Lạng Sơn: Cầu gần 60 tỷ “bỏ hoang” vì chưa có đường dẫn

(PLO) - Cầu vượt Ga đường sắt Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) được xây dựng từ năm 2004 với số vốn gần 60 tỷ đồng. Mặc dù hoàn thành 8 năm nay, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng do chưa có đường dẫn lên cầu khiến người dân không khỏi bức xúc.
Đoạn đường dẫn lên cầu, 8 năm chưa được hoàn thiện
Đoạn đường dẫn lên cầu, 8 năm chưa được hoàn thiện

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn

Không chỉ là một thị trấn giáp biên có vị trí quan trọng trong khu kinh tế cửa khẩu, thị trấn Đồng Đăng còn là cửa ngõ đến các khu thương mại cửa khẩu lớn của Lạng Sơn như: Tân Thanh, Hữu Nghị và Cốc Nam. Do đó, hoạt động buôn bán xuất nhập khẩu hàng hóa ở đây diễn ra tấp nập khiến đường giao thông đi lại bị xuống cấp và ùn tắc nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng cửa khẩu, ngày 22/5/2001, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định số 906/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu vượt Ga đường sắt Đồng Đăng, huyện Cao Lộc nối thẳng với quốc lộ 1A. Theo thiết kế ban đầu, cầu có chiều dài 255m, rộng 14,5m, xây dựng bằng bê tông kiên cố và chia làm hai gói thầu: gói số 1 gồm cầu vượt và kè suối; gói thầu thứ 2 là đường dẫn vào cầu.

Được khởi công từ năm 2004 và dự kiến hoàn thành trong vòng 36 tháng. Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên đến năm 2008, chủ đầu tư mới làm xong các hạng mục cầu vượt, kè suối và đường dẫn lên cầu ở phía Nam. Còn đường dẫn lên cầu phía Bắc (thuộc khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng) dài hơn 200m vẫn chưa được hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Theo quan sát của phóng viên, đoạn đường dẫn lên đầu cầu phía Bắc này hiện giờ chỉ là con đường đất hẹp nên chỉ có xe máy, xe đạp có thể lưu thông. Có khi hai bên đường cỏ mọc um tùm, người dân phải ra phát quang để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Tất cả các loại ôtô phải đi vòng qua trung tâm thị trấn Đồng Đăng để ra các cửa khẩu và ra quốc lộ 1A. Do đó, khu vực thị trấn Đồng Đăng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. 

Một người dân sống ở đây bức xúc: “Việc xây dựng dở dang rồi bỏ đấy gần 10 năm qua khiến cuộc sống người dân chúng tôi vô cùng khó khăn. Làm ăn kinh doanh không ổn định, nhà bị hỏng cũng không thể làm lại hoặc sửa chữa vì đất thì nằm trong dự án. Nhỡ đâu vừa làm nhà xong họ lại đến thu hồi để giải phóng mặt bằng nên chúng tôi không làm, mà ở thế này thì cứ thấp thỏm không yên.

Với mong muốn an cư để lập nghiệp nên chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng rồi đâu lại vào đấy… Một số hạng mục do để lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe cộ và phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Các tệ nạn xã hội tập trung ở khu vực cầu ngày càng nhiều, tình trạng mất trộm, mất cắp diễn ra thường xuyên mà người dân chúng tôi kêu chán vẫn không được. Cứ nghĩ xây xong cầu cuộc sống của người dân ổn định hơn, kinh tế phát triển hơn nhưng giờ cuộc sống của chúng tôi càng ngày càng khó khăn”. 

Đến bao giờ mới hoàn thành?

Theo tìm hiểu của phóng viên, lý do chủ đầu tư không làm được đường dẫn lên cầu là do vướng 25 hộ dân và một miếu thổ công của cộng đồng dân cư chưa có kinh phí để giải phóng mặt bằng. 

Ngày 23/3/2016 vừa qua, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (BQL) mới có Văn bản số 96/BQLKKTCK-QLDA gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc đề nghị kinh phí để thực hiện Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nút giao Cầu vượt Ga đường sắt Đồng Đăng, nêu: BQL được giao là chủ đầu tư dự án, BQL đã thực hiện thi công phần cầu bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài là 255,85m, phần đường dẫn lên cầu phía Nam dài 217,12m đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán tại Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 6/7/2009 và Quyết định 2012/QĐ-UBND ngày 13/12/2010 với tổng số tiền là 57,27 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, Cầu vượt Ga đường sắt Đồng Đăng từ khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, nhưng đường dẫn đầu cầu phía Bắc chưa được thi công hoàn chỉnh làm giảm hiệu quả đầu tư. Thực tế trong những năm qua trong nhiều cuộc họp cử tri của thị trấn Đồng Đăng, nhân dân luôn kiến nghị hoàn thiện để nhân dân đi lại được thuận tiện. Nguyên nhân là do vướng mắc chưa giải phóng được mặt bằng với diện tích 2.513m2 đất, ảnh hưởng của 25 hộ dân và 01 miếu thổ công của cộng đồng dân cư.

Theo đó, để dự án nút giao Cầu vượt Ga đường sắt Đồng Đăng khai thác sử dụng đạt hiệu quả, đồng thời nhằm giải quyết kiến nghị của nhân dân là rất cần thiết. BQL đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, với số tiền hơn 14 tỷ đồng theo đúng quyết định phê duyệt của UBND huyện Cao Lộc.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Cường - cán bộ thực hiện dự án của BQL cho biết: “Trước đây, phần dẫn lên cầu phía Bắc là do Ban 748 cũ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi ban này giải thể thì năm 2009, BQL tiếp nhận. Ngay sau khi tiếp nhận, năm nào cũng có văn bản đôn đốc các cơ quan tiến hành việc giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa được xử lý. Đến năm 2015, UBND huyện Cao Lộc mới có quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Ngay sau đó, BQL đã có báo cáo lên UBND tỉnh, giờ phải chờ kinh phí chuyển về thì chúng tôi mới có tiền để tiếp tục hoàn thiện các hàng mục còn lại”.

Đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục để đưa cầu vượt vào sử dụng, tránh lãng phí và đảm bảo cuộc sống của người dân. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Văn Hải - Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho rằng, cầu vượt Ga Đồng Đăng do BQL khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Cầu vượt thì xong rồi chỉ còn đầu cầu treo lơ lửng không giải phóng mặt bằng được, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết giải phóng mặt bằng để làm cho xong. Có hai cái vướng, một bên vướng vài chục hộ dân, một bên lao vào núi, do đó gần 10 năm để đấy rồi”.

Đọc thêm