thanh Hải- Chánh án TAND huyện Di Linh đổ lỗi là do vụ án phức tạp. Ông Hải né tránh trả lời các câu hỏi của phóng viên về các bằng chứng cho thấy Bùi Văn Hòa có dấu hiệu giả mạo chứng cứ nhằm chiếm đoạt số tiền vay của ông Hoàng Quý. Ông Hải cho biết là đã giao cho thẩm phán K’Tìm thụ lý và thừa nhận đã để vụ án kéo dài, sẽ cố gắng xét xử trong thời gian tới.
Khi hỏi về việc có bằng chứng ghi âm cán bộ TAND Di Linh nói vụ án này phải “thỉnh án”, ông Hải im lặng và không giải thích "thỉnh án" là gì? Vì sao phải "thỉnh án"? 
Một bằng chứng xác thực nữa cho thấy là vụ án này có dấu hiệu đang bị cơ quan chấp pháp tại Lâm Đồng “làm xiếc” khi Thẩm phán K’Tìm là người được giao xét xử sơ thẩm vụ án này lần 3. Thay vì phải điều tra công minh, độc lập trên cơ sở phân tích chứng cứ, tài liệu vụ án thì thẩm phán này có dấu hiệu chỉ là "bình phong" cho người khác điều khiển. Trong các tin nhắn trao đổi giữa số máy của ông Hoàng Quý với thẩm phán K’Tìm về việc vì sao chưa đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán này cho biết là: “Vụ này em xử dùm cho thẩm phán Sơn. Khi nào thẩm phán Sơn làm án xong thì xử”. 
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục có các bài viết phân tích về các dấu hiệu "thỉnh án", giả chứng cứ, phòng công chứng, chính quyền tiếp tay giúp ông Bùi Văn Hòa tẩu tán tài sản trong quá trình đang diễn ra vụ án này...
Luật sư Nguyễn Văn Tú- Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, GĐ Công ty luật Fanci: 
“Nếu lãnh đạo tòa án dùng vị trí hành chính của mình để tác động lên thẩm phán, HĐXX là vi phạm nghiêm trọng đến hoạt động tư pháp. Thẩm phán, HĐXX có trách nhiệm điều tra xác minh thông tin liên quan đến vụ án. Khi tiến hành xét xử phải dựa trên chứng cứ tài liệu thu thập được và lời khai của các bên liên quan trước tòa thì bản án mới đảm bảo tính công minh. Còn nếu thẩm phán chỉ là “máy phát” trước tòa, còn bản án do người khác viết hộ thì rõ ràn có dấu hiệu xâm phạm trắng trợn hoạt động tư pháp. Vụ việc tiêu cực này, nếu Cục điều tra VKSND Tối cao (cục 6) nhận được tố cáo thì có thể sẽ vào cuộc điều tra làm rõ”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm